Thiết kế công trình CHK quốc tế Cam Ranh do Công ty liên danh tư vấn CPG (Singapore) - PAE -ADCC là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế các nhà ga sân bay tại Singapore thực hiện |
Lãnh đạo Công ty cổ phần (CTCP) nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh cho biết, trong quý II/2018, Nhà ga quốc tế 4 sao tại sân bay Cam Ranh có tổng số vốn 3.735 tỷ đồng sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Đạt chuẩn 4 sao
Những ngày cuối tháng 4, nhịp độ thi công trên công trường nhà ga hành khách quốc tế CHK Cam Ranh hối hả gấp rút những khâu cuối cùng. Các mũi thi công đã hoàn thiện phần kết cấu khung sắt và mái, diện mạo một nhà ga 4 sao đã hiện ra với biểu tượng tổ chim yến uốn lượn trên mái, một sản phẩm đặc thù của Cam Ranh đã được nhìn thấy rõ từ xa.
Ông Trần Sơn Hải, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định, việc xây dựng mới một nhà ga hành khách quốc tế riêng biệt tại CHK quốc tế Cam Ranh là cần thiết và cấp bách. Khi nhà ga quốc tế mới đi vào hoạt động giúp hình thành 2 nhà ga, quy trình khai thác ga quốc tế và quốc nội riêng biệt, đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho du khách quốc tế và người dân, thay đổi bộ mặt của CHK quốc tế Cam Ranh. Đồng thời, đóng góp to lớn cho sự phát triển KT-XH và du lịch của khu vực Nam Trung bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng.
Ngay từ năm 2016, tỉnh Khánh Hoà đã xác định đây là công trình trọng điểm của tỉnh và đây cũng được coi là công trình đi đầu mang tính đột phá theo mô hình xã hội hóa được Chính phủ khuyến khích và Bộ GTVT đang nhân rộng ra các địa phương, nhà ga khác. Chính vì vậy, tiến độ xây dựng công trình được sự quan tâm lớn của chính phủ, tỉnh Khánh Hoà , Bộ GTVT.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT CTCP nhà ga quốc tế Cam Ranh cho biết, với sự đồng lòng nhất trí của các thành viên HĐQT CTCP nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) gồm: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty CP Giao nhận hàng hóa Nasco, Công ty CP Hàng không Vietjet, Công ty CP Việt Xuân Mới đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm để đưa công trình quan trọng này về đích đúng kế hoạch và không vượt mức dự toán kinh phí.
CHK quốc tế Cam Ranh đã hoàn thành cơ bản, những vòm cong biểu tượng tổ yến đã dần hiện ra |
Dự kiến đi vào hoạt động trong 2 tháng nữa
Được biết, dự án khởi công vào tháng 9/2016 với tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng, có công suất thiết kế đạt 8 triệu lượt hành khách quốc tế mỗi năm vào năm 2030, có khả năng phục vụ 4.000 lượt hành khách trong giờ cao điểm. Tính đến cuối tháng 4/2018, công trình nhà ga quốc tế CHK Cam Ranh đã hoàn thành khoảng 95%, dự kiến đi vào hoạt động trong quý II/2018.
Đây cũng được cho là một dự án tầm cỡ dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng có thời gian thi công thần tốc khi chưa tới 2 năm và không vượt mức dự toán tài chính ban đầu. Theo thiết kế, mô hình khu vực nhà ga quốc tế Cam Ranh mang hình dáng chiếc tổ yến, một biểu tượng của vùng đất Khánh Hòa, bao gồm 2 tầng với tổng diện tích trên 50.000m2 sàn, 4 sân đỗ dành cho máy bay thân rộng, 6 sân đỗ cơ động cùng 8 đường ống đón khách và 12 thang cơ động.
Theo đơn vị thi công, trước đó, do thời tiết khắc nghiệt, mưa bão nhiều khiến quá trình thi công có lúc bị chậm lại. Tuy nhiên các thành viên HĐQT đã quyết liệt để đảm bảo đưa công trình vào sử dụng sớm nhất.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xuống công trường kiểm tra giám sát và ăn cơm trưa với hơn 1.700 cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại công trình nhà ga CHK quốc tế Cam Ranh |
Mới đây, nhiều người khá bất ngờ trước hình ảnh ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP, đồng thời là Chủ tịch CRTC nhà ga quốc tế Cam Ranh đã xuất hiện tại công trường, động viên, nhắn nhủ và ngồi ăn cơm cùng với hơn 1.700 cán bộ công nhân viên. Một công nhân đang làm việc tại nhà ga này xúc động cho biết: “Thật không thể ngờ chủ tịch ngồi với tụi em thế này!”. Được biết, ngày hôm đó, hơn 1.700 suất ăn đặc biệt cho toàn bộ kỹ sư, cán bộ, công nhân viên được ông Hạnh Nguyễn dùng tiền túi mua mời anh chị em. Và trong dịp kỷ niệm ngày 30/4 và 1/5, ông Hạnh Nguyễn đã dùng gần 1 tỷ đồng để tặng cho toàn thể anh em cán bộ công nhân nơi công trường.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm đi khắp các quốc gia trên thế giới và dành hơn 30 năm nghiên cứu, kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: “Hàng không là điểm vận chuyển giao thương trọng yếu, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH và du lịch của một đất nước. Vì thế, việc xây dựng và điều hành nhiều CHK đẳng cấp để thu hút đầu tư, tăng trưởng khách du lịch và đưa Việt Nam vươn ra thế giới là điều tất yếu…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận