Xã hội

Nhà thuê tối thiểu 8m2/người được đăng ký thường trú: Tránh tạo ra rào cản

21/10/2020, 11:58

Một số đại biểu cho rằng, quy định diện tích nhà thuê tối thiểu 8 m2/người mới được đăng ký thường trú có thể là rào cản cư trú của công dân.

img
Quy định diện tích nhà thuê tối thiểu 8 m2/người mới được đăng ký thường trú còn nhiều ý kiến băn khoăn (Ảnh minh họa)

Ngày 21/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết điều kiện đăng ký thường trú (quy định tại Điều 20 dự thảo luật) còn có ý kiến khác nhau.

Theo đó, có ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo Luật là cần quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn bởi việc giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức diện tích bình quân về chỗ ở có thể sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương.

Qua thảo luận, hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Cụ thể, nhóm ý kiến thứ nhất tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

"Mức diện tích nhà ở tối thiểu 8 m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và mức tối thiểu 8 m2 sàn/người hoặc cao hơn cũng được đưa thành chỉ tiêu phấn đấu của hầu hết các địa phương trong cả nước", ông Hoàng Thanh Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, đây cũng là ý kiến của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định ngay trong Luật diện tích nhà ở tối thiểu 8 m2 sàn/người là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ mà không giao cho HĐND quy định mức diện tích nhà ở tối thiểu cụ thể áp dụng ở từng địa phương để bảo đảm quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều, thống nhất giữa các địa phương trên cả nước.

Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không nên quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân vì các đối tượng này lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích nhà ở.

Vì vậy, nhóm ý kiến này đề nghị lựa chọn tiêu chí là có thời gian tạm trú từ 1 năm trở lên tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để phù hợp với định nghĩa về nơi thường trú, thể hiện ý định gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký thường trú.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng: “Nếu quy định để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương và chưa phù hợp với các quyền tự do cư trú. Do vậy đề nghị Quốc hội làm rõ hơn về việc trao cho HĐND cấp tỉnh quy định về diện tích bình quân như là một điều kiện trong đăng ký thường trú”.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Ma Thị Thủy, đại biểu Phạm Tri Thức (đoàn Thanh Hóa) cho rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, để tránh tạo ra rào cản về quyền cư trú của công dân.

“Cần phải có sự cân nhắc, nếu thực hiện theo quy định không thấp hơn 8m2 sàn/người thì ở rất nhiều nơi mức trung bình đầu người/m2 không đủ điều kiện là 8m2. Ngay cả các nước phát triển như Luân Đôn (Anh), Tokyo (Nhật Bản) có rất nhiều căn hộ có mật độ chỉ có 4 đến 5m2/ người. Mức diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người nếu không cẩn trọng thì thành rào cản cư trú của công dân”, ông Thức nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.