Theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Cung Tiến - tác giả của loạt tình khúc "Hương xưa", "Hoài cảm"... đã qua đời ngày 10/5 tại Los Angeles, California. Ông hưởng thọ 84 tuổi.
Tang lễ được tổ chức hôm 2/6 trong phạm vi gia đình và một số thân hữu. Sau khi hỏa táng, tro cốt được đặt tại Nhà tang lễ, Công viên tưởng niệm núi Conejo (California).
Nhạc sĩ Cung Tiến qua đời ở tuổi 84
Hay tin nhạc sĩ Cung Tiến qua đời, nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò bày tỏ niềm tiếc thương. Ca sĩ Quang Thành xúc động viết: "Những "Hương xưa", "Hoài cảm" sẽ còn mãi". Ca sĩ Đức Tuấn bày tỏ: "Xin vĩnh biệt nhạc sĩ Cung Tiến! Người nhạc sĩ của những bài tình ca như những bức tranh tuyệt mỹ".
Nhạc sĩ Cung Tiến (tên thật Cung Thúc Tiến), sinh năm 1938 tại Hà Nội. Ông đến với âm nhạc từ sớm và nhanh chóng có những sáng tác lay động cảm xúc của người nghe.
Được biết, thời gian trung học, nam nhạc sĩ học xướng âm và ký âm với 2 nhạc sĩ nổi tiếng là Chung Quân và Thẩm Oánh.
Năm 15 tuổi (năm 1953), ông ra mắt tác phẩm Hoài cảm và Thu vàng - 2 nhạc phẩm thể hiện nỗi nhớ quê nhà của ông khi chuyển từ miền Bắc thương yêu vào Nam sinh sống.
Từ năm 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Australia ngành kinh tế, đồng thời nghiên cứu các khóa về dương cầm, hòa âm, phối khí tại Sydney.
Năm 1957, ông viết "Hương xưa" - ca khúc nhạc sĩ tâm đắc nhất sự nghiệp. Ca sĩ Duy Trác là người đầu tiên thể hiện, đưa bài hát trở thành một trong những tình khúc bất hủ của tân nhạc. Nhạc phẩm sau đó được nhiều giọng ca ghi âm, từ Sĩ Phú, Lệ Thu, Tuấn Ngọc đến Trần Thu Hà.
Nhạc sĩ Cung Tiến và ca sĩ Quỳnh Giao
Nhạc sĩ Cung Tiến cũng từng có thời gian du học ở Anh. Trong thời gian du học, ông tích cực nghiên cứu thêm về âm nhạc, tham gia các lớp nhạc sử, nhạc học và nhạc lý hiện đại để mở đường cho những sáng tác ở các thể loại mới.
Ông là người chấp bút cho nhạc tấu khúc "Chinh phụ ngâm" (năm 1987), soạn cho 21 nhạc khí trình diễn (năm 1988)...
Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Cung Tiến còn đóng góp vào văn học một số tác phẩm với bút hiệu Thạch Chương. Ông thể hiện các bài viết phê bình, nhận định, dịch thuật cho một số tạp chí.
Hai trong số các truyện ngắn ông dịch và xuất bản tại Việt Nam là cuốn "Hồi ký viết dưới hầm" và cuốn "Một ngày trong đời Ivan Denisovitch".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận