Thời gian gần đây, Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh của người dân xóm Quy Bái, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) về sự khó khăn và nguy hiểm phải đối mặt mỗi khi đi lại. Vì tuyến đường giao thông chính của xóm từ lâu đã bị chia cắt bởi một con suối lớn.
Có mặt tại suối Bó Băng, theo ghi nhận của PV, con suối rộng khoảng chừng 50m, ngăn cách đường vào nhà của gần 20 hộ dân ở xóm Quy Bái. Hiện đang là thời điểm nắng nóng nên mực nước nông, mặc dù người dân vẫn có thể đi qua suối nhưng tại đây luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Ông Bùi Văn Tý (60 tuổi, người dân xóm Quy Bái, xã Đông Lai) vừa lái chiếc xe máy chở 3 cháu nhỏ qua suối chia sẻ: “Hàng ngày hai buổi sáng, chiều tôi vẫn đưa đón các cháu đi học. Trời nắng thì có thể dùng xe máy chở các cháu qua suối nhưng khi mưa đường trơn lắm không thể đi được, mỗi lần đi qua rất nguy hiểm phải để xe ở bên bờ suối bế các cháu qua. Vào mùa mưa nước suối lên cao, các cháu nhỏ thường xuyên phải nghỉ học, các cháu lớn hơn có thể đi đường vòng nhưng rất vất vả, dù đi từ sáng sớm cũng phải hơn 8h mới đến được trường”.
Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng hơn 2km, nhưng nhiều năm qua, hơn 20 em học sinh trong xóm vẫn phải hàng ngày đối mặt với nguy hiểm lội suối đi học. Vào mùa mưa, nước suối thường xuyên dâng cao nhiều phụ huynh không dám cho con mình đi học. Khi nước lũ về, các hộ dân trong xóm dường như bị cô lập.
Anh Bùi Văn Chinh (40 tuổi, trú tại xóm Quy Bái, xã Đông Lai) cho biết: “Vào mùa mưa lũ thì các cháu học sinh phải đi đường vòng qua đồi nhưng đường xa và cũng có 1 khe suối. Khi nước lớn quá các cháu đều phải nghỉ học. Về kinh tế, chỉ cần trời mưa thôi thì cây mía, cây keo và các loại hàng hóa không thể vận chuyển đi, giá cả chênh lệch nhiều so với bên ngoài bờ suối. Đề nghị các cơ quan chức năng cấp trên xem xét, quan tâm giúp đỡ để có cái cầu hoặc ngầm tràn để bà con và các cháu học sinh đi lại được thuận tiện”.
Ông Bùi Văn Sư, Chủ tịch UBND xã Đông Lai, huyện Tân Lạc cho biết: “Khu vực bên trong suối có gần 20 hộ dân đang sinh sống, có khoảng hơn 10ha diện tích đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp và con đường đi qua suối là con đường duy nhất. Vào mùa mưa việc vận chuyển hàng hóa, nông sản rất tốn công sức, giá cả thấp hơn so với bên ngoài gây ảnh hưởng về kinh tế. Do nguồn vốn hạn chế không thể xây dựng cầu hay ngầm tràn, nên chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhất là mùa mưa lũ sắp tới, việc đảm bảo an toàn cho người dân là vấn đề cấp bách”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận