Sách

Nhà văn Di Li và sự dũng cảm trong "Tật xấu người Việt"

16/01/2024, 01:26

Di Li là tác giả nữ đầu tiên đưa ra quan điểm phân tích về những thói hư tật xấu của người Việt và có những lý giải dựa trên nghiên cứu kỳ công, cùng trải nghiệm phong phú của mình trong "Tật xấu người Việt".

Không sợ bị bàn luận

Cuốn sách "Tật xấu người Việt" của tác giả Di Li sau khi xuất bản đã nổ ra nhiều tranh cãi trái chiều, trong đó không ít ý kiến phản đối những luận điểm mà tác giả đưa ra. Dù vậy, Di Li cho biết, chị không bất ngờ bởi "nói xấu thường khó hơn nói tốt".

Nhà văn Di Li và sự dũng cảm trong "Tật xấu người Việt"- Ảnh 1.

Nhà văn Di Li với "Tật xấu người Việt", Di Li là tác giả nữ đầu tiên đưa ra quan điểm phân tích về những thói hư, tật xấu của người Việt.

"Khi hoàn tất bản thảo, tôi đã biết người ta sẽ bàn luận về nó. Tôi bình thản trước mọi góp ý. Đây là đầu sách thứ 27 của tôi rồi nên những tác động của độc giả không còn lớn như trước. Cảm xúc của tôi giờ mạnh mẽ nhất ở giai đoạn phác thảo một cuốn sách mới trong đầu", Di Li nói.

Về cảm hứng khi bắt đầu nghiên cứu tật xấu của người Việt từ hàng chục năm về trước, nữ nhà văn chia sẻ: "Tôi nghĩ một cộng đồng hay một cá nhân, nhiều khi không thể nhận ra tật xấu, tính tốt của chính mình. Đơn giản vì từ khi cha sinh mẹ đẻ, ta đã thấy mọi người trong gia đình đều hành xử như vậy. Ra ngoài xã hội, ta cũng gặp điều tương tự nên mặc định nó bình thường, không ảnh hưởng đến ai".

Nhà văn Di Li cũng cho biết, chị đã nghiên cứu rất nhiều tư liệu cổ do các nhà truyền giáo, thương gia, trí thức phương Tây đến Việt Nam hồi thế kỷ XVI, XVII, XVIII đã viết để cho ra một đáp án chung nhất. Kết hợp với những phỏng vấn đa dạng người nước ngoài đương đại, cộng thêm sự quan sát, so sánh, đối chiếu thực tiễn giữa các nền văn hóa và các dân tộc.

"Tôi quen làm công tác nghiên cứu khoa học nên việc này cũng là một chủ đề khá thú vị. Tôi đã đưa tiếng cười trào phúng vào trong tác phẩm của mình để làm nhẹ đi sự căng thẳng của đề tài», Di Li tiết lộ.

Điều đặc biệt nhất trong "Tật xấu người Việt" theo nữ thi sĩ này là đã lật ngược lại vấn đề khác với quan điểm của số đông, ấy là tham nhũng là kết quả của tính linh hoạt, ưa hối lộ để giải quyết công việc cho nhanh; bệnh thành tích trong giáo dục là kết quả của việc các phụ huynh ưa thành tích chứ không phải bắt nguồn từ nhà trường.

Theo Di Li, chị không tự tách mình ra khỏi dân tộc để phán xét đồng bào bởi chính bản thân chị cũng ít nhiều có những tật xấu ấy. "Tôi để cho ngòi bút của mình mềm mại hơn, giống như cách tôi góp ý, phê bình một ai đó, luôn cố gắng dùng mọi lời lẽ ý nhị nhất có thể thay vì phán xét họ. Tôi cũng chủ trương nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân tại sao người Việt lại có những căn tính ấy", Di Li tâm sự.

"Nhà văn du kích thời bình"

Nhìn nhận về "Tật xấu người Việt", Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama giãi bày: "Đi đâu về thế"? "Đã ăn cơm chưa"? "Đã có gia đình chưa"? "Lương hàng tháng bao nhiêu tiền"?... là những câu hỏi mà người Việt nào cũng đã từng hỏi và được hỏi. Đôi khi họ nghĩ đây chỉ là lời thăm hỏi thông thường nhưng đó lại là những câu mà người nước ngoài chẳng bao giờ dám hỏi nhau.

Theo ông, là con người, ai cũng có tật xấu, nhưng lại rất ít người dám dũng cảm chỉ ra tật xấu của người dân đất nước mình. Và Di Li là một trong số đó, nên ông đã gọi cô là "một nhà văn du kích thời bình".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, Di Li là một tấm gương về sự dũng cảm, cuốn sách thể hiện tình yêu của nhà văn đối với đất nước.

"Di Li là một người yêu nước, cô đã nói tất cả điều gì cô muốn nói để mong rằng vào một ngày nào đó, những tật xấu sẽ dần nhỏ đi và biến mất, thay vào đó là những vẻ đẹp vốn có của người Việt", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Tác giả đã có cho mình một thủ thuật để nếu có phê bình ai thì đó là một sự phê bình dễ chịu, cộng thêm việc cô cố gắng đưa tiếng cười vào trong cuốn sách khiến cho những câu chuyện mềm đi và đỡ gay gắt hơn.

Trong "Tật xấu người Việt", Di Li nhìn cuộc đời và nhìn con người không hề có sự cay nghiệt, bởi mặc dù là sự phê phán nhưng lại mang tính tự trào nhiều hơn.

Nhà báo Yên Ba nhận định: "Biết cách tự trào một cách duyên dáng và nghệ thuật luôn làm nên các tác phẩm lớn trong lịch sử đời sống văn chương nhân loại".

"Tôi hay rơi vào trạng thái lầm lì"

Ngoài việc viết sách, nghiên cứu, Di Li còn tham gia giảng dạy tại các trường đại học. Khi chia sẻ về tính cách, chị tâm sự: "Thường ở nhà tôi hay rơi vào trạng thái lầm lì. Đấy là lúc tôi đang tư duy hoặc mải nghiên cứu một thứ gì đó. Tư duy và nghiên cứu là sở thích hàng đầu của tôi nên tôi cần nhiều thời gian và sự độc lập.

Nhưng cũng chính vì vậy, một căn hộ càng ít người càng phù hợp với tôi, hoặc là người nào ở cùng phải rất hiểu thói quen và tính nết của tôi. Chứ không thì khó chịu lắm".

Có thể nói, Di Li có một sự nghiệp mà nhiều người mơ ước, nhưng cuộc sống khiến chị phải đánh đổi nhiều thứ. Di Li tâm sự: "Có lẽ tôi không phải là mẫu người phù hợp với hôn nhân cho lắm! Tôi thích cuộc sống như thế này. Mới đầu, ngay cả bạn bè, đồng nghiệp cũng thấy rất ái ngại cho tôi, nhưng sau khi chứng kiến cuộc sống viên mãn của tôi, chẳng ai thương xót gì nữa hết. Thậm chí, nhiều người còn khuyến khích tôi cứ nên sống như thế này, đừng thay đổi.

Tôi chỉ kết thúc một hạnh phúc này để chuyển sang một dạng hạnh phúc khác thôi. Nên quãng thời gian chịu đựng những gì không ưng ý, không hạnh phúc trong cuộc đời tôi nó ít lắm. Còn nếu để giữ tình yêu thì tôi giữ bằng mọi giá. Con người không thể sống thiếu tình yêu. Những người sống trong tù hay mắc bệnh nan y đang hấp hối, người ta vẫn còn có thể yêu kia mà!".

Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp cử nhân tiếng Đức và tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Thạc sĩ Quản lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện chị là giảng viên tiếng Anh trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Di Li là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn và Dịch giả châu Á Thái Bình Dương. "Trại Hoa Đỏ" là tiểu thuyết trinh thám kinh dị đầu tay của chị.

Nhà văn Di Li cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ công chúng (PR). Chị có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực này với vai trò người tư vấn chiến lược, tổ chức thực hiện các hoạt động PR, giảng dạy PR tại các trường đại học và là tác giả của 2 cuốn sách "Tôi PR cho PR" (cuốn sách PR thường thức bằng tiếng Việt đầu tiên được viết độc lập bởi một tác giả Việt Nam) và "Kỹ năng viết trong quan hệ công chúng".


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.