Nhiều trường hợp vi phạm tốc độ
Ngày 2/3, lực lượng CSGT Hà Nam triển khai kiểm tra tốc độ người tham gia giao thông trên QL1A, đoạn phía Bắc TP. Phủ Lý.
Lực lượng CSGT Hà Nam thực hiện kiểm soát vi phạm tốc độ ở QL1A - đoạn phía Bắc TP. Phủ Lý
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong buổi sáng, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm. Trong đó, có người điều khiển xe máy, ô tô con và cả lái xe ô tô khách.
Đáng nói, trong số 16 trường hợp bị lập biên bản vi phạm, đa số tìm cách xin xỏ để được bỏ qua. Cũng có một số trường hợp đòi hỏi lực lượng CSGT cho xem kế hoạch tuần tra, xem máy đo tốc độ.
Đơn cử như vào lúc 10h, lái xe Đào Sỹ D. (SN 1988, Hoa Lư, Ninh Bình) khi bị tổ CSGT dừng xe và thông báo lỗi vi phạm tốc độ vượt quy định từ 5 - 10km/h (69/60km/h), anh này lập tức tỏ thái độ.
Ban đầu anh D. yêu cầu xem hình ảnh vi phạm. Tổ công tác liền cho gửi file hình ảnh qua iPad để anh D. xem.
Khi xem xong ảnh, anh D. nói ở đây không có biển báo hạn chế tốc độ 60km/h, thì lực lượng CSGT chỉ cho anh vị trí biển báo khu đông dân cư cách đó gần 2km.
Đuối lý, anh D. yêu cầu cho xem máy đo tốc độ, xem máy có tem kiểm định, có đúng chuẩn không.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Thắng cho người điều khiển phương tiện xem hình ảnh vi phạm và tuyên truyền giải thích trước khi tiến hành lập biên bản
Lúc này, Thiếu tá Nguyễn Quốc Thắng, cán bộ Đội tuần tra kiểm soát số 1, Phòng CSGT Hà Nam liền giải thích: Về kế hoạch tuần tra, người vi phạm có thể tới trụ sở Phòng CSGT ở cách đó hơn 2km để xem vì kế hoạch được niêm yết công khai ở trụ sở. Còn không có quy định để người vi phạm xem thiết bị nghiệp vụ của lực lượng công an. Với vi phạm tốc độ, hình ảnh chụp từ máy đo tốc độ là căn cứ để tổ CSGT xử lý.
Dù đã được xem hình ảnh vi phạm, nhưng lái xe Đào Sỹ D. vẫn yêu cầu được xem máy đo tốc độ của lực lượng CSGT
Trước đó khoảng 1 tiếng, cũng có trường hợp một người ở Thanh Hóa yêu cầu xem máy đo tốc độ, thậm chí còn đòi xem cả giấy phép sử dụng máy, chứng nhận sản xuất...
Người vi phạm có được quyền yêu cầu xem máy đo tốc độ?
Thiếu tá Nguyễn Quốc Thắng nhấn mạnh: Để người vi phạm khỏi thắc mắc, hay bức xúc khi bị xử lý vi phạm. Trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ: Kết thúc ca làm việc, khi vị trí đo tốc độ không ở quá xa nơi xử lý..., CSGT vẫn có thể đưa thiết bị về để người vi phạm quan sát từ xa. Người vi phạm không được động chạm vào thiết bị và cũng không được đòi hỏi thêm bất cứ điều gì. Bởi lẽ, tất cả các thiết bị nghiệp vụ của chúng tôi sử dụng đều được Bộ Công an, Công an tỉnh trang bị, được kiểm định và cấp phép sử dụng.
Nhiều trường hợp vi phạm đã ký vào biên bản rất nhanh sau khi được CSGT giải thích và cho xem hình ảnh vi phạm của mình
Theo các chiến sĩ trong tổ, thời gian gần đây, tình trạng một số người dân do xem các video trên mạng xã hội, tin lời những Tiktoker, luật sư Facebook nên đòi hỏi phi lý, không theo quy định của pháp luật đối với lực lượng CSGT.
Đa phần vì người dân thiếu hiểu biết, nhưng cũng có không ít trường hợp cố tình để kéo dài thời gian xử lý, cản trở quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, khi làm việc các cán bộ chiến sĩ đều nhẹ nhàng tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, chấp hành. Tất cả các trường hợp vi phạm đều phải bị xử lý theo đúng quy định.
Camera được gắn trước ngực áo mỗi cán bộ chiến sĩ. Đảm bảo ghi lại toàn bộ quá trình thực thi nhiệm vụ của CSGT và cũng là căn cứ để xử lý khi người vi phạm có hành vi chống đối, bỏ chạy
Một cán bộ thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam, cho biết: Trong đợt này, khi thực hiện nhiệm vụ, mỗi CSGT còn được trang bị một máy quay chuyên dụng gắn trước ngực để ghi lại toàn bộ hình ảnh khi dừng, xử lý người điều khiển phương tiện.
Hình ảnh này sẽ được truyền về cơ quan để theo dõi, giám sát các chiến sĩ.
Ngoài ra, các thiết bị như máy đo nồng độ cồn, máy đo tốc độ cũng được kết nối dữ liệu, đảm bảo không ai có thể can thiệp, xóa dữ liệu.
Kết thúc ca làm việc, lái xe D. đã được tổ công tác cho xem máy đo tốc độ. Sau đó lái xe này đã công nhận hành vi vi phạm và ký vào biên bản
Một số trường hợp khi vi phạm có hành vi quay đầu bỏ chạy, hoặc cố tình không chấp hành hiệu lệnh - để đảm bảo an toàn, lực lượng CSGT sẽ không truy đuổi.
Nhưng hình ảnh từ camera ghi hình, hình ảnh từ máy đo tốc độ sẽ là căn cứ để lực lượng CSGT gửi thông báo vi phạm phạt nguội, thậm chí để phục vụ điều tra xử lý hành vi không chấp hành.
Đây cũng là biện pháp không chỉ riêng CSGT Hà Nam mà lực lượng CSGT toàn quốc đang áp dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận