Nhiều luồng hàng hải có mật độ phương tiện thủy lưu thông lớn nhưng đi lại khá tự do |
Thói quen chạy cắt mũi tàu biển
Cục Hàng hải VN cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay xảy ra hàng chục vụ tai nạn, sự cố đâm va giữa tàu biển nội địa với tàu sông pha biển (SB), phương tiện thủy nội địa. Nghiêm trọng nhất, từ tháng 12/2016 - 4/2017, tai nạn giữa tàu biển nội địa với phương tiện thủy, tàu cá chiếm gần 50% tổng số tai nạn hàng hải. Có thể kể đến một số vụ như tàu biển Phú Sơn 26 với tàu thủy Duy Linh 08 trên luồng Lạch Huyện; tàu Minh Đức Phát 68 với sà lan AG-20447 trên sông Hậu... Gần nhất, ngày 19/5 xảy ra va chạm giữa tàu chở xi măng Bình Dương 658 và tàu chở dầu Hải Linh 02 trên luồng cảng Lạch Huyện, khiến một tàu bị chìm.
Kết quả điều tra một số vụ cho thấy, tai nạn xảy ra trên luồng có sự đan xen lưu thông giữa tàu biển và phương tiện thủy nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện thủy không tuân thủ các quy tắc tránh va trên luồng hàng hải. Chẳng hạn, trong vụ tai nạn liên quan đến tàu biển Phú Sơn 26. Khi đó, tàu kéo Duy Linh 08 chuyển hướng, chạy cắt mũi tàu Phú Sơn 26.
"Hiện, chưa có quy định phương tiện thủy hoạt động trong vùng nước cảng biển phải trang bị hệ thống AIS, VHF. Vì vậy, Cục Hàng hải VN yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải, đặc biệt khu vực có hệ thống hỗ trợ thông tin hành hải (VTS) làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến các phương tiện thủy nội địa, để phương tiện thủy chấp hành tốt quy định về luồng lạch, hành trình an toàn trên luồng hàng hải”. Ông Nguyễn Xuân Sang |
“Trường hợp này, thuyền trưởng tàu kéo Duy Linh 08 phải ý thức được trách nhiệm nhường đường của mình khi hành trình trên luồng hàng hải, tính toán đến các phương án tránh va với các tàu thuyền khác bất kể có tồn tại nguy cơ va chạm hay không. Nhưng do chỉ tập trung đến việc chạy tàu, bỏ qua các nguyên tắc, quy định đã tạo ra nguy cơ va chạm trên luồng”, kết luận điều tra của Cục Hàng hải VN nêu rõ.
Tương tự là trường hợp tàu biển Minh Đức Phát đang lưu thông ban đêm trên sông Hậu gần cầu Cần Thơ phát hiện một phương tiện thủy đi ngược chiều không đèn, bất ngờ chạy cắt mũi tàu từ phải sang trái ở khoảng cách 200m. Khoảng cách gần nên thuyền trưởng chỉ kịp ra lệnh “hết lái trái”, nhưng cũng không tránh khỏi đâm vào phương tiện thủy.
Đại diện một số công ty vận tải biển cho biết, trên luồng hàng hải, vùng nước cảng biển ở một số tuyến sông khá phổ biến tình trạng phương tiện thủy “chạy tự do”, gây nguy cơ xảy ra đâm va. “Luồng lạch hàng hải giờ đã tốt hơn trước, được bị phao đầy đủ, nhưng đáng ngại là phương tiện thủy nội địa chạy không tuân thủ như tàu biển, chạy tự do trên luồng, gây cản trở và nguy cơ xảy ra va chạm”, ông Vương Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển Vinaship nói.
Đại diện Công ty Vận tải biển Vosco cũng nêu: “Trên luồng hàng hải hẹp có tình trạng phương tiện thủy nhỏ, sà lan lưu thông khi gặp tàu biển nhưng không giảm tốc độ, đi quá gần, chạy cắt mũi tàu biển. Trong khi tàu biển không nhận dạng được tín hiệu từ phương tiện thủy và cũng có thông tin từ hệ thống trợ giúp hàng hải”.
Khó cảnh báo tránh va từ xa
Ông Bùi Văn Minh, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cho biết, mỗi ngày có 60-70 lượt tàu biển lớn ra, vào luồng hàng hải Hải Phòng và hàng trăm lượt sà lan đi lại đan xen nên phải thường xuyên cử lực lượng tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho người điều khiển phương tiện thủy. “Chúng tôi đã phải mở nhiều chiến dịch tuyên truyền, bằng cách cử người chạy canô ra luồng để lên các sà lan, phương tiện thủy phát tờ rơi, hướng dẫn cho chủ phương tiện, thuyền viên”, ông Minh nói.
Tương tự, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cũng cho biết, phải thường xuyên tuyên truyền đến các chủ doanh nghiệp vận tải thủy và người điều khiển phương tiện tăng cường cảnh giới, duy trì tốc độ an toàn, không hành trình quá gần, chuyển hướng đột ngột, cắt ngang mũi tàu biển.
Lãnh đạo một số cảng vụ hàng hải và đơn vị vận tải biển cho biết, khó khăn cho tàu biển hiện nay là không thể cảnh báo từ xa nguy cơ va chạm khi phương tiện thủy lưu thông quá gần tàu biển. Nguyên nhân do chỉ tàu biển có hệ thống tự động giám sát, nhận dạng để nhận thông tin từ hệ thống hỗ trợ hàng hải, còn phương tiện thủy không có. Vì thế, hệ thống hỗ trợ hàng hải không thể liên lạc để điều động, tránh va.
“Tàu biển có hoa tiêu, thiết bị nhận dạng tự động, người điều khiển cũng được đào tạo bài bản. Còn phương tiện thủy không bắt buộc phải có hoa tiêu nên chạy tự do, gây cản trở cho tàu biển. Phải sớm chấn chỉnh hoạt động của phương tiện thủy trên luồng hàng hải, nếu phương tiện thủy trang bị được hệ thống nhận dạng, thông tin liên lạc sẽ giúp cảnh báo phòng ngừa va chạm tốt hơn”, Tổng giám đốc Công ty Vận tải biển Vinaship Vương Ngọc Sơn nêu vấn đề.
Cũng liên quan đến phương tiện thủy, ông Trương Trọng Doanh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế và môi trường (Cục Đường thủy nội địa VN) cho biết, hiện chỉ có quy định lắp đặt hệ thống giám sát tự động (AIS) đối với phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, còn chưa quy định lắp đặt đối với phương tiện thủy chở hàng, chở container, chở hàng nguy hiểm. “Năm 2016, Cục Đường thủy nội địa VN đã xây dựng đề án trang bị hệ thống giám sát hành trình AIS và VHF trên phương tiện thủy, sau này sẽ đề xuất đưa vào nội dung nghị định quản lý phương tiện thủy để điều hành, quản lý phương tiện thủy tốt nhất”, ông Doanh cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận