Xã hội

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến: "Đừng hứa suông, không dùng vật chất dụ dỗ cử tri"

11/05/2021, 10:47

Để chiếm được lòng tin, sự tín nhiệm của cử tri thì cần có nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng vận động bầu cử để được cử tri tín nhiệm bỏ phiếu.

img

Trong vận động bầu cử thì chương trình hành động chính là “chìa khóa” để mở cánh cửa đồng thuận của cử tri với ứng viên

Chương trình hành động là một cam kết chính trị

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), sau ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ là thời gian các ứng viên tiến hành vận động bầu cử.

Có 2 hình thức vận động bầu cử là tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Lương Anh Tế, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương cho biết, theo quy định, mỗi ứng cử viên ĐBQH hay ứng cử viên HĐND các cấp đều phải xây dựng cho mình một chương trình hành động để báo cáo trước cử tri và lưu trong hồ sơ ứng cử.

"Đó là dự định những hoạt động, công việc, những vấn đề ứng viên sẽ thực hiện nếu trúng cử. Chương trình hành động cũng là định hướng hoạt động trong suốt thời gian làm đại biểu sau này - đó là một cam kết chính trị”, ông Tế cho hay.

Theo ông Tế, để thu hút được cử tri, thì không thể tuỳ tiện đưa ra các "lời hứa" không khả thi. Bởi lời hứa của ứng viên không phải để lấy lòng cử tri, mà cần phải được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao sau khi ứng cử viên trúng cử.

"Do đó, từng vấn đề được nêu trong chương trình hành động phải được ứng cử viên nghiên cứu kỹ, cân nhắc cẩn thận, trong khả năng và phù hợp với lĩnh vực hoạt động của mình, có tính khả thi, không hứa hẹn điều gì mà ứng cử viên không thể giữ lời, không đủ điều kiện thực hiện”, ông Tế chia sẻ.

Một "thước đo" nữa để cử tri nhận biết, hiểu rõ động cơ, bản lĩnh, lòng tự trọng, năng lực, trách nhiệm của ứng viên, là sự chân thành. Ứng viên không nên bắt chước một ai đó để viết cho thật hay, thật kêu vượt quá khả năng, trình độ thực tế của mình.

"Có một chương trình hành động tốt giúp ứng viên tự tin trước đông đảo cử tri, nhưng cần thêm một yếu tố nữa thu hút cử tri, là cách ứng viên trình bày chương trình hành động. Kỹ năng trình bày tốt, không giáo điều, sáo rỗng, dài dòng sẽ "lột tả" được tinh thần chương trình hành động, thu hút sự quan tâm và tạo được niềm tin của cử tri đối với ứng cử viên", ông Tế nói.

img

Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội Khóa XII, XII

Không dùng vật chất dụ dỗ cử tri

Là người từng tham gia 2 khóa ĐBQH (khóa XII, XII), ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, muốn trúng cử, các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND phải thể hiện cả tâm và tầm của bản thân ở mức cao nhất để thu hút sự chú ý và ủng hộ của cử tri.

Tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử có ý nghĩa quan trọng, qua đó cử tri đánh giá năng lực, trình độ mỗi ứng viên để quyết định bầu chọn.

"Cử tri của chúng ta ngày càng thông thái, trước khi bầu ai họ cân nhắc rất kỹ lưỡng, thận trọng và chỉ bầu chọn những ai thật sự đáp ứng được tâm tư, kỳ vọng của họ", ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho rằng, bên cạnh tiểu sử thể hiện phẩm chất, năng lực, bề dày công tác, một thông tin quan trọng để cử tri xem xét, đánh giá chính là chương trình hành động của mỗi ứng viên.

"Ứng viên phải thu hút cử tri qua việc thể hiện rõ khả năng nổi bật trong lĩnh vực chuyên môn, tác phong thân thiện, bản lĩnh thuyết trình, ứng phó... Muốn xây dựng nội dung chương trình hành động thuyết phục, sát thực tế, ứng viên không chỉ có trình độ mà còn phải chuẩn bị công phu, nội dung ngắn gọn, súc tích, mạch lạc, nắm vững tình hình địa phương nơi ứng cử cũng như những vấn đề cử tri đang quan tâm", ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho rằng, ngoài hội nghị tiếp xúc cử tri để cử tri hiểu rõ hơn về các hoạt động của mình, ứng viên có thể thông qua báo chí, truyền hình để báo cáo với cử tri về chương trình hành động. Đây cũng là hình thức vận động được luật pháp cho phép và ông Tiến nhấn mạnh: "theo kinh nghiệm của tôi thì đây là hình thức rất hiệu quả trong quá trình vận động cử tri".

Cũng theo ông Tiến, hiện nay các ứng viên cũng có thể vận dụng mạng xã hội để vận động cử tri. Tuy nhiên khi sử dụng nền tảng mạng xã hội thì phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Ông Lê Như Tiến cũng đưa ra lời khuyên cho các ứng viên rằng, không nên hứa suông, và đặc biệt không dùng vật chất để dụ dỗ cử tri.

"Ứng viên khi vận động hãy hứa những gì trong khả năng mình làm được, không hứa suông, viển vông. Đặc biệt, các ứng viên không được dùng vật chất để dụ dỗ cử tri bầu cho mình vì đây là hành vi bị nghiêm cấm, nếu bị phát hiện chắc chắn ứng viên đó sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định", ông Tiến nêu quan điểm.

- 10 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 13/5/2021): Ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

- Trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ (tức ngày 22/5/2021): Kết thúc vận động bầu cử.

- Ngày 23/5/2021: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

- Chậm nhất là ngày 2/6/2021 (10 ngày sau ngày bầu cử): Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã.

- Chậm nhất là ngày 12/6/2021 (20 ngày sau ngày bầu cử): Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội.

- Các địa phương tiến hành tổng kết cuộc bầu cử từ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử cho đến trước ngày 22/6/2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.