Nhà đầu tư chậm triển khai dự án mở rộng QL1, QL14 sẽ bị thay thế |
Bổ sung nhà đầu tư mới
Một trong những công trình đang triển khai chậm nhất trên tuyến QL1 hiện nay là dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng. Ông Nguyễn Danh Huy - Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Ban PPP) cho biết, năng lực tài chính của nhà đầu tư Công ty Hưng Phát quá yếu và chưa ký được hợp đồng tín dụng. Trước đây, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Vinaconex đã đồng ý tham gia vào dự án. Tuy nhiên, việc góp vốn của SCIC phải tuân thủ nhiều quy định rất chặt chẽ nhưng Công ty Hưng Phát không đáp ứng được. Chính vì vậy, cả hai đơn vị này đều đã có văn bản xin rút không tham gia dự án nữa.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, xã hội hóa đầu tư là con đường tất yếu, mở hướng đột phá và tháo “nút thắt” hạ tầng để phát triển KT - XH đất nước. Do vậy, Ban PPP cần chủ động đề xuất và hoàn thiện thể chế, nhất là tham gia tích cực để xây dựng riêng Nghị định của Chính phủ về đầu tư lĩnh vực này để tạo cơ chế chính sách thông thoáng nhất thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, Ban PPP cần xây dựng chính sách hợp lý để thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực ngoài đường bộ như: hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy. Việc phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch đặt trạm thu phí phải tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, tránh trùng lắp… |
Cũng theo ông Huy, hiện nay Tổng công ty XDCTGT 4 (Cienco4) và Công ty Trường Lộc đã đăng ký tham gia dự án. Hai đơn vị này đang làm việc với Công ty Hưng Phát để tiến hành các thủ tục cần thiết trước khi tham gia đầu tư.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ban PPP ngày 6/5, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng triển khai quá chậm. Nguyên nhân không gì khác do năng lực nhà đầu tư quá yếu. Bộ trưởng đồng ý để Cienco4 và Trường Lộc tham gia vào dự án này. Ngay trong tháng 6/2014 các thủ tục chuyển nhượng phải được hoàn tất. “Hưng Phát góp được bao nhiêu vốn và đã thi công được khối lượng thực tế như thế nào sẽ được tính tỷ lệ bấy nhiêu. Cienco4 sẽ làm nhà thầu chính (leader) tại dự án này”- Bộ trưởng nói.
Bên cạnh hầm Phú Gia - Phước Tượng, hiện có một số dự án khác cũng đang rất chậm tiến độ. Đơn cử như dự án mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp. Hiện công trình này cũng chưa ký được hợp đồng tín dụng 100 tỷ đồng cho GPMB. Nhà đầu tư chưa cung cấp được bảo đảm thực hiện hợp đồng. Dự án mở rộng QL14 đoạn Km1738+148 - Km1763+610 tỉnh Đắk Lắk do nhà đầu tư Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức triển khai. Tiến độ công trình này rất chậm và hiện đang thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng cho SCIC. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, trong tháng 5/2014, nếu nhà đầu tư không nộp đủ tiền sẽ kiên quyết thay ngay.
Tiếp tục khởi công nhiều dự án trên QL1
Ông Nguyễn Danh Huy cũng cho biết, hiện Bộ GTVT đang quản lý 53 dự án đầu tư theo các hình thức BOT, BT và PPP với tổng mức đầu tư lên đến hơn 132.000 tỷ đồng. Trong số đó có 17 dự án đã hoàn thành, 36 dự án đang trong giai đoạn thực hiện. Bên cạnh đó còn có 16 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư và nhiều công trình khác đang nghiên cứu và kêu gọi đầu tư.
Theo ông Huy, Bộ GTVT đang chuẩn bị khởi công 14 dự án BOT mới, trong đó có nhiều dự án trên tuyến QL1. Trong đó, QL1 qua Ninh Thuận được chuyển từ dự án biến đổi khí hậu có chiều dài 36km, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ sử dụng chung trạm thu phí của dự án BOT tuyến tránh TP Phan Rang - Tháp Chàm. Dự kiến trong quý III/2014 công trình sẽ được khởi công. Cũng liên quan đến công trình chuyển từ dự án biến đổi khí hậu, đoạn QL1 qua Bình Thuận dài 5km cũng đang được gấp rút chuẩn bị để sớm khởi công. Tổng mức đầu tư công trình khoảng 400 tỷ đồng.
Một dự án khác dự kiến khởi công trong quý III/2014 là BOT QL1 tuyến tránh TP Phủ Lý có chiều dài 26km. Tổng mức đầu tư dự án này vào khoảng 2.500 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn trong vòng 24 năm. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư và cho phép áp dụng cơ chế như các dự án mở rộng QL1.
Cũng liên quan đến tuyến tránh trên QL1, đoạn TX Sóc Trăng và cửa ngõ Bạc Liêu dài 20km có thể khởi công vào cuối năm 2014. Công trình này cũng có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng và hoàn vốn 24 năm. Hiện dự án đã có báo cáo đầu kỳ và dự kiến phê duyệt dự án vào tháng 8/2014.
Ngoài các dự án nâng cấp, mở rộng, một số tuyến cao tốc dự kiến triển khai theo hình thức BOT cũng chuẩn bị khởi công xây mới. Trong đó, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 30km, tổng mức đầu tư 7.800 tỷ đồng đang được tổ chức chấm thầu, dự kiến khởi công trong tháng 7/2014. Cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa dài 66km, xây dựng hai làn xe, có tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng. Dự án này không thể hoàn vốn qua thu phí nên Nhà nước phải góp vốn khoảng 45%. Khoảng đầu tháng 6/2014, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và dự kiến khởi công vào đầu năm 2015. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 42km, tổng mức đầu tư hơn 13.700 tỷ đồng. Bộ GTVT đang chỉ đạo nghiên cứu BOT hai làn xe. Tuy nhiên, dự án này cũng không thể hoàn vốn qua thu phí nên Nhà nước phải góp vốn thông qua sử dụng quyền thu phí đoạn Sài Gòn - Trung Lương trong 15 năm. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào cuối năm 2014.
Đức Thắng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận