Trạm thu giá BOT tuyến tránh Biên Hòa và cải tạo QL1. |
Trong những ngày qua trạm thu giá BOT tuyến tránh Biên Hòa và cải tạo QL1 nhiều lần giao thông bị kẹt cứng do một số tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ và dừng đậu xe ngay tại các làn thu gây cản trở giao thông. Ngày 20/10, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khang, giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận (nhà đầu tư).
PV: Thưa ông, sau sự cố “xả trạm” vừa qua, chừng nào trạm hoạt động trở lại?
Dự án đường tránh TP Biên Hòa có quy mô đầu tư xây dựng với tổng chiều dài toàn tuyến 12,2km. Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.500 tỷ đồng vận tốc thiết kế cho phép các phương tiện xe cơ giới lưu thông với vận tốc đạt 80km/h.Sau khi tuyến đường được lưu thông đã giải quyết cơ bản tình trạng kẹt xe trầm trọng trên QL1, đoạn đi qua nội ô TP Biên Hòa và xã Hố Nai 3, Bắc Sơn (huyện Trảng Bom).
Dự án đã được phê duyệt về phương án thi công, tài chính, vị trí đặt trạm thu phí của các cấp thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây đã xảy ra những diễn biến không hay, các vụ hỗn loạn và gây rối đã xảy ra tại trạm BOT. Nguyên nhân của tình trạng này là do một số tài xế cho xe đi chậm khi qua trạm thu phí để phản đối mức thu phí. Điều này gây ra hệ quả là hàng nghìn phương tiện không thể lưu thông. Nhiều người buộc phải xuống xe đi bộ hàng cây số để đến nơi làm việc, thậm chí nhiều du khách nước ngoài đã phải xuống xe đi bộ kiếm phương tiện khác để tiếp tục hành trình do kẹt xe. Để ổn định an ninh trật tự và ATGT chúng tôi đã tạm ngừng hoạt động tại trạm thu giá và hiện đang phối hợp cùng với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
PV: Một số tài xế cho rằng vị trí đặt trạm thu trên QL1 là chưa đúng, họ đề nghị dời trạm về tuyến tránh (đường Võ Nguyên Giáp)?
Ông Nguyễn Văn Khang, giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận. |
Ngày 17/10 vừa qua, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở, ban ngành, chính quyền các xã: Tây Hòa, Trung Hòa, Đông Hòa, Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) và Công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận (viết tắt Công ty Đồng Thuận) về việc tuyên truyền các nội dung về dự án đầu tư xây dựng tuyến QL 1, đoạn tránh TP.Biên Hòa.
Tại cuộc họp lãnh đạo Sở GTVT đã khẳng định dự án QL1 đoạn tránh TP.Biên Hòa là một phần của tuyến QL1. Vị trí đặt trạm thu giá của dự án phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ và thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ, được các bộ, ngành và địa phương thống nhất, đồng thuận.
PV: Vậy khi nào trạm hoạt động trở lại? Ông đánh giá thế nào về sự cố “xả trạm” vừa rồi?
Tôi cho rằng sự việc vừa qua xuất phát từ việc một số tài xế chưa nắm rõ về chính sách đầu tư BOT của Nhà nước nên có hành động bộc phát. Vừa qua Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có công văn khẳng định, việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.
Tôi rất đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp để tiếp tục đầu tư xây dựng, quản lý khai thác có hiệu quả các dự án BOT giao thông.
Ngày 5/10 nhiều tài xế có hành vi dừng đậu xe chắn ngang các làn thu giá khiến giao thông QL1 khu vực trạm bị "tê liệt". |
Hiện Công ty đang phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo, Công an tỉnh, các sở ngành, huyện Trảng Bom, lãnh đạo 4 xã xung quanh trạm BOT Biên Hòa tuyên truyền các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến QL 1 đoạn tránh TP Biên Hòa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân hiểu hành vi cản trở hoạt động tại trạm là vi phạm luật, sẽ bị xử lý theo quy định.
PV: Có thông tin cho rằng dự án phải vay vốn ngân hàng nhiều nên phải trả lãi vay cao, ông có thể cho biết nhà đầu tư đã vay bao nhiêu vốn ngân hàng? Việc xả trạm ảnh hưởng gì đến thu phí?
Do xuất phát từ một đơn vị uy tín nhiều năm trong lĩnh vực thi công công trình giao thông và khai thác, cung cấp vật liệu xây dựng, với phương châm “lấy công làm lãi” khi sử dụng hầu như 100% nguyên vật liệu và nhân công nội bộ nên Công ty Cường Thuận IDICO (CTI) đã nhận được sự tin tưởng của hàng ngàn cổ đông trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài vì tin tưởng vào phương án kinh doanh và chiến lược phát triển lấy cộng đồng làm trung tâm của công ty. Trong đó Công ty Đồng Thuận là thành viên của CTI, đã thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước khi tham gia đầu tư dự án BOT tuyến tránh TP. Biên Hòa.
Vừa qua Công ty Đồng Thuận cũng đã đề xuất và được các cơ quan quản lý đồng ý cho giảm 20% so với mức giá thu giá trước đây. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã thống nhất với Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT xem xét giảm 100% cho các phương tiện tại 4 xã trong vùng ảnh hưởng là: Tây Hòa, Trung Hòa, Đông Hòa và Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), với 624 phương tiện, bao gồm cả xe buýt nội đô, xe đưa rước công nhân, học sinh.
Đây là sự đồng hành và chia sẻ của nhà đầu tư với khách hàng của trạm thu giá, dù chúng tôi đã và đang chịu thiệt hại tài chính và giá cổ phiếu công ty mẹ bị ảnh hưởng rất lớn. Cùng với đó là việc mặt bằng lãi suất ngân hàng có sự biến động so với thời điểm dự án đi vào hoạt động. Nhân đây tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới quý khách hàng, quý nhà đầu tư và anh chị em cán bộ nhân viên đã đồng hành cùng Công ty trong suốt thời gian qua…
PV: Có thông tin ông Võ Đình Thường, Phó trưởng Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an tỉnh Đồng Nai (PC 67) là con rể của chủ Công ty CTI, thông tin này có phải sự thật?
Tôi xin khẳng định thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, ảnh hưởng đến danh dự của ban lãnh đạo và tập thể Công ty CTI, đồng thời cũng ảnh hưởng đến danh dự của các cơ quan chức năng đang thực thi đúng trách nhiệm được giao, cụ thể là ông Võ Đình Thường và Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an tỉnh Đồng Nai.
Từ đáy lòng tôi vững tin là các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sẽ thực thi đúng pháp luật và trách nhiệm trong vụ việc này sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận