Khối lượng thi công các gói thầu trên toàn tuyến đang chậm 9% so với kế hoạch tiến độ đề ra |
Theo thông tin của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư), hiện khối lượng thi công các gói thầu xây lắp của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chỉ đạt khoảng 77%, chậm 9% so với kế hoạch ban đầu.
Ông Trần Văn Tám, Tổng Giám VEC cho biết, khó khăn lớn nhất của dự án là nhiều vị trí trên tuyến còn vướng mắc mặt bằng. Trong đó, các gói thầu từ A1 đến A4 (hợp phần phía Tây sử dụng vốn ADB) còn vướng 27 hộ dân, địa phương cam kết xử lý xong trong tháng 9/2018, nhưng dự kiến phải kéo dài đến hết tháng 10 mới hoàn thành.
Tương tự, các gói từ A5 - A7 (hợp phần phía Đông sử dụng vốn ADB) đang vướng 118 hộ dân, tỉnh Đồng Nai dự kiến trong tháng 10 mới xử lý dứt điểm. “Còn lại các gói từ J1 - J3, hợp phần sử dụng vốn JICA đã hoàn thành GPMB nhưng gặp vướng mắc về thiết kế của các cầu Bình Khánh, Phước Khánh và điều chỉnh số liệu đầu vào. Dự kiến từ nay đến 15/10, VEC sẽ báo cáo Bộ GTVT hướng xử lý hai cầu này”, ông Tám nói.
Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, tiến độ thi công gói thầu A4 (nhà thầu Kukdong và Đông Mê Kông) gần như không làm gì trong thời gian qua và năng lực nhà thầu rất yếu. Đối với 3 gói A5, A6, A7, sản lượng trung bình mới chỉ đạt 6-7% giá trị xây lắp và dự kiến phát sinh thêm vướng mắc mặt bằng của 91 hộ dân.
“Hiện VEC không chỉ đạo được nhà thầu để xây dựng biểu đồ tiến độ tổng thể, chi tiết cho 3 gói thầu từ A5 đến A7 vì vẫn còn những tranh cãi liên quan đến thời điểm kết thúc dự án”, ông Thành nói và đánh giá, dự án còn rất nhiều vướng mắc và công tác tổ chức thực hiện của chủ đầu tư đang đang có vấn đề.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,7km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án được khởi công tháng 7/2014, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng (tương đương 1,607 tỷ USD). Trong đó, nguồn vốn vay ADB là 635,7 triệu USD, còn lại là vốn vay Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 634,8 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận