Giao thông

Nhà thầu "xắn tay" cùng địa phương gỡ khó mặt bằng thi công cao tốc qua Quảng Bình

05/07/2024, 19:25

Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình đang được cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Bình và các nhà thầu có phạm vi thi công vướng mặt bằng rốt ráo vào cuộc gỡ khó.

Chờ từng cuộc gọi của người dân để hỗ trợ di dời

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 30/6/2024, các địa phương phải hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Nhà thầu "xắn tay" cùng địa phương gỡ khó mặt bằng thi công cao tốc qua Quảng Bình- Ảnh 1.

Máy móc, phương tiện của nhà thầu luôn túc trực để hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại dự án Bùng - Vạn Ninh đoạn qua địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đang rốt ráo hơn bao giờ hết. 

Theo các nhà thầu thi công, sau các cuộc họp, chỉ đạo nóng tại hiện trường của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, các địa phương nơi đang có dự án đi qua đã huy động cả hệ thống chính trị từ cấp thôn đến huyện, thị thành lập các tổ công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân di dời đến các khu tái định cư. 

Với sự nỗ lực của các bên, một số nút thắt tại dự án trước đây khiến nhà thầu "ngồi trên đống lửa" đã được tháo gỡ như: Cầu vượt QL9E, nhà máy sắn...  

Nhà thầu "xắn tay" cùng địa phương gỡ khó mặt bằng thi công cao tốc qua Quảng Bình- Ảnh 2.

Nhà thầu phối hợp với địa phương cùng chung tay để sớm có mặt bằng. Trong ảnh, cán bộ Tập đoàn Cienco4 cào bóc đất phong hóa để người dân xây nhà mới.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 (nhà thầu thi công dự án) tranh thủ những ngày nắng ráo ít ỏi còn lại, đơn vị đang chạy đua với thời gian bố trí nhiều nhất có thể máy móc nhân công để hoàn tất các hạng mục đắp nền đường, cầu vượt...

Tuy nhiên, trên tuyến chính dài gần 16km qua địa phận huyện Bố Trạch, đặc biệt đoạn qua địa phận thị trấn Nông trường Việt Trung, xã Tây Trạch, Hòa Trạch vẫn còn nhiều hộ dân chưa di chuyển nhà. Việc thi công vô cùng khó khăn.

"Chúng tôi đang rất sốt ruột khi mùa mưa đang đến gần nhưng tại một số vị trí trên tuyến chính do vướng nhà dân nên chưa thể triển khai công tác cào bóc phong hóa, đắp đất nền. 

Thời gian vừa qua, được sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, nhiều hộ gia đình đã bàn giao nhà cửa. Song, vẫn còn một số hộ cá biệt đã nhận tiền bồi thường, tiền hỗ trợ tạm cư vẫn "đủng đỉnh" chưa chịu bàn giao.

Để hỗ trợ tối đa cho công tác GPMB, chúng tôi phân công từng người cùng các tổ công tác của địa phương đến từng nhà người dân để vận động; cùng đó, bố trí máy móc sẵn sàng thực hiện công tác giải phóng phần mặt bằng còn lại.

Mỗi khi nghe người dân gọi đến hỗ trợ là anh em mừng lắm. Mỗi căn nhà, công trình khi được tháo dỡ là có thêm vài chục mét mặt bằng để bố trí máy móc thi công", vị này nói.

Nhiều hộ dân vẫn gây khó dễ 

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận huyện Bố Trạch, bên cạnh những hộ dân đã chấp hành tốt chủ trương nhận tiền, bàn giao công trình để đến các khu tái định cư. 

Thế nhưng, xen lẫn trong số đó một số nhà chưa bàn giao, người dân vẫn sinh hoạt bình thường và chưa có tín hiệu cho thấy khu vực này là tuyến chính của công trình trọng điểm quốc gia đang thi công.      

Nhà thầu "xắn tay" cùng địa phương gỡ khó mặt bằng thi công cao tốc qua Quảng Bình- Ảnh 3.

Nhiều hộ dân vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Theo số liệu từ chủ đầu tư dự án Bùng - Vạn Ninh, hiện trên địa bàn huyện Bố Trạch còn 0,8km mặt bằng chưa được thông tuyến. 

Cụ thể, tại xã Tây Trạch có 215m tuyến chính chưa thông, xã Hòa Trạch còn vướng 250m do các hộ dân đang chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thị trấn nông trường Việt Trung có 340m người dân còn thắc mắc về giá cả đền bù, chưa đồng thuận. 

Ngoài ra, một số công trình như: cột sóng Vinaphone, công trình miếu thờ tại khu vực nhà máy sắn nằm trên tuyến chính cũng chưa được di dời. 

Nhà thầu "xắn tay" cùng địa phương gỡ khó mặt bằng thi công cao tốc qua Quảng Bình- Ảnh 4.
Nhà thầu "xắn tay" cùng địa phương gỡ khó mặt bằng thi công cao tốc qua Quảng Bình- Ảnh 5.
Nhà thầu "xắn tay" cùng địa phương gỡ khó mặt bằng thi công cao tốc qua Quảng Bình- Ảnh 6.

Các công trình, đất các hộ dân vẫn còn án ngữ trên tuyến chính 

Theo lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch, địa phương đang tích cực tập trung cho công tác GPMB với mục tiêu bàn giao số diện tích còn lại sớm nhất cho chủ đầu tư. 

Mặc dù vậy, quá trình triển khai, vẫn còn nhiều hộ chưa đồng thuận với phương án bồi thường. 

Địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với phương án bồi thường, sớm nhận kinh phí, bàn giao mặt bằng dự án.

Tương tự, tại huyện Lệ Thủy, địa phương này cũng đang còn 0,7km mặt bằng chưa được bàn giao cho nhà thầu thi công. Theo lãnh đạo UBND huyện, số mặt bằng 0,7km còn lại rơi vào 3 nhóm và đang được địa phương tích cực giải quyết.


Cụ thể, đối với nhóm các hộ mới được phê duyệt phương án, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền bồi thường, GPMB.


Đối với các hộ đã tuyên truyền, vận động 3 lần nhưng vẫn không chịu nhận tiền thì xây dựng phương án thực hiện cưỡng chế; Đối với số hộ đang có khiếu nại, huyện tập trung giải quyết nhưng đồng thời cũng chuẩn bị phương án cưỡng chế.


Theo ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, thời gian qua, từ cấp thôn đến cấp huyện đều chia nhau ra đến từng hộ dân tuyên truyền vận động để đến nơi ở mới. 


Trong số đó vẫn còn nhiều hộ do lịch sử nguồn gốc đất đai phức tạp, chưa thể giải quyết sớm dẫn đến kết quả chưa được như mong muốn. 


Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua địa bàn Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài hơn 126km.

Trong đó, đoạn Vũng Áng-Bùng có chiều dài khoảng 42,95km; đoạn Bùng-Vạn Ninh có chiều dài 49,93km và đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ có chiều dài 33,55km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 8 nút giao.

Tổng diện tích đất chiếm dụng của các dự án thành phần là gần 1.129ha; diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cần chuyển mục đích sử dụng gần 658ha. Có khoảng 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư (TĐC); có khoảng 4.642 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 3.885 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới.

Tính đến ngày 30/6, tổng chiều dài mà các địa phương đã bàn giao cho các ban quản lý dự án là xấp xỉ 125km (đạt 98,78%).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.