Một thế giới với muôn vàn hấp dẫn chờ đợi những người trẻ khám phá |
1. Thế giới này thật rộng lớn và những người hay ho ta chưa từng gặp mặt bỗng dưng một ngày nào đó xuất hiện, để lại những ấn tượng rất mạnh, thậm chí có thể làm ta thay đổi cả cuộc đời.
Ông Giovanni và bà Stefania đứng từ đầu con đường nhỏ để đón tôi. Do sóng điện thoại phập phù, rất lâu sau tôi mới tìm thấy họ và được dẫn tới một căn hộ rộng mênh mông nhưng khá cũ. Đó là căn nhà tôi đã thuê qua mạng. Chủ nhà và người thuê chưa từng gặp nhau, chỉ trao đổi vài câu qua tin nhắn.
Chúng tôi nói chuyện với nhau đến nửa đêm. Ông là nghị sĩ Quốc hội Ý, mới nghỉ hưu và đã từng xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam trong những năm 1960, 1970. Bà là một người ưa xê dịch.
|
Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, tôi bất ngờ vì vùng núi bao quanh nhà ông bà Giovanni quá đẹp. Không có internet nhưng đầy hoa. Nhà của Michela, cái villa mà tôi thuê một đêm trước đó cũng thế. Khắp nơi là cẩm tú cầu, những bậu hoa bên cửa sổ, những khóm oải hương trong vườn. Một thung lũng xanh thẳm ùa ra trước mắt. Đêm trước, tôi phải tìm mất một lúc trên đường núi mới đến được nhà của bà. Villa nằm gần một công viên quốc gia của Ý, trên núi.
Mở cánh cửa sổ, tôi phát hiện ra phía trước là rất nhiều cây và những rặng núi của vùng Liguria miền Tây Bắc nước Ý. Một cơn mưa sau đó ập đến rất mát mẻ. Villa của Michela nằm ở giữa rừng, có những khoảnh vườn đầy hoa. Bà là người đứng đầu một trung tâm khuếch trương văn hóa và du lịch. Bà bảo căn hộ của bà luôn mở cửa đón tôi những lần tới và tặng tôi một lọ mứt chính tay bà làm.
2. Họ là vài chủ nhà đặc biệt trong số những con người rất ấn tượng tôi đã gặp trên đường. Tôi ở nhà, dùng đồ, ăn trên bàn ăn, ngủ trên giường của họ (đương nhiên phải trả tiền thuê, giá rẻ hơn khách sạn) nhưng mối quan hệ không nằm ở những đồng euro tôi đã trả và họ đã nhận qua tài khoản để cho tôi đến ở. Mối quan hệ thực sự được kết nối sau đó chân tình. Có những người tôi vẫn còn liên lạc đến giờ, sau một vài năm. Bạn bè cùng các kỉ niệm về chuyến đi luôn là những thứ quý giá tôi có được sau mỗi chặng hành trình.
Con gái tôi có những cuốn sổ đầy những dòng lưu bút hoặc chữ kí của những người mà nó gặp và cảm thấy quý mến trên các hành trình đã đi qua châu Âu cùng bố mẹ. Rất nhiều người đã vui vẻ kí và ghi chép vào đó, một bà chủ nhà dễ thương là nông dân chính hiệu, một cô bán hàng người Serbia, những anh bồi bàn ở Pháp, mấy cô sinh viên...
Những cuốn sổ ấy, những bức tranh con gái tôi vẽ, những cuốn sách cháu đọc, những nơi cháu từng đến... chứ không phải là những giờ cắm mặt vào iPad chính là những tài sản lớn đầu tiên của con bé trên đường đời.
3. Đi (du lịch và khám phá) với tôi giống như một thứ thuốc gây nghiện. Cứ đi rồi lại muốn đi nữa. Trở về sau những chuyến đi dài là lại nghĩ ngay đến những chuyến đi mới, ở một nơi nào khác chưa từng đặt chân đến. Và rồi chuẩn bị những thứ để mang đi, xem bản đồ, kiếm tìm thông tin về những nơi sẽ đến, những con đường sẽ đi qua.
Nhiều người hỏi tôi làm thế nào để cứ đi mãi thế, tiền và thời gian đâu ra. Thực ra, tiền tôi không nhiều, phần lớn dành cho con gái học hành. Quá nửa phần còn lại gia đình tôi để dành hưởng thụ cuộc sống này. Không cần phải có một ngôi nhà, một cái xe, có một tài khoản kếch xù trong ngân hàng thì mới bắt đầu hưởng thụ. Sợ là để đạt được tất cả những thứ ấy, chúng ta đã già lụ khụ rồi.
Tôi đã đi nhiều năm qua, ngủ trong những căn nhà không phải của mình, tắm trong những phòng tắm của các căn hộ mang tên người khác, ở một nước khác và thích thú với những trải nghiệm ấy.
Ở phương Tây bây giờ nhiều bạn trẻ thích làm “roamer”- những người sinh ra ở một quốc gia nhưng họ đi khắp nơi để làm việc, sống và trải nghiệm. Họ cảm thấy thích thú với cuộc sống xê dịch ấy, bởi nó dạy họ rất nhiều điều về thế giới và về bản thân họ, mang đến những ý tưởng sáng tạo bất ngờ. Họ có thể ở lại nơi họ đã tới một năm, thậm chí lâu hơn. Họ cũng không rõ bao giờ sẽ về nơi đã sinh ra. Đối với họ, nhà là nơi mà họ sống và cảm thấy muốn gắn bó…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận