Thực tế, lực lượng CSGT toàn quốc vẫn chủ yếu phải xử lý lập biên bản theo kiểu truyền thống.
Đã tích hợp vẫn bị phạt
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Cục CSGT cho biết, việc tích hợp các loại giấy tờ lên VNeID mang lại rất nhiều tiện lợi so với việc xử lý, giải quyết vi phạm bằng giấy tờ vật lý. Người vi phạm chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, không phải đi lại như trước. Việc nộp phạt cũng diễn ra trên môi trường điện tử, sau đó ứng dụng sẽ gỡ bỏ thông báo về việc tạm giữ giấy tờ, rất thuận lợi cho người dân.
Dù có nhiều lợi ích như vậy, tuy nhiên theo ghi nhận của PV Báo Giao thông trong những ngày đầu triển khai trên địa bàn cả nước còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người vi phạm vẫn tỏ ra lúng túng do quên mật khẩu đăng nhập tài khoản định danh, hoặc vẫn quen sử dụng giấy tờ vật lý (bản cứng).
Tại Hà Nội, sau gần một tuần, CSGT thực hiện tạm giữ/tước hơn 60 giấy phép lái xe (GPLX) các loại trên môi trường điện tử đối với tài xế có lỗi vi phạm.
Chiều 6/7, tài xế Phạm Lưu P (SN 1995, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lái xe máy lưu thông đến ngã ba Lê Duẩn - Nguyễn Thượng Hiền thì bị lực lượng CSGT ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Anh P trình bày quên GPLX và giấy đăng ký xe.
Khi CSGT giải thích nếu đã tích hợp các giấy tờ lên ứng dụng VNeID, không cần trình giấy tờ gốc, anh P vội vàng mở điện thoại, truy cập rồi xuất trình thông tin về GPLX A1 và đăng ký xe máy đã được xác thực.
"Việc xử lý thông qua ứng dụng VNeID rất thuận lợi. Từ nay người dân chỉ cần mang theo điện thoại thông minh, không cần mang giấy tờ gốc nữa", anh P hào hứng.
Cũng như anh P, nhiều tài xế ô tô đã nhanh chóng tích hợp các loại giấy tờ liên quan đến người lái và phương tiện lên ứng dụng VNeID. Như trường hợp của anh B.Đ.D (SN 1979, lái xe khách tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hóa). Chiều 5/7, anh điều khiển xe khách đến địa phận tỉnh Nam Định thì bị CSGT dừng kiểm tra.
Thời điểm trên, CSGT phát hiện xe chứa hàng hóa trên khoang hành khách nên lập biên bản tạm giữ GPLX 10 ngày. Tuy nhiên, thay vì giữ giấy tờ vật lý, CSGT đề nghị tài xế xuất trình giấy tờ trên môi trường điện tử. "Việc lập biên bản diễn ra trong 5 phút, nhanh hơn trước đây và cũng rất thuận lợi cho cánh tài xế", tài xế D nói.
Tuy nhiên, nhiều tình huống khó khăn cũng phát sinh. Điển hình tối 1/7, tài xế V.V.C (SN 1991, quê Thái Nguyên) điều khiển xe máy BKS 29E1-656.XX vi phạm nồng độ cồn trên đường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội). Anh C không xuất trình được GPLX và giấy đăng ký xe máy bản giấy.
Đến khi sử dụng ứng dụng VNeID đã tích hợp 2 loại giấy tờ, người này lại quên mật khẩu nên không thể xuất trình. Do đó, ngoài vi phạm nồng độ cồn, anh C đành ngậm ngùi chấp nhận bị phạt thêm lỗi không có GPLX và giấy đăng ký xe.
Nhiều người vẫn giữ thói quen cũ
Tại các tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, PV ghi nhận nhiều trường hợp chưa đồng bộ giấy tờ xe và thông tin cá nhân lên hệ thống điện tử. Thậm chí, có trường hợp chưa được cấp căn cước công dân, chưa cài đặt VNeID.
Tại Thanh Hoá, nhiều người dân vẫn chưa quen xuất trình giấy tờ trên VNeID mà vẫn sử dụng giấy tờ bản cứng. Ngày 7/7, PV có mặt trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua Thanh Hoá cùng tổ công tác Phòng CSGT công an tỉnh và ghi nhận, trong số hơn 30 phương tiện bị dừng xe kiểm tra hành chính, tất cả tài xế đều xuất trình bản cứng.
Tài xế Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1962, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) điều khiển xe ô tô BKS 36A-326.55 cho biết: "Tôi cũng nghe thông tin về việc kiểm tra qua VNeID, nhưng thời gian mở ứng dụng, đăng nhập vào hệ thống còn lâu hơn là mở cốp đưa giấy tờ cho CSGT kiểm tra".
Trung tá Đỗ Minh Thành, cán bộ Trạm CSGT Quảng Xương (Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hoá) cho biết: Một tuần qua, tổ công tác kiểm tra hàng trăm trường hợp trên tuyến quốc lộ 1A nhưng chỉ có 3 trường hợp mở ứng dụng cung cấp giấy tờ liên quan.
Còn tại TP Thanh Hoá, tỷ lệ người tham gia giao thông xuất trình giấy tờ trên ứng dụng cũng không cao. Trung bình kiểm tra 100 người thì có hơn 20 người xuất trình giấy tờ online.
Tại TP Hà Tĩnh, lực lượng chức năng đã xử phạt 10 trường hợp, tạm giữ giấy phép lái xe trên môi trường điện tử. Lực lượng CSGT cho biết, đa số người dân vẫn chưa nắm rõ các quy định.
Khó khăn trong xử lý ở vùng sâu, vùng xa
Tại Nghệ An, số người vi phạm bị tạm giữ bằng lái trên không gian mạng không nhiều. Đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa và biên giới, càng khó khăn hơn.
Điển hình như tại Quỳnh Lưu, lực lượng CSGT chỉ mới thực hiện tạm giữ GPLX được 4 trường hợp; tại thị xã Thái Hòa mới có 2 trường hợp. Một cán bộ Đội CSGT Công an thị xã Thái Hòa cho biết: "Quá trình làm nhiệm vụ, anh em rất cố gắng, sẵn sàng hỗ trợ người dân, cho mượn máy điện thoại, hướng dẫn đăng nhập. Tuy nhiên, nhiều người quên mật khẩu. Còn lại đa phần chưa nâng cấp tài khoản định danh điện tử lên mức độ 2".
Tại huyện Quỳ Châu, huyện miền núi có đến 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai gặp khó khăn hơn rất nhiều. "Đời sống người dân còn khó khăn, chưa có điện thoại thông minh, chưa kể sóng 4G rất yếu", một chiến sĩ CSGT Công an huyện Quỳ Châu nói và cho biết, những ngày đầu triển khai cũng phát sinh những vướng mắc cần sớm xử lý.
Ví dụ, sau khi lập biên bản và tạm giữ bằng lái trên không gian mạng, cuối ca làm việc, các tổ công tác mới về đơn vị và tích lên hệ thống được. Nếu ngay sau đó, lái xe sang địa bàn khác và vi phạm một lỗi khác và cũng bị tạm giữ bằng lái thì tổ công tác tiếp theo sẽ không cập nhật kịp.
Để khắc phục vướng mắc này, khi có trường hợp bị xử phạt và tạm giữ bằng lái tích hợp trên VNeID, tổ công tác trên đường đều chụp hình gửi về cho đội xử lý ở trụ sở để tích lên hệ thống. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có người để có thể thực hiện ngay việc này.
Tương tự tại Khánh Hòa, thượng tá Nguyễn Trọng Thắng, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, một số người dân đã tích hợp GPLX nhưng lại quên mật khẩu để đăng nhập, hoặc người dân chưa biết tích hợp GPLX trên VNeID. Ngoài ra, phần nhiều bà con sống ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số chưa sử dụng điện thoại thông minh.
Ngay tại TP.HCM, dù là đô thị lớn nhưng thực tế kiểm tra cho thấy, phần đông những người vi phạm đều tỏ ra lúng túng. Nguyên nhân được nhiều người cho biết là không theo dõi tin tức, không thấy chính quyền yêu cầu và ra đường không có wifi nên không vào ứng dụng được.
Nhiều nơi sóng 4G yếu khó truy cập
Tình trạng người dân quên mật khẩu đăng nhập ứng dụng hoặc chưa tích hợp được GPLX lên VNeID khá phổ biến trong những ngày đầu CSGT thực hiện Thông tư số 28/2024.
Thiếu tá Bùi quốc Khánh, Trạm trưởng Trạm CSGT Lưu Kiếm, Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cho biết, qua kiểm tra có đến 90% người tham gia giao thông chưa tích hợp GPLX lên VNeID.
"Đến thời điểm này, Trạm chưa xử lý được trường hợp nào qua VNeID. Nếu muốn tước GPLX qua VneID, CSGT phải di chuyển từ chốt kiểm tra về trụ sở để thực hiện việc tước GPLX qua hệ thống đặt tại trạm. Địa bàn do trạm quản lý còn nhiều điểm sóng 4G không ổn định khiến việc truy cập, cập nhật dữ liệu bị gián đoạn. Cùng đó, không phải người tham gia giao thông nào cũng sử dụng điện thoại thông minh, nhiều người chưa cài đặt VNeID, có người cài đặt rồi cũng chưa tích hợp giấy tờ", thiếu tá Khánh lý giải.
Anh Nguyễn Văn Thung, một tài xế cho biết, bản thân đã tích hợp GPLX lên phần mềm VNeID nhưng anh chỉ là lái xe thuê, giấy tờ xe như đăng ký, kiểm định… đều được cập nhật trên tài khoản VNeID của chủ sở hữu phương tiện. Vì vậy, khi CSGT kiểm tra, anh vẫn phải xuất trình nhiều loại giấy tờ bằng bản giấy.
Tại Quảng Ninh, lực lượng CSGT đã triển khai xử lý vi phạm giao thông qua VNeID song song với việc kiểm tra, lập biên bản bằng bản giấy. Điển hình như tại Đội CSGT số 2, từ ngày 1/7 đến chiều 5/7 đã xử lý được 11 trường hợp vi phạm qua VNeID.
Theo thiếu tá Trần Hoài Nam, Phó đội trưởng Đội CSGT số 2, cơ bản việc thực hiện xử phạt, tạm giữ giấy tờ online khá thuận tiện ở khu vực thành thị, đồng bằng. Tuy nhiên, đối với khu vực miền núi, biên giới, hải đảo do sóng điện thoại và đường truyền có điểm không ổn định nên việc áp dụng khó khăn.
Việc một số khu vực sóng 4G kém, hoặc người dân chưa tải ứng dụng, chưa tích hợp giấy tờ cũng khiến việc xử lý tại huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh gặp khó khăn. Trung tá Phạm Thanh Hải, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an huyện Ba Chẽ cho biết, đến nay đơn vị chưa xử lý được trường hợp nào qua ứng dụng VNeID.
"Trẻ từ trên 16 đến dưới 18 tuổi đi xe điện, xe máy dưới 50cc nhưng chủ xe lại là bố mẹ, điện thoại không được mang đến trường; chủ xe là tổ chức nên không cập nhật thông tin được lên hệ thống... Đây là những khó khăn phát sinh trong những ngày đầu thực hiện", trung tá Hải thông tin.
Gần 500 trường hợp bị tước bằng lái qua VNeID
Chiều 8/7, đại diện Cục CSGT thông tin, sau một tuần thực hiện Thông tư 28/2024 (từ 1/7 - 7/7), CSGT toàn quốc đã kiểm soát 26.961 trường hợp thông qua ứng dụng VNeID.
Qua đó, lực lượng chức năng lập biên bản đối với 6.892 tài xế vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tạm giữ gần 2.000 giấy phép lái xe các hạng. Trong số đó có 499 trường hợp bị tước bằng lái xe trên môi trường điện tử thông qua việc tích hợp thông tin vào ứng dụng VNeID.
Xuất trình bản cứng vẫn kiểm tra phần mềm
Theo đại diện Cục CSGT, từ ngày 1/7, với các trường hợp tài xế xuất trình giấy tờ vật lý, lực lượng chức năng vẫn tiến hành kiểm tra thông tin về giấy tờ đó trên trang web tra cứu. Mục đích để phát hiện giấy tờ đó đã bị xử lý, có đang bị tạm giữ hay tước ở địa điểm khác hay không. Khi đó, tài xế nếu bị tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử mà có trình giấy tờ vật lý thì sẽ không có giá trị.
Cục CSGT nhấn mạnh thêm, việc kiểm tra và xử lý giấy tờ trên môi trường điện tử còn giúp phát hiện, ngăn chặn tình trạng người vi phạm sử dụng bằng lái xe, giấy đăng ký xe giả. Do đó, cơ quan chức năng đề nghị các lái xe nên sử dụng ứng dụng VNeID đã tích hợp đầy đủ các loại giấy tờ trên môi trường điện tử.
Trục trặc khi tích hợp, phải làm gì?
Đối với việc một số người dân gặp trục trặc khi tích hợp bằng lái xe lên VNeID, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) giải thích, những người có GPLX bản giấy (được cấp từ tháng 7/2012 trở về trước) chưa thể đồng bộ với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lý do là giấy tờ đó chưa có đầy đủ thông tin về căn cước công dân với mã định danh 12 số, mà chỉ chứa thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số.
Để thuận lợi trong việc tích hợp thông tin, Cục C06 khuyến cáo người dân nên đến Sở GTVT nơi cư trú để làm thủ tục đổi từ GPLX bản giấy sang loại mới (vật liệu PET). Đồng thời, mọi người cần cập nhật thêm số căn cước công dân (12 số) vào GPLX để dễ dàng xác thực thông tin với VNeID.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận