Nghệ nhân Dương Văn Đoàn bên chiếc quạt nghệ thuật cỡ lớn của mình |
Nổi tiếng không chỉ vì gia đình đang giữ kỷ lục làm nên chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam, nghệ nhân Dương Văn Đoàn ở làng Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội còn được biết đến là người nỗ lực mang thương hiệu quạt nghệ thuật Việt ra thế giới.
Kỳ công chiếc quạt Chàng Sơn
Nghệ nhân Dương Văn Đoàn (48 tuổi), con trai của cố nghệ nhân quạt giấy nổi tiếng Dương Văn Mơ hiện là người duy nhất còn làm quạt nghệ thuật, quạt trang trí cỡ lớn ở làng Chàng Sơn.
Chiều tháng 3, tìm đến nhà nghệ nhân Dương Văn Đoàn cũng là lúc anh đang gò người tỉ mỉ từng chi tiết để hoàn thiện chiếc quạt có đường kính hơn 1m. Trên tường, dưới sàn đâu đâu cũng thấy đủ các loại quạt với màu sắc và kích cỡ khác nhau. Theo anh Đoàn, nghề làm quạt của gia đình có truyền thống từ lâu. Trước kia, người Pháp đã mang những chiếc quạt do chính tay cụ nội của anh làm sang Paris để triển lãm. Trải qua bốn thế hệ, gia đình vẫn tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.
"Mong ước của tôi bây giờ là có người tiếp tục giữ được nghề truyền thống và mang sản phẩm của làng ra với bạn bè thế giới." Nghệ nhân Dương Văn Đoàn |
Hiện nay, gia đình anh còn giữ kỷ lục làm chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam được thiết lập năm 2009. Ngoài ra, các sản phẩm của gia đình còn được đem đi triển lãm tại các dịp kỷ niệm, sự kiện lớn như Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… làm quà tặng cho khách nước ngoài.
“Thực ra, từ nhỏ tôi không quá quan tâm đến nghề làm quạt lắm. Lớn lên, nghề chính của tôi là thiết kế và trang trí nội thất. Nhưng khi nhìn cha hàng ngày say sưa, miệt mài với những nan quạt, những đơn hàng ngày một nhiều mà sức cha không còn như trước, tôi bắt đầu thấy có trách nhiệm phải giúp cha làm nghề. Cái nghề làm dần thành quen, thành thích và gắn bó với tôi đến tận bây giờ”, anh Đoàn chia sẻ.
Khi hỏi về quy trình làm quạt, anh Đoàn không hề ngần ngại tiết lộ những bí quyết sau nhiều năm gắn bó với nghề. Theo anh, muốn có một chiếc quạt bền, đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều vô cùng quan trọng, nhất là đối với quạt cao cấp. Nguyên liệu để làm xương quạt phải là tre, trúc đạt chuẩn: Dẻo, già và không mối mọt. Sau đó, được ngâm trong nước khoảng 3 tháng rồi vớt lên, sấy khô mới có thể dùng được.
Vẽ trang trí lên quạt được coi là khâu then chốt. Dù không phải là họa sĩ, cũng chưa từng qua một lớp đào tạo thư pháp nào, nhưng chỉ cần có bức tranh mẫu mà khách hàng yêu cầu là anh đều có thể vẽ và viết được. Một chiếc quạt cỡ vừa cũng phải mất ít nhất 3 ngày để hoàn thiện. Chỉ tay vào những bức tranh của mình, anh nói: “Vẽ làm sao để chiếc quạt phải có được cái hồn, cái thần ở trong đó”.
Anh Đoàn giải thích, những dòng thư pháp được viết lên quạt nghệ thuật thường gắn với những tích truyện xa xưa. Trong đó có câu chuyện kể về quạt làng Chàng rằng, xưa kia có hội đồng tiên quạt, vì lương duyên nên kết quạt để giải mọi ưu phiền. Đến nay, mọi người trong làng vẫn còn truyền nhau những câu thơ: “Tiên đồng hội quạt, kết lương duyên/Duyên lương kết quạt, giải tâm phiền/ Phiền tâm giải quạt, tay đưa gió/Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên.”
Mang thương hiệu “quạt làng” ra thế giới
Ngồi trong phòng khách rộng hơn 30m2, anh Đoàn kể về thời “hoàng kim” của nghề. Đó là khi gia đình anh sản xuất ra cả chục vạn chiếc, nhưng giá chỉ từ 150 - 300 đồng/sản phẩm, thu nhập chẳng được bao nhiêu. “Tiếng là gia đình làm quạt truyền thống nhưng tiền thu về chỉ đủ trang trải cuộc sống, cải thiện bữa ăn cho gia đình”, anh Đoàn cho hay.
Những năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu của thị trường, anh Đoàn quyết định chuyển hướng sản xuất các mặt hàng cao cấp, hàng trang trí… Thị trường của quạt Chàng Sơn được mở rộng, không chỉ ở trong nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… mà còn ở nhiều nơi trên thế giới như: Nhật Bản, Đức, Pháp, Thái Lan… với giá khoảng 1,5 triệu đồng/chiếc.
Nhắc đến chuyện mang quạt đi xuất ngoại, anh Đoàn cho hay, những thị trường nhập sản phẩm này đều rất khó tính. Vì vậy, mỗi chiếc quạt xuất ngoại cần phải qua nhiều khâu kiểm định chặt chẽ, kỹ lưỡng, đạt tiêu chuẩn thì mới được chấp nhận. Để minh chứng, anh Đoàn cho tôi xem những mẫu quạt mà người Nhật ưa chuộng và đặt hàng. “Người Nhật khó tính lắm, tất cả quy trình làm đều phải có người trực tiếp đến kiểm tra, giám sát hoặc phát trực tiếp sang bên đó. Ban đầu, họ chỉ đặt vài chục chiếc, về sau số lượng ngày càng tăng. Năm trước, tôi làm 5.000 chiếc, còn năm nay ước tính khoảng 7.000 chiếc”, anh nói.
Số lượng quạt bán ra không hề nhỏ nhưng theo anh Đoàn, mức thu nhập của nghề lại khá khiêm tốn: “Nói chắc chẳng ai tin, làm nghề này không bao giờ thiếu tiền nhưng cũng không giàu được”.
Trăn trở về việc truyền nghề, anh Đoàn không giấu nổi vẻ lo lắng: “Hiện tại, cơ sở sản xuất của tôi cũng có nhiều người làm thuê. Nhưng không có ai đủ khả năng để tự làm hết các công đoạn của quạt nghệ thuật. Các con tôi đều theo học các trường ở ngoài Hà Nội cũng không chú tâm đến nghề này. Mong ước của tôi bây giờ sẽ có người tiếp tục giữ được nghề truyền thống và mang sản phẩm của làng ra với bạn bè thế giới. Không chỉ mình tôi mà nhiều người dân Chàng Sơn đều mong mỏi như thế”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận