Đại tá Trần Hồng bên bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông thích nhất |
Đại tá Trần Hồng (SN 1947 tại Hà Tĩnh) là phóng viên ảnh Báo Quân đội nhân dân. Ông may mắn khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý cho vào gặp bất cứ lúc nào. Vì thế, trong quãng đời làm báo của mình, ông đã có cơ hội ghi lại hàng nghìn bức ảnh ấn tượng về của Đại tướng.
“Mối tình đầu” bao giờ cũng rất mãnh liệt
Chiều muộn một ngày hè tháng 5, đến thăm Đại tá Trần Hồng trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Đường Thành (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tôi cảm nhận mối nhân duyên đặc biệt của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay khi vừa bước chân qua cánh cửa. Trong căn phòng nhỏ chừng hơn 10m2, đâu đâu cũng thấy ông dành những vị trí trang trọng nhất để đặt những bức ảnh, cuốn sách, những bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên bộ bàn ghế mây đặt giữa căn phòng, cũng lại là những kỷ niệm gợi nhớ đến người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiếc máy ảnh, niềm đam mê của ông luôn được đặt ở gần đó, để ông có thể lấy ra chụp bất cứ lúc nào.
Tháng 10/1973, ông về làm báo Quân đội nhân dân, rồi được biệt phái sang làm báo ảnh Việt Nam của Thông tấn xã Việt Nam. Đến năm 1981, ông trở về báo Quân đội nhân dân. Khi ấy, nhiều đồng nghiệp của ông chuyển ngành thì ông vẫn kiên định với niềm đam mê nhiếp ảnh.
Kể về cơ duyên khi may mắn được chọn là người chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà báo Trần Hồng nói đó là vào mùa xuân năm 1994, khi ông đến nhà riêng của Đại tướng xin được chụp ảnh nhưng thư ký của Đại tướng từ chối. Ông buồn bã định ra về thì Đại tướng xuất hiện và nói “cứ để cậu ấy vào”. Sau thời gian trò chuyện với Đại tướng, nhà báo Trần Hồng được “đặc cách” vào gặp Đại tướng bất cứ lúc nào. Đúng 5h sáng ngày hôm sau, người phóng viên ảnh ấy đã đến nhà riêng của Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu và ở lại đến tận 21h. Thành quả của ông là thiên phóng sự “Một ngày với Đại tướng” mà ông vô cùng tâm đắc. “Mối tình đầu bao giờ cũng rất mãnh liệt, giao cảm ban đầu của tôi rất mạnh. Ngày hôm đó, tôi chụp rất nhiều ảnh Đại tướng từ bữa ăn sáng, tập thiền, tập thể dục... Trước đó tôi đã chuẩn bị mọi tâm thế để đón bắt mọi khoảnh khắc của Đại tướng” - ông tâm sự.
“Với tôi, ấn tượng về Đại tướng là sự yêu đời, yêu nghề và rất nhân văn. Dù trong chiến tranh, ông luôn coi một trận chiến thắng giòn giã nhất là một trận đánh ít đổ máu nhất cho cả hai phía”, nhà báo Trần Hồng nói.
Còn cái khó khi chụp ảnh Đại tướng, theo nhà báo Trần Hồng, là vì Đại tướng quá “đồ sộ” nên chụp ảnh qua dung nhan, diện mạo, hoạt động, từ cái nhỏ để toát lên những cái lớn không hề đơn giản. Nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại khác, trời phú cho ông một đức tính đặc biệt. Ai đứng với ông, được trò chuyện cùng ông đều cảm thấy thoải mái, không còn khoảng cách. Thu được nhân tâm của mọi người là cái cực khó nhưng Đại tướng luôn làm được điều đó. “Tôi đam mê chụp chân dung, mà chân dung Đại tướng lại quá mẫu mực. Với tôi, ông là một “người mẫu” quá hoàn hảo, từ dung nhan, diện mạo cho đến phẩm chất”, nhà báo Trần Hồng chia sẻ.
Có một bức ảnh chưa chụp, rất muốn chụp nhưng không phải chụp nữa
Nhắc lại những kỷ niệm về Đại tướng, nhà báo Trần Hồng nghẹn ngào khi ông luôn được Đại tướng dành cho sự ưu ái đặc biệt.
Như lần lên Tây Bắc năm 2004, khi nhà báo Trần Hồng chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang nói chuyện với đồng bào dân tộc thì bất ngờ quay lại nói với ông: “Hôm nay, mình bất lịch sự với Trần Hồng, vì mình nói với đồng bào dân tộc mình phải nói tiếng Tày, chắc cậu không hiểu gì”. Nhà báo Trần Hồng cảm động, vì không ngờ một người ở tầm vóc lớn lao như Đại tướng mà lại quan tâm đến những điều nhỏ nhất như thế.
Chân dung người mẹ - Niềm đam mê bất tận Ngoài chủ đề chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chân dung những người mẹ cũng là đề tài nhà báo Trần Hồng tâm huyết nhất. Bức chân dung mẹ đầu tiên ông chụp, chính là người mẹ của ông, khi đó bà đã 90 tuổi. Có lẽ, bức ảnh chân dung mẹ gây ấn tượng mạnh nhất cho người xem của ông, là bức chụp chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ - người mẹ có 9 người con ra đi và không bao giờ trở lại. Bức ảnh “Đêm nhớ, ngày mơ con về”, nhà báo Trần Hồng chụp mẹ Thứ đang ngủ lúc 12h trưa, mẹ để ảnh con ở đầu giường, ánh nắng hắt về qua khung cửa sổ chiếu rọi vào khuôn mặt đầy khắc khổ của mẹ. Bức ảnh “Đợi con về”, chụp mẹ Thứ ngồi lặng lẽ bên mâm cơm đã sắp sẵn 9 cái bát dành cho 9 người con ra trận không bao giờ trở lại cũng khiến người xem vô cùng xót xa. |
Có lần Đại tướng hỏi nhà báo Trần Hồng: “Sao cậu chụp ảnh tớ nhiều thế?”. Ông đùa lại: “Thưa Đại tướng, sao Đại tướng lại cho một người vô danh tiểu tốt như em chụp ảnh Đại tướng nhiều thế?”, vậy là Đại tướng cười và tặng nhà báo Trần Hồng một ánh mắt rất đẹp, một nụ cười trìu mến và hiền dịu.
Khi có các đoàn quốc tế đến gặp Đại tướng, phóng viên nào biết cũng muốn đến để chụp một bức ảnh Đại tướng, nên tình trạng chen lấn rất nhiều. Có lần chụp với đoàn Venezuela, Đại tướng còn hỏi “Trần Hồng chụp được chưa nhỉ”, cho thấy sự quan tâm rất lớn Đại tướng dành cho ông.
Ngoài những bức ảnh trong nhiều bối cảnh được chụp, có một thời khắc của Đại tướng khiến nhà báo Trần Hồng băn khoăn trước khi bấm máy, đó là khi Đại tướng khóc.
Đó là bức ảnh chụp Đại tướng năm 1996, cũng là bức ảnh nhà báo Trần Hồng yêu thích nhất trong gần 2.000 bức ảnh chụp Đại tướng. “Bức ảnh có tựa đề “Nhớ Bác”. Khi ấy 11h, tất cả mọi người đã về hết, tôi và Đại tướng về sau cùng. Tôi thấy ông bước đi nặng nề lắm. Tôi linh tính ông đang có một nỗi niềm, khuôn mặt ông đượm suy tư. Ông chậm chạp đi lại bức tượng gỗ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong phòng, ông nhìn xa xăm, sau đó nhìn vào bức tượng. Tôi quan sát thấy khuôn mặt ông bắt đầu thay đổi, tôi chụp được 4 kiểu, sang kiểu thứ 5 Đại tướng khóc. Đó là bức ảnh tôi thấy giữa thày và trò có sự gần gũi nhất, gợi lại quá khứ của Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhà báo Trần Hồng chia sẻ thêm về bức ảnh.
Rồi đến những ngày sức khỏe Đại tướng yếu đi và phải nằm điều trị trong Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, nhà báo Trần Hồng mỗi lần vào thăm đều ghi lại những hình ảnh của Đại tướng như một cách giữ lại những tình cảm của ông.
Nhiều năm trời theo sát ghi lại từng bức ảnh, từng khoảnh khắc của Đại tướng, thế nhưng, vào ngày Đại tướng mất, nhà báo Trần Hồng nói ông không chụp nhiều. Bức ảnh ông chụp khi đó là khi Đại tướng nhập quan. Và một bức ảnh khác là máy bay chở thi hài Đại tướng chuẩn bị hạ cánh xuống Quảng Bình. “Trước đó, tôi ao ước khi máy bay hạ cánh xuống, đằng sau máy bay ấy sẽ hiện lên một cồn cát của Quảng Bình và thực tế diễn ra còn hơn cả ao ước, vì thời điểm ấy, ngoài cồn cát trắng phau hiện ra ngay sau đuôi máy bay, còn hiện rõ hình ảnh Cảng hàng không Đồng Hới”, ông chia sẻ.
Khi Đại tướng qua đời, ông vào số nhà 30 Hoàng Diệu, chứng kiến tình cảm của đồng bào mọi miền đến với Đại tướng, ông nói nghẹn ngào và cảm động. “Có một bức ảnh tôi chưa chụp, rất muốn chụp nhưng không phải chụp nữa, vì cái đó hiện diện ngay trước mặt mọi người, mọi người đều cảm được. Đó là hình ảnh dòng người đi vòng tròn quanh nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khuôn mặt ai cũng đượm một vẻ buồn”, ông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận