Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp |
Mới đây, văn đàn trở nên nhộn nhịp hơn khi cuốn phê bình văn học Giăng lưới bắt chim của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tái bản lần thứ tư. Sau thời gian ở ẩn, Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như một lão nông tri điền nhàn hạ. Nhà văn gầy đi, có phần yếu hơn, ông dường như vẫn là con người nằm ngoài kiểu cách, phồn hoa, ngay cả lúc ông có nhiều tiền hay ở đỉnh cao của danh vọng.
“Vợ hay mắng sao ông ác khẩu thế?”
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn vào cuối thời kỳ bao cấp, đầu những năm đổi mới. Những băn khoăn về “đạo viết” của Nguyễn Huy Thiệp tràn ra cả kịch lẫn truyện ngắn. Trong các bài phê bình, truyện ngắn, vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp luôn có cái phũ. Sở dĩ, Nguyễn Huy Thiệp gây sốc, tạo dư luận cũng bởi chữ phũ này. Ông phản ánh tình trạng vô đạo của đời sống trong sáng tác. Ở phê bình, ông cũng phản ánh sự vô đạo của người viết. Đó là việc người viết lao vào danh lợi, đánh mất lẽ sống lớn của văn chương.
Các bài viết của Nguyễn Huy Thiệp từ chối cách nói nương nhẹ, vuốt ve, mà thẳng thừng, huỵch toẹt, không kiêng dè. Bởi vậy, ngôn ngữ văn chương Nguyễn Huy Thiệp luôn rất tàn nhẫn, gây hấn. “Ở nhà, vợ tôi cũng hay mắng tôi là sao ông ác khẩu thế? Nhưng cái nghề văn là cái nghề hay nói quá lên. Tuổi trẻ thường có nhiệt tình, bất bình trong lòng đôi khi chỉ vì bữa cơm không có thức ăn, bất bình trong quan hệ gia đình. Những truyện ngắn, những bài phê bình cũng là nảy sinh ra từ đó, phản ứng tức thì với đời sống”, ông nói.
Nhưng nếu chỉ có sự phũ phàng thì ngôn ngữ ấy phi thẩm mỹ, khó chấp nhận. Còn Nguyễn Huy Thiệp, đằng sau lớp ngôn từ phũ phàng là cái đạo. Chính cái thiết tha về đạo của Nguyễn Huy Thiệp làm nên tầm vóc của ông.
Cũng theo tác giả truyện ngắn Tướng về hưu, trong đời sống, phải trải qua hai luyện mới thành người. “Có hai khái niệm là công - pháp. Công tức là lập công. Tôi viết kịch, viết thơ, viết truyện - đó là lập công, nhưng phải có pháp, phải có tư tưởng”. Nhà văn phân trần: “Tôi viết văn cũng là quá trình đi tìm bản thân, đi tìm đạo. Cái cao nhất của đạo chính là Chân - Thiện - Mỹ. Tất cả chúng ta đều đi tìm đạo. Đều đang mò mẫm. Trong lúc đi tìm, nhiều lúc tôi cũng buồn, cũng vui, cũng có lúc dở hơi, cũng có lúc hoan hỉ, kiêu ngạo. Đủ mọi trạng thái. Tôi nghĩ, làm nghề viết văn cũng như học đạo. Muốn lập công ở đời, phải tu luyện. Muốn tu luyện, phải tu tâm trước đã”, ông nói.
Danh lợi nhiều lúc cũng hay, đôi khi cũng dở
Nguyễn Huy Thiệp tâm sự rằng, ông đã đi qua thời nửa mê, nửa tỉnh để lao vào văn chương viết như điên. Những trang viết ấy từng và có thể vẫn tiếp tục khiến ông bị người này ghét, người kia “đánh đập” và khiến kẻ tức, người thù. “Nhưng người xưa có nói, người chê mình là thày của mình. Con người ta dễ kiêu ngạo lắm. Nghề văn lại là thứ nghề ảo tưởng nhất. Chữ nghĩa cũng ảo. Không cẩn thận, mình tự mê hoặc mình lúc nào không hay. Rồi sinh ra hỗn láo, kiêu ngạo. “Lợi” và “danh” dễ làm hư con người. Nhiều người không biết đâu. Với những ý kiến trái chiều đó, tôi vẫn phải cảm ơn. Vì nó khiến tôi bớt kiêu căng, hợm hĩnh đi”, ông nói.
Nói về lý do ở ẩn, ông bảo vì bản thân “biết đủ” hơn nữa cũng là để cho thế hệ trẻ tự tin đứng trên văn đàn. “Tôi viết văn đến nay cũng đã 30 năm lẻ. Có cái hay, cái tốt nhưng cũng có cái dở, cái xấu. Cũng có thành công và thất bại. Nghề viết văn trót vận vào mình. Sống được đến ngày hôm nay, gặp gỡ mọi người cũng là giời cho. Thâm tâm tôi cũng rất ngại làm những việc to tát, danh lợi cũng hay thật, nhưng dở cũng dở thật. Khi trẻ, ai cũng ham hố nhưng khi đến tuổi này thì không còn nghĩ đến nó nữa”.
Nhà văn cho rằng, viết lách là thứ nghề lao động bằng sự cô đơn của mình nên không hề đơn giản. Nghề khó, khổ và ông vẫn gọi là thất nghiệp. “Ngoài ra, viết văn cũng phải nhờ trời cho trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh, cũng như là trong tình yêu, thì mới có thể viết được. Còn tôi giờ đã tỉnh”, ông cười.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chỉ đọc 3 dòng đã nhận ra “mùi” của Nguyễn Huy Thiệp Sách của anh Thiệp cuốn nào cũng ăn khách. Có nhiều cách lý giải, một trong những lý giải ấy là anh Thiệp có một cá tính, một phong cách không giống ai. Chỉ đọc ba dòng đã nhận ra “mùi” của Nguyễn Huy Thiệp, không phải nhà văn nào cũng có phong cách đặc biệt ấy. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh có nói một câu khiến tôi nhớ mãi. Muốn đánh giá nhà văn nào phải đặt ông ấy trong tổng thể cái nền văn học, sau đó rút ông ấy ra. Nếu vắng ông ấy mà cả nền văn học nó xộc xệch đi thì mới thấy những đóng góp quan trọng của nhà văn ấy, nếu không có gì thay đổi thì nhà văn chưa có đóng góp gì. Ở đây, có thể thấy, nếu rút anh Thiệp ra khỏi nền văn học nước ta thì sẽ thiếu một cái gì đó. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận