Nhà báo Phương Nam và ông Huỳnh Văn Nén trước cổng trại giam. |
Kể sao cho hết những oan khiên, đớn đau mà “người tù hai thế kỷ” này cùng gia đình phải chịu đựng khi mang cả hai bản án giết người và chính thức được xem là người tù oan độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Đồng hành cùng ông Nén là những nhà báo tâm huyết và có người đã ra đi bên kia thế giới…
Nỗi đau của dân là cái đau của nhà báo
Hồi đó, tôi bắt đầu theo dõi vụ án “Vườn điều” lúc đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu tiên vào ngày 7/3/2001 khi ông Nén bị kết án chung thân trong vụ giết bà Bông đã gần một năm. Vụ án khiến ai cũng chú ý, bởi 9 người gồm ba thế hệ trong một gia đình bị bắt giam. Khi đưa ra xét xử sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Nhung, người được quy kết là cầm đầu mới chết tại bệnh viện hơn 10 ngày vì ung thư. Đặc biệt là vụ án giết người vì ghen gây rúng động tại xã Tân Minh, Hàm Tân (Bình Thuận) nhưng bà Nguyễn Thị Lâm người có án cao nhất chỉ bị kết án 10 năm tù.
Ông Nguyễn Thận, lúc đó là Chủ tịch UBND xã Tân Minh đưa tôi hồ sơ vụ án và một số bài báo photo đăng trên Báo Đại đoàn kết, Văn nghệ trẻ của nhà báo Trần Mỹ, người viết đầu tiên về hai vụ án này, đề nghị tôi tham gia. Từ thời điểm này, tôi cùng anh Vũ Đức Sao Biển (Báo Pháp luật TP HCM), Nguyễn Đình Quân, Hồ Việt Khuê (Báo Tiền phong); Đặng Ngọc Khoa, Mạc Hồng Kỳ (Báo Thanh niên); Trung Phương, Lê Thanh Phong (Báo Lao động); Cao Thuyên (Báo Nông thôn Ngày nay); Lương Duy Cường (Báo Người lao động), Lê Hiền (TTXVN)… cùng luật sư Nguyễn Hồng Hà, luật sư đầu tiên của vụ án “Vườn điều”. Sau đó mới đến luật sư Kim Anh và sau này là các luật sư: Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường… bắt đầu “ăn, ngủ” cùng vụ án.
Những vô lý, mâu thuẫn của vụ án “Vườn điều” như lá thư tình không có thật, “con dao phay” gây án chỉ là những mảnh ghép rỉ sét dần được phơi bày ra công luận. Nhưng tôi nhớ nhất là buổi chiều đầu tháng 4/2002, khi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM hủy án sơ thẩm vụ “Vườn điều”.
Sau đó, anh Đặng Ngọc Khoa chở tôi trên chiếc xe máy cũ hiệu Angel từ Tân Minh đến Xuân Lộc (Đồng Nai) trời đã chạng vạng. Tại đây trong căn nhà gỗ cũ kỹ, anh Khoa đã chụp được một tấm hình “để đời” đăng trên Báo Thanh niên mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh. Đó là tấm hình ông Chín Chè, một ông già ốm nhách, khắc khổ trước mặt là ngọn đèn dầu leo lét. Căn nhà cũ của ông Chín Chè chính là nơi ông Nén (vào thời điểm xảy ra vụ án) đang làm thuê và hoàn toàn ngoại phạm. Sau đó vài tháng, nghe tôi bị bệnh, từ Long Khánh anh Khoa chạy chiếc xe máy cùi bắp của mình ra thăm không may bị ngã xe. Vậy mà anh ấy vẫn cố chạy ra chợ mua gà về nấu cháo để anh em cùng ăn rồi rủ anh Hồ Việt Khuê vào Tân Minh thăm những đứa con của các bị cáo trong vụ án.
Lần đó chúng tôi chứng kiến đám trẻ con ông Nén nấu cơm bằng củi để lửa lớn quá khiến cơm cháy dính ở đáy nồi dày lên cả khúc. Tôi vẫn nhớ thằng Lượng, đứa con thứ hai của ông Nén bỗng “thông minh đột xuất” khi múc cả ca nước đổ vào nồi làm cơm cháy mềm ra rồi xúc chia đều cho nhau ăn. Chứng kiến cảnh này, anh em nhà báo chúng tôi không cầm được nước mắt!
Sau rất nhiều lần vận động, trong đó ông Thận và anh Khoa là những người chạy đôn, chạy đáo nhiều nhất, mệt đến bở hơi tai. Cuối cùng Làng SOS Gò Vấp (TP HCM) đã nhận 8 đứa nhỏ vào nuôi. Trong đó, có ba đứa con của ông Nén, hai đứa con của chị Nguyễn Thị Tiến, hai con của anh Nguyễn Văn Tiền và một của Nguyễn Văn Sơn (cả ba đều là người bị kết án oan trong vụ án “Vườn điều”).
Sau này, anh Khoa chuyển công tác về Đà Nẵng và qua đời vì bệnh nan y. Tiếc thay anh Khoa không còn nữa để được chứng kiến những việc làm chí tình, dấn thân của mình có được thành quả như hôm nay. Hãy thắp một nén nhang để tưởng nhớ anh Đặng Ngọc Khoa nhé ông Huỳnh Văn Nén.
Có thể nói, vụ án “Vườn điều ”lúc nào cũng “sôi động” khi có mặt hai luật sư Phạm Hồng Hải và Trần Vũ Hải. Với tài hùng biện, tung hứng nhịp nhàng theo kiểu “kẻ đấm, người xoa”, có lúc các luật sư truy quyết liệt, dồn công tố viên đến mức nổi nóng. Tuy nhiên cũng có lúc lực lượng báo chí đến tòa rất mỏng chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi không phải ai cũng đủ hoặc giành hết thời gian cho vụ án này.
Mâu thuẫn chứng cứ
Tôi vẫn nhớ trong phiên tòa chỉ còn ông Trần Mỹ, tôi, Đình Quân và Lê Hiền. Thế nhưng lần đó, từ ghi chép qua tranh tụng chúng tôi đã phản ánh trên mặt báo đã thuyết phục được Tòa phúc thẩm TAND Tối cao yêu cầu VKSND Tối cao điều tra tăng cứu 7 nội dung. Trong đó, cần phải khai quật mộ nạn nhân Dương Thị Mỹ, xét nghiệm ADN để xác định tử thi có phải là bà Mỹ hay không? Bởi công tác giám định lúc đó quá sơ sài, không chụp ảnh mô tả các dấu vết trên tử thi, quần áo, thậm chí không tổ chức nhận dạng nạn nhân; Hay những mẩu thuốc Everest là có trước hay sau tại hiện trường vụ án. Hoặc lá thư tình mà nhân chứng khai viết giùm bà Mỹ.
Ngay tại tòa, chúng tôi đã phát hiện năm đó là năm nhuận âm lịch. Nếu theo lời khai của nhân chứng thì lá thư được viết khi nạn nhân đã thiệt mạng mấy chục ngày! Sau khi những người bị kết án trong vụ “Vườn điều” được xác định là oan sai, ông Nguyễn Thận một lần nữa cùng ông Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén tiếp tục ngược - xuôi kêu oan cho ông Nén. Hồi đó, ông Nén chỉ là một người bán sức lao động để làm thuê kiếm chút tiền mưu sinh và để uống rượu (thú vui mỗi tối của mình). Ngày nghe tin bà Lê Thị Bông chết, ông Nén tới tự nguyện phụ giúp gia đình nạn nhân lo ma chay.
Theo suy luận của nhiều người, thật ra ông Nén chỉ muốn sau khi làm việc xong kiếm vài chung rượu uống đỡ nghiền. Thế nhưng, hành động này lại bị bản án sơ thẩm quy kết là “để đánh lừa gia đình bà Bông và CQĐT, thể hiện bản chất gian manh, xảo quyệt của mình”. Thế mới biết, thân phận “bọt bèo” của ông Huỳnh Văn Nén khi bị kết án trong hai vụ án giết người mà mình không hề biết, không hề thực hiện nhục nhã và xót xa đến thế nào.
Hạnh phúc muộn màng
Để có được quyết định đình chỉ điều tra bị can, ông Nén được tự do ngoài công sức của ông Thận, anh Nghĩa (anh rể ông Nén) anh Nguyễn Phúc Thành, lực lượng luật sư bảo vệ miễn phí, còn có rất nhiều những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng khác. Nhìn cảnh ông Nén vừa ra khỏi cổng trại giam sau gần 18 năm nhào tới ôm chặt vợ con khóc như đứa trẻ, cánh nhà báo chúng tôi cũng khóc theo. Rồi đây, “người tù hai thế kỷ” Huỳnh Văn Nén sẽ nhận được bồi thường tiền tỷ sau 6.360 ngày bị tù oan, nhưng tiền bồi thường có đánh đổi được cảnh cha phải xa con, vợ phải xa chồng và các con ông Nén đều lớn lên trong đói nghèo, thất học.
“Nghèo rớt mồng tơi” nhưng tôi biết nếu được chọn ông Nén sẽ chọn thà là trần lưng gánh nước thuê ở chợ Căn cứ 6 (Tân Minh) rồi phụ vợ bán bánh canh, còn hơn có tiền tỷ mà mất gần 18 năm cách biệt với gia đình, cách ly với xã hội.
Dù muộn nhưng với quyết định đình chỉ điều tra bị can, xin lỗi oan sai của các cơ quan tố tụng Bình Thuận, cũng đã mang lại nụ cười cho ông Nén và gia đình. Hãy thừa nhận sai để đừng lặp lại những trường hợp tương tự đó mới là hành động dũng cảm và sòng phẳng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận