Hội thảo "giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách" do Báo Giao thông phối hợp với Ban ATGT TP.HCM sáng 27/5. |
PV Báo Giao thông xin lược ghi bài tham luận của nhà báo Cát Huy Quang, Thư ký tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách” do Báo Giao thông phối hợp với Ban ATGT TP.HCM tổ chức tổ chức sáng 27/5.
Nhà báo Cát Huy Quang từng có thời gian dài theo dõi lĩnh vực vận tải nên vô cùng lo ngại khi thấy nạn xe khách trá hình ngày càng tăng dù đã nhiều năm nay các cơ quan chức năng ra sức dẹp.
Tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động tấp nập trong nội đô, cho thấy hoạt động vận tải khách ở TP Hồ Chí Minh có nhiều bất cập. Tương tự ở Hà Nội, “xe dù, bến cóc” cũng rất tấp nập với rất nhiều xe khách trá hình hoạt động ở khu vực gần bến xe Mỹ Đình, đường Trần Khát Chân, đường Giải Phóng, thậm chí cả trong khu vực phố cổ.
Không riêng 2 thành phố lớn, mà tình trạng xe khách trá hình, xe dù bến cóc có ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Song, thường là tập trung ở những tuyến có đông khách du lịch, như ở TP HCM là các tuyến đi Vũng Tàu, Đà Lạt. Ở Hà Nội là các tuyến đi Lào Cai-Sa Pa và Huế... Xe khách trá hình đang là tình trạng nhức nhối, gây mất trật tự an ninh, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực vận tải khách; gây ách tắc giao thông trong nội đô. Đặc biệt là tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn trên đường vì các xe này thường phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách.
Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách và nhiều cơ quan truyền thông. |
Vì vậy, để quản lý chặt chẽ xe hợp đồng, xe du lịch, tránh tình trạng xe khách trá hình thì chúng ta phải hành động và thực hiện 10 biện pháp sau đây.
Một là cần phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chặt chẽ, không để kẽ hở cho các nhà xe lách luật và vi phạm với các chế tài xử phạt thật nghiêm khắc để đủ sức răn đe. Đặc biệt, đề nghị trong lần sửa đổi Nghị định 86 sắp tới và các Thông tư hướng dẫn thi hành phải siết chặt điều kiện kinh doanh của xe hợp đồng, xe du lịch.
Hai là, hiện nay có một số đơn vị đã lách Nghị định 86 bằng cách đầu tư xe dưới 10 chỗ ngồi núp bóng xe hợp đồng để không phải báo cáo về Sở GTVT. Nghị định sắp tới cần sửa lại là xe từ 7 chỗ ngồi trở lên chở khách theo hợp đồng vẫn phải báo cáo danh sách, vì thực tế người dân không kinh doanh chở khách thì rất hiếm khi dùng xe trên 7 chỗ ngồi phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình.
Nhà báo Cát Huy Quang phát biểu tại cuộc hội thảo. |
Ba là, hiện nay việc quy định dán nhãn mác, phù hiệu các loại xe chưa thống nhất, dẫn đến các cơ quan chức năng khó nhận diện bề ngoài của từng loại xe để kiểm tra và xử lý. Trong khi đó các xe hợp đồng, xe chở khách du lịch tùy tiện viết và dán quảng cáo trên xe như tuyến cố định để bắt khách. Để tránh tình trạng này, đề nghị cần quy định thống nhất tất cả các loại xe hợp đồng, xe du lịch không được dán hoặc treo bảng chữ thể hiện hướng tuyến hoạt động trên xe. Cả văn phòng các hãng xe hợp đồng cũng không được ghi biển thể hiện như xe chạy tuyến cố định để tránh tình trạng bán vé và bắt khách.
Bốn là, đối với xe trung chuyển hành khách, để tránh tình trạng lợi dụng loại xe này để chạy tuyến cố định, cần quy định rõ xe phải có gắn thiết bị giám sát hành trình và lộ trình của mỗi xe này chỉ có 1 điểm tập kết khách, tránh tình trạng xe trung chuyển đưa khách đến nhiều “bến cóc”. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung quy định thu hồi phù hiệu của xe trung chuyển nếu vi phạm vì hiện nay Nghị định 86 chưa có quy định thu hồi phù hiệu của xe hợp đồng.
Năm là, đối với các bến xe khách, hiện nay vẫn có tình trạng bát nháo do hoạt động mời chào, lôi kéo, tranh giành khách của đội ngũ “cò khách”. Để tránh tình trạng này, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Ban Quản lý các bến xe trong việc bảo đảm trật tự văn minh trong bến, tuyệt đối cấm các nhà xe sử dụng nhân viên hoặc thuê người làm “cò khách”. Nếu phát hiện được thì phải có biện pháp xử lý nghiêm như đình chỉ quầy vé, cắt lốt xe.
Lực lượng Thanh tra giao thông xử lý một trường hợp xe dừng, đỗ đón khách sai quy đinh. Ảnh tư liệu. |
Sáu là, cần tăng chế tài xử phạt đối với các xe và nhà xe vi phạm để bảo đảm đủ sức răn đe. Quy định hiện hành là thu hồi phù hiệu từ 1-3 tháng, khoảng thời gian dao động tương đối lớn này rất dễ sinh ra tiêu cực và không đủ sức răn đe các nhà xe vi phạm. Trường hợp đã bị thu hồi phù hiệu mà xe vẫn hoạt động thì không cấp phù hiệu vĩnh viễn cho xe đó. Nhà xe đang có xe vi phạm bị thu hồi phù hiệu thì không được cấp phù hiệu mới cho xe mua thêm. Có như vậy mới đủ sức răn đe để các nhà xe không dám vi phạm.
Bảy là, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó chấm dứt tình trạng xe khách trá hình là việc kiểm tra và xử phạt chưa nghiêm, cá biệt còn tình trạng “bảo kê” của lực lượng chức năng. Để khắc phục tình trạng này, cần quy định rõ khi có tố cáo hoặc báo chí phản ánh về tình trạng xe khách trá hình, xe dù bến cóc với những bằng chứng xác thực, rõ ràng thì các cơ quan chức năng phải tiến hành thanh tra những nhà xe vi phạm và xử lý dứt điểm. Coi những bằng chứng vi phạm mà báo chí và người dân cung cấp là cơ sở để phạt nguội;
Tám là, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình. Hầu hết các nhà xe đều được gắn thiết bị giám sát hành trình. Nếu lực lượng chức năng thực sự nghiêm minh thì chỉ cần ngồi ở nhà và trích xuất kết quả giám sát hành trình của phương tiện cũng sẽ biết rõ phương tiện đó có vi phạm hay không và hoàn toàn có đủ cơ sở để xử lý.
Chín là, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra toàn diện doanh nghiệp vận tải vì có như vậy mới chủ động phòng ngừa và phát hiện được các vi phạm. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT và các Sở GTVT cần phải lập kế hoạch thanh tra cụ thể hàng năm, quy định rõ mỗi năm Bộ phải thanh tra bao nhiêu doanh nghiệp, cấp sở phải thanh tra bao nhiêu doanh nghiệp. Mỗi năm, Bộ và Sở chọn mỗi địa phương 1-2 doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vận tải có nhiều vi phạm để thanh tra toàn diện. Chỉ rõ những vi phạm và định thời gian khắc phục, sau đó tiến hành giám sát, phúc tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp vẫn còn vi phạm; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ và cơ quan quản lý vận tải thiếu trách nhiệm để doanh nghiệp vi phạm lớn, vi phạm kéo dài.
Mười là, phải có biện pháp phát huy trách nhiệm và giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan đến quản lý hoạt động vận tải nói chung, vận tải hành khách nói riêng. Tăng trách nhiệm và thẩm quyền của lực lượng thanh tra giao thông và CSGT các địa phương trong việc xử phạt các xe khách trá hình vi phạm, như được quyền thu hồi phù hiệu ngay khi phát hiện phương tiện đó vi phạm trên địa bàn mình phụ trách (giống như thu hồi giấy phép lái xe). Sau đó báo cáo về Sở GTVT nơi cấp phù hiệu cho phương tiện đó biết. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn của các cấp chính quyền cơ sở, các đội thanh tra giao thông trong việc để xảy ra xe dù, bến cóc trên địa bàn, Vì vậy khi sửa đổi Nghị định 86 sắp tới cần ghi rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường trong việc kiểm tra và xử lý xe dù, bến cóc…
Bộ GTVT cần sớm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành một Chỉ thị tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và thành lập các đoàn thanh tra liên ngành cấp Bộ để thanh tra các nhà xe nổi cộm về hoạt động xe dù, bến cóc. Bộ GTVT, Uỷ ban ATGTQG và Cục CSGT cùng Giám đốc các sở GTVT cần công bố đường dây nóng và email tiếp nhận phản ánh những vi phạm trong lĩnh vực vận tải như đồng chí nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng đã và đang làm để kịp thời nắm bắt thông tin và chỉ đạo xử lý ngay.
Tóm lại, để chấn chỉnh tình trạng xe khách trá hình cần 3 nhóm giải pháp, đó là chế tài quản lý, biện pháp quản lý và trách nhiệm quản lý. Song suy cho cùng thì trách nhiệm quản lý là vấn đề cốt yếu. Khi nào mỗi cán bộ đứng đầu, mỗi cơ quan chức năng thực hiện đúng trách nhiệm quản lý, xử lý nghiêm cán bộ thiếu trách nhiệm quản lý thì mới có thể khắc phục được những yếu kém, khuyết điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận