30 tuổi đã loãng xương
Theo PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Thủy, khoa Cơ xương khớp, BV Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hiện nay, loãng xương không chỉ thường gặp ở người trung niên, cao niên mà có thể xảy ra ở người trẻ. Đã có những trường hợp chẩn đoán giảm mật độ xương hoặc loãng xương chỉ khi mới khoảng 30 tuổi.
Nếu không được nhận biết và điều trị loãng xương kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như tăng nguy cơ gãy xương, lún xẹp đốt sống… thậm chí là tàn phế, tử vong.
Đo loãng xương để dự phòng
Điển hình như trường hợp bệnh nhân N.T.P (30 tuổi, Quảng Ninh) đi khám vì đau lưng nhiều và khó đi lại do gầy yếu, suy kiệt, teo cơ tứ chi. Cách đây 4 năm, chị đã điều trị lupus ban đỏ với triệu chứng đau các khớp, được bác sĩ kê toa và dặn tái khám. Tuy nhiên, vì ngại và thấy thuốc hiệu quả nên bệnh nhân cầm toa thuốc mua uống dài hạn. Gần đây chị P. thấy đau vùng lưng nhiều kèm ăn uống kém, sụt cân, mất ngủ.
Tại bệnh viện, chị P được chẩn đoán người bệnh bị loãng xương nặng, gãy xẹp nhiều đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng và đái tháo đường, suy thượng thận do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc có chứa corticoids.
BS. Thủy cho hay, loãng xương là một rối loạn chuyển hóa xương, xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa quá trình hủy xương và tạo xương mới. Khi quá trình hủy xương tăng hơn quá trình tạo xương làm cho xương mỏng dần, xương trở nên giòn và dễ gãy dù chỉ sau chấn thương nhẹ. Vị trí xương gãy thường ở cổ xương đùi, gãy thân đốt sống hoặc cẳng tay…
Giảm mật độ xương và loãng xương xảy ra âm thầm, không có triệu chứng gì nhất là ở người trẻ tuổi cho đến khi gãy xương mới có các biểu hiện đau đớn tại vị trí gãy xương hoặc gây gù vẹo cột sống…
Không chủ quan với loãng xương ở người trẻ
Theo các chuyên gia y tế, loãng xương ở người trẻ tuổi xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, có thể từ chế độ ăn uống không phù hợp, không đầy đủ canxi, vitamin D, magie, kẽm, chất đạm… trong bữa ăn hàng ngày; Hoặc chế độ ăn kiêng quá mức, ví dụ không ăn chút mỡ nào thì sẽ không hấp thu được các vitamin tan trong dầu như vitamin D, E, A. Người trẻ thường có thói quen sử dụng thực phẩm có hại cho cơ thể như bia, rượu, coca, hút thuốc lá…..
Việc lười vận động, ngồi nhiều một chỗ của người trẻ thường làm công việc văn phòng cũng sẽ làm tăng quá trình hủy xương. Không tiếp xúc ánh nắng mặt trời cùng chế độ dinh dưỡng không hợp lý làm thiếu hụt vitamin D, ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi của xương dẫn đến bệnh lý loãng xương.
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến loãng xương ở người trẻ, còn có thể do mắc một số bệnh như các bệnh viêm khớp gồm bệnh gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp cột sống…; bệnh đái tháo đường, basedow, cường cận giáp, bệnh dạ dày ruột, rối loạn tiêu hóa.
Hay tác dụng phụ của thuốc an thần, thuốc corticoid, thuốc ức chế bơm proton, thuốc chống đông, thuốc chống động kinh… Các loại thuốc này nếu điều trị thời gian dài sẽ gây ra giảm mật độ xương, giảm khả năng hấp thụ canxi, tăng nguy cơ loãng xương.
BS. Vũ Thị Thanh Thủy lưu ý, loãng xương có thể dự phòng được và cần được quan tâm ở bất cứ lứa tuổi nào, nhất là khi còn trẻ.
Cụ thể, mọi người cần có chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo đủ vitamin D và canxi theo nhu cầu của từng lứa tuổi. Người dưới 15 tuổi cần đảm bảo nhu cầu canxi từ 600 - 700 mg/ngày, người trên 15 tuổi từ 800 - 1000 mg/ngày và người lớn từ 50 tuổi trở lên khoảng 1200 mg/ngày. Nhu cầu vitamin D là 600 đơn vị đến 800 đơn vị /ngày
Thường xuyên dậy sớm luyện tập, vận động ngoài trời để tăng hấp thụ vitamin D, canxi giúp cho xương chắc khỏe hơn; Không hút thuốc, hạn chế bia rượu và các chất kích thích
Điều quan trọng là cần khám sức khỏe định kỳ và không quên kiểm tra chất lượng xương của mình để phòng tránh nguy cơ giảm mật độ xương, loãng xương và gãy xương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận