Y tế

Nguy hiểm cứ sốt, mệt là truyền dịch

14/06/2016, 06:03

Người bệnh cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm, nguy hiểm tính mạng.

DSC_0668

Truyền dịch phải được thực hiện tại những cơ sở y tếđủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ. Ảnh: Khánh Linh

Truyền nước biển bị phù phổi cấp, phù não?

Chiều 13/6, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, đã nhận được báo cáo ban đầu về nguyên nhân dẫn đến tử vong của chị Trần Thị Tố Uyên (SN 1996, quận Tân Phú) sau khi truyền nước muối.

Theo đó, kết quả phẫu thuật tử thi cơ quan pháp y và các cơ quan liên quan cho thấy chị Uyên bị tử vong là do phù phổi cấp, phù não. Báo cáo cũng cho rằng trước đó dù đã bị sốt ba ngày nhưng sáng 12/6 chị Uyên vẫn đi bưng tráp cho đám cưới người thân. Đến 11h45 cùng ngày, chị Uuyên được người nhà đưa vào Phòng khám Đa khoa Thành Mỹ (quận Tân Phú) khám. Tại đây, bác sỹ cho truyền nước muối nhưng khi mới truyền được 50 - 70cc, bệnh nhân đã bị sốc nặng nên phòng khám chuyển đến Bệnh viện quận Tân Phú. Tuy nhiên, khi chuyển đến bệnh viện thì bệnh nhân Uyên đã ngưng tim, ngưng thở.

Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho rằng, đây chỉ mới là báo cáo ban đầu của Q. Tân Phú. Phải vài ngày nữa Sở Y tế TP HCM mới có kết luận chính thức. Cũng theo Thanh tra Sở, Phòng khám Thành Mỹ có giấy phép hoạt động và người điều trị cho bệnh nhân này là một vị bác sĩ - tiến sĩ.

Trước ca tử vong này, đầu tháng 5, tại Gia Lai cũng đã xảy ra sự việc đau lòng với em Cù Thị Ngọc Bích (18 tuổi, học sinh lớp 12, trú TX Ayun Pa, Gia Lai). Được biết, sau khi đi chơi với bạn, Bích cảm thấy mệt nên được người nhà đưa đi cạo gió, giác hơi và có uống một ly nước chanh đá. Sau đó, Bích được gia đình đưa đến phòng mạch tư của bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Lực (trú TX Ayun Pa, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Ayun Pa) để truyền dịch.

Khoảng 30 phút sau khi truyền dịch và tiêm thuốc, Bích có biểu hiện co giật, mạch thấp nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Ayun Pa cấp cứu và tử vong. Năm 2014, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, cũng từng tiếp nhận một trẻ mắc sốt xuất huyết bị phù phổi do truyền dịch quá nhiều. Thấy bé sốt kéo dài, người nhà đưa đến một cơ sở y tế gần nhà để điều trị. Bệnh nhân được truyền nước muối ba ngày liền, đến chai thứ 9 thì bé trở nặng. Rất may các bác sĩ đã cứu được.

Không có quy trình trong truyền dịch

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, các phòng khám đa khoa hay trạm y tế đều có thể thực hiện việc truyền dịch vì truyền dịch là một kỹ thuật thông thường. “Các trường hợp sốc khi truyền dịch rất hiếm, do vậy truyền dịch không nằm trong nhóm nguy cơ cao, theo đó không có quy trình riêng”, ông Khoa chia sẻ.

Điều quan trọng là nếu bắt buộc phải truyền dịch thì người bệnh nên thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ yếu tố như đảm bảo về mặt vô khuẩn để tránh nhiễm trùng, điều kiện cấp cứu sốc phản vệ… Bởi không may xảy ra sốc dịch truyền thì nếu được theo dõi sát sao, phát hiện sớm cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ qua khỏi”. BS Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.

Ông Khoa cũng khuyến cáo, không nên lạm dụng truyền dịch mà nên thay bằng việc uống nước hoa quả sẽ tốt hơn nhiều so với truyền dịch. Cấm chỉ định tuyệt đối việc truyền dịch thì không có, nhưng biện pháp tối ưu hơn nên chọn bổ sung bằng đường uống, chỉ truyền khi không thể ăn uống.

Cùng quan điểm, BS. Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Cấp cứu hồi sức, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, về nguyên tắc cơ thể con người có 50 - 60% là nước. Vì bất kỳ lý do nào gây nên tình trạng thiếu nước cho cơ thể thì cần phải bù để đảm bảo cân bằng. Lý tưởng thì nên bù bằng đường uống. Vì cơ thể có khả năng bù trừ tốt, vì vậy uống vào cơ thể sẽ hấp thu những phần cần thiết. Bù bằng đường uống là đảm bảo sinh lý và an toàn nhất.

Theo BS. Cấp, với trường hợp không thể bù bằng đường uống, hoặc bù bằng đường uống không hiệu quả không kịp với nhu cầu, mới phải dùng phương pháp truyền dịch. Nếu cơ thể không thiếu chất mà cứ cố tình truyền vào sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ “lợi bất cập hại”. “Truyền như thế nào, truyền bao nhiêu là đủ cần phải được tư vấn, chỉ định từ bác sĩ”, ông Cấp cho biết.

Theo ông Cấp, việc một số bệnh nhân cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm. Thậm chí, ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy cơ như bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.