Lên án mạnh mẽ, yêu cầu Houthi dừng ngay hoạt động
Theo hãng tin AFP, nghị quyết do Mỹ và Nhật Bản khởi xướng đã “lên án mạnh mẽ ít nhất 20 cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại của nhóm vũ trang Houthis kể từ ngày 19/11/2023 - thời điểm lực lượng này tấn công và bắt giữ tàu chở hàng Galaxy Leader cùng thành viên thủy thủ đoàn”.
Theo nội dung nghị quyết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề nghị nhóm vũ trang Houthis lập tức dừng tất cả cuộc tấn công gây cản trở hoạt động trao đổi thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải, hòa bình và an ninh khu vực.
Nghị quyết được thông qua với 11 phiếu thuận, bốn phiếu trắng của Nga, Trung Quốc, Mozambique và Algeria, không có phiếu chống.
Nội dung nghị quyết cũng đề cập tới hành vi vi phạm quy mô lớn lệnh cấm vận vũ khí đối với nhóm vũ trang Houthis, lên án việc cung cấp vũ khí cho lực lượng này đồng thời yêu cầu tất cả quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an tuân thủ nghĩa vụ liên quan vấn đề trên.
Theo báo cáo vào tháng 11/2023 của các chuyên gia được Hội đồng Bảo an ủy thác theo dõi lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào nhóm vũ trang Houthis, lực lượng này đang củng cố năng lực quân sự trên đất liền và trên biển.
Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi giải quyết những nguyên nhân gốc rễ bao gồm các cuộc xung đột, khiến tình hình tại Biển Đỏ leo thang căng thẳng.
Nga đã đề xuất ba sửa đổi đối với dự thảo nghị quyết, bao gồm nội dung cho rằng xung đột tại Dải Gaza là một trong những yếu tố góp phần gia tăng căng thẳng tại Biển Đỏ nhưng không được thông qua.
Theo hãng tin AFP, sau khi xung đột bùng phát tại Dải Gaza, nhóm vũ trang Houthis đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào hoạt động vận tải đường biển quốc tế tại Biển Đỏ nhằm thể hiện sự ủng hộ với người dân tại Dải Gaza.
Các cuộc tấn công đã khiến các công ty vận tải thay đổi lộ trình tàu thuyền tránh di chuyển qua Biển Đỏ, thay vào đó, đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến thời gian và chi phí vận chuyển tăng lên đáng kể.
Ai Cập lo khủng hoảng kinh tế
Biển Đỏ tiếp giáp với eo biển Bab al-Mandeb ở phía nam và kênh đào Suez của Ai Cập ở phía bắc. Do đó, các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthis tại Biển Đỏ đã khiến các công ty vận tải thay đổi lộ trình tàu thuyền tránh đi qua kênh đào Suez.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, lượng hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Suez trong tuần đầu của năm 2024 giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 5/1, hãng vận tải Đan Mạch Maersk thông báo sẽ chuyển hướng toàn bộ tàu thuyền tránh khỏi Biển Đỏ trong thời gian sắp tới, viện dẫn tình hình căng thẳng trong khu vực khiến phí bảo hiểm tăng cao.
Trong khi đó, phí vận tải qua kênh đào Suez - tuyến hàng hải huyết mạch kết nối châu Âu với châu Á, là nguồn thu quan trọng của Ai Cập hỗ trợ quốc gia này trong lúc trải qua khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Kênh đào Suez đã mang lại cho Ai Cập 9,4 tỷ USD phí vận tải trong năm tài chính 2022-2023.
Theo AFP, Ai Cập phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ kênh đào Suez để chi tiêu cho quân sự và phúc lợi xã hội. Ít nhất ⅔ dân số Ai Cập sống dưới hoặc ở ngưỡng đói nghèo.
Đồng nội tệ của quốc gia này đã giảm một nửa giá trị kể từ tháng 3/2022 trong khi mức lạm phát lên tới 35%.
Ngoài ra, kinh tế Ai Cập cũng phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực du lịch và lượng kiều hối của lao động Ai Cập ở nước ngoài nhưng lượng kiều hối này đã giảm 30% trong giai đoạn tháng 7-9/2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Theo các nhà phân tích, ảnh hưởng về tài chính đối với Ai Cập từ việc tàu thuyền chuyển hướng tránh qua kênh đào Suez hiện vẫn khá hạn chế, nhưng có thể sẽ trở thành vấn đề đáng ngại nếu nhóm vũ trang Houthis tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận