Thuốc bán online đắt nhưng bao nhiêu cũng có
Hiện thuốc điều trị Covid-19 đúng giá tại các quầy thuốc phải kèm điều kiện khắt khe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong khi thực tế, với các điều kiện như đơn thuốc của bác sĩ hay giấy chứng nhận F0 hiện cũng người mắc khó tiếp cận với trạm y tế cơ sở do số ca mắc tăng cao gây quá tải.
Chính vì điều này, nhiều người dân tìm đến với các nguồn thuốc bán tự do không cần đơn thuốc với giá chênh lệch khoảng 30-60 nghìn đồng/liều.
Thuốc điều trị Covid-19 nội được rao bán online khi nhiều người dân khó mua loại thuốc này tại quầy thuốc
Qua khảo sát, trên chợ thuốc online, nhiều tài khoản đã rao bán 3 loại thuốc điều trị Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sản xuất trong nước với giá từ 270 nghìn đồng - 410 nghìn đồng/liều tùy loại.
Cụ thể, 1 tài khoản trên chợ thuốc online rao bán thuốc Molravir 400mg với giá bán lẻ thuốc này là 280.000 đồng/hộp, đắt hơn 30.000 đồng so với giá ở nhà thuốc Long Châu; mua bao nhiêu cũng được, nếu mua thuốc với số lượng lớn là 10 hộp, thì giá là 260.000 đồng/hộp; mua 20 hộp sẽ có giá là 250.000 đồng/hộp...
Trước khó khăn tiếp cận mua thuốc điều trị Covid-19 nội tại quầy thuốc của bệnh nhân nhiễm Covid-19, đại diện hệ thống nhà thuốc Long Châu cho biết, đơn vị này đã xử trí nhanh bằng cách chấp nhận video tự test nhanh của người mua.
Video tự quay cần thể hiện rõ người được lấy mẫu test, thao tác, quá trình thực hiện, cận cảnh vào kết quả hai vạch đỏ (dấu hiệu dương tính). Khi bán thuốc Molnupiravir, nhân viên nhà thuốc đồng thời lưu trữ video cùng các giấy tờ liên quan nếu có, vào hệ thống cùng các thông tin của bệnh nhân.
Như vậy, hiện có ba điều kiện để một người được mua thuốc Molnupiravir tại hệ thống Long Châu là tự quay video quá trình xét nghiệm tại nhà gửi cho dược sĩ nhà thuốc để làm căn cứ mua hàng (điều kiện mới bổ sung); có đơn thuốc do bác sĩ chỉ định Molnupiravir; hoặc giấy xác nhận F0 (giấy xác nhận test nhanh, test PCR của các cơ sở y tế).
Tuy nhiên, đó là giải pháp tình thế, hiện các nhà thuốc hiện vẫn "chờ" quy định nới lỏng về điều kiện bán thuốc điều trị Covid-19 của Bộ Y tế.
Quy định mua thuốc: mỗi nơi một kiểu
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, theo quy định, thuốc kháng virus có hoạt chất Molnupiravir là biệt dược, phải thực hiện theo kê đơn, bác sĩ phải chẩn đoán bệnh mới được sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và phát huy triệt để tác dụng của thuốc.
Thuốc điều trị Covid-19 được bán tại các quầy thuốc
Thủ tướng mới đây đã chỉ đạo phải cắt giảm các thủ tục về mua thuốc điều trị Covid-19. Báo Giao thông đã liên hệ với Bộ y tế, đặt câu hỏi về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng song chưa được phản hồi.
Hiện để tạo điều kiện mua – bán thuốc hợp pháp, khắc phục việc người nhiễm Covid-19 có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận là F0 đang điều trị tại địa phương vẫn chưa thuận tiện, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bác sĩ tại trạm y tế, các bệnh viện tư nhân hay công lập... đều có thể kê đơn thuốc điều trị Covid-19, nhưng phải chịu trách nhiệm với đơn thuốc của mình.
Còn Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn trong sáng 3/3 về việc kê đơn, bán thuốc Molnupiravir. Sở Y tế yêu cầu, cơ sở kinh doanh thuốc chỉ bán thuốc có hoạt chất Molnupiravir cho người mắc Covid-19 có đơn thuốc đúng quy định, thực hiện việc tư vấn nguy cơ - lợi ích cho bệnh nhân khi bán thuốc và cập nhật ngay dữ liệu xuất nhập vào hệ thống Dược quốc gia.
Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà thuốc để sẵn sàng cung ứng đến tay bệnh nhân với giá bình ổn, đồng thời, có văn bản báo cáo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Quản lý dược để sớm có hướng dẫn việc kê đơn thuốc kháng virus cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.
Trước đó, Bộ Y tế khuyến cáo về việc sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19:
Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành nhiễm Covid-19 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không dùng quá 5 ngày liên tiếp; không dùng dự phòng sau hay trước phơi nhiễm Covid-19.
Thuốc chống chỉ định với phụ nữ có thai và cho con bú; Trẻ em và thanh thiếu niên vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, sụn; Nam giới, thuốc có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới nên sử dụng một phương pháp tránh thai trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng…
Do vậy, việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận