Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh |
Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn có sách bán chạy nhất của Việt Nam. Bằng sự tươi vui, trong sáng và hết sức gần gũi, các tác phẩm của ông như: Cho tôi một vé đi tuổi thơ, Cô gái đến từ hôm qua, Bồ câu không đưa thư... đã làm đẹp thêm thế giới tâm hồn của nhiều hế hệ học trò trong suốt hơn 20 năm qua.
Mệt nhoài vì ký tặng độc giả
Tập truyện Bảy bước tới mùa hè của nhà văn vừa ra mắt đã tạo nên cơn sốt. Các độc giả Thủ đô đã có mặt từ rất sớm xếp hàng dài trên phố Đinh Lễ để xin chữ kí. Ông có cảm xúc gì?
Khi một nhà văn viết tác phẩm được khán giả đón đợi, xếp hàng đứng chờ mua sách và xin chữ kí tạo nên sự xúc động bởi những thành quả mình bỏ ra đã được đón nhận.
Đây là lần đầu tiên tôi kí sách mà mọi người xếp hàng trong mưa, che dù đứng từ bờ Hồ cho đến Tràng Tiền nhiều tiếng đồng hồ.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi kí sách mà cảm thấy mệt mỏi đến như vậy. Dự kiến kí từ 8h -10h nhưng không ngờ tôi phải kí liên tục từ 8h- 1h30 chiều. Tất nhiên hết giờ mình có thể ngưng nhưng tôi nghĩ bạn đọc đã mất 3-4 tiếng đồng hồ xếp hàng chờ đợi gần đến nơi thì hết giờ. Vì thế, tôi đã kí đến bạn đọc cuối cùng. Mệt nhưng mà vui, vui nhưng mà mệt (cười).
Tác phẩm mới của ông lại viết về mùa hè ngọt ngào, những trò chơi nghịch ngợm và bâng khuâng tình cảm tuổi mới lớn? Xem ra ông vẫn cứ là cậu học trò?
Thứ nhất, tôi có một tuổi thơ rất đẹp và nghịch.
Thứ hai, mặc dù nhiều tuổi nhưng trong con người tôi luôn có cậu bé học trò, và cậu học trò đó cứ mãi mãi ở tuổi 15. Khi tôi viết thì như cậu học trò tuổi 15 viết nhật kí, chính cậu học trò đó giúp tôi bao nhiêu năm nay viết được những tác phẩm về tuổi thơ, về tuổi học trò, về tuổi mới lớn. Tôi sẽ thôi viết về đề tài này khi cậu học trò trong tôi già đi. Đến nay tôi 60 tuổi nhưng cậu học trò tuổi 15 vẫn chưa già.
Sao nhà văn không thử sức mình ở những tác phẩm về đề tài xã hội gai góc như tiêu cực?
Tất nhiên đi thực tế, tìm hiểu, tôi có thể viết những tác phẩm gai góc, tiêu cực, những hành vi bạo lực. Tuy nhiên tôi không thích, bởi tạng người mình không hợp với những cái nặng nề.
Tôi không bao giờ xem được phim ma, phim kinh dị, bạo lực bởi xem xong là tối về tôi mơ thấy ác mộng, toát mồ hồ. Tốt nhất nhà văn nên viết về những cái hợp với sở trường của mình, hợp tâm tính của mình.
Nguyễn Nhật Ánh tặng thêm sách cho học sinh khiếm thị Trong dịp kí tặng sách độc giả tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đến thăm và giao lưu với học sinh trường khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, ngoài tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và “Mắt biếc”, ông sẽ tặng thêm ba tác phẩm theo yêu cầu của các em để chuyển thành sách chữ nổi. Thay bằng đôi mắt, những ngón tay đọc sách chữ nổi sẽ giúp các em biết rồi hiểu và cảm nhận cuộc sống này, cuộc đời này bằng những tâm hồn trong sáng tinh khôi. |
Tâm hồn tôi nó hợp với những gì nhẹ nhàng. Hơn nữa, những công việc tôi trải qua như làm Chủ nhiệm CLB thiếu nhi, múa rối, kịch câm, dạy học, một thời gian dài gần gũi với các em nên nó cũng ảnh hưởng đến con người mình.
Mỗi người thường sống thật sâu với hiện thực của một thời khắc nào đó trong cuộc đời mình. Có những người sống mãi với tuổi 30, có người sống tuổi 50. Đối với tôi là thời khắc tuổi 15, 18 trở về trước. Tôi rất nhớ rõ và thể hiện trong tác phẩm của mình. Tuổi 20 tuổi trở lên có cái nhớ kỹ, có cái nhớ nhập nhòe, mập mờ, có cái quên...
Đọc sách bồi dưỡng tâm hồn và cảm xúc
Cuốn sách nào nhà văn viết lâu nhất và cuốn nào ông viết ngắn nhất?
Bộ sách mà tôi viết lâu nhất là Kính vạn hoa dài 54 tập. Trong khi đó, cái mà tôi viết ngắn nhất là 2 câu thơ: Ta thu cả thế giới vào trái tim nhỏ bé/ Chỉ riêng em sao lại lọt ra ngoài?
Tác phẩm nào nhiều hình ảnh của nhà văn trong đó nhất?
Tác phẩm nào cũng có một tí hình ảnh của tôi. Tuy nhiên, tác phẩm có đến 80% hình ảnh tôi với những sự kiện, chi tiết thật đó là cuốn Còn chút gì để nhớ. Nhân vật Trương. Đó gần như là tôi.
Với nhà văn việc đọc sách có ý nghĩa như thế nào?
Khi tôi ở tuổi học trò tôi rất ham đọc sách. Đọc sách tương lai sẽ sáng sủa hơn, bởi sách bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc cho người đọc. Sách như một cánh cửa mở ra cho người đọc cả một thế giới tưởng tượng. Ở đó có cuộc sống thường ngày, có những cảnh đời, những số phận đan xen...
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận