Mới đây, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ quan điểm về phát ngôn trong giao tiếp và các sản phẩm âm nhạc của những người làm nghệ thuật.
Theo anh, có thể ngày xưa thị trường âm nhạc còn chia ra mainstream và underground. Nhưng bây giờ khi thế giới phẳng, các nền tảng mạng xã hội được phổ biến, các thể loại âm nhạc đều có cơ hội tiếp cận với đông đảo khán giả.
Vì vậy, Nguyễn Văn Chung nhận định, các nghệ sĩ ở mọi không gian nghệ thuật đều dễ tiếp cận, dễ thành công, dễ đạt được danh vọng và lợi ích hơn.
Nhạc sĩ ca khúc "Nhật ký của mẹ" cho rằng, việc gì cũng có 2 mặt, không có thứ quý giá nào miễn phí. Theo anh, đó là thuận lợi nhưng đó cũng là sự khắc nghiệt dành cho cuộc sống của những "người của công chúng".
"Đã là người của công chúng, bên cạnh việc được yêu mến, tung hô cũng không thể tránh khỏi việc bị soi mói, công kích, phê phán khi có những hành vi lời nói không chuẩn mực, không phù hợp với đạo đức xã hội, đi ngược với truyền thống của đất nước nơi chúng ta sinh sống và làm việc.
Không ai cấm bạn có cá tính riêng, bản năng, cái tôi âm nhạc. Vì đó là chất nghệ sĩ của riêng bạn.
Người ta chỉ lên án những suy nghĩ lệch lạc, những hành vi quá khích, vô học, sử dụng câu từ thô tục, cổ vũ bạo lực, lối sống buông thả, có dấu hiệu suy đồi đạo đức. Thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi sử dụng chất cấm, hình ảnh dung tục quá mức cho phép, khi đối tượng khán giả chính của bạn phần nhiều là khán giả nhỏ tuổi.
Sống trong phạm vi đạo đức và pháp luật là trách nhiệm của một người bình thường trong xã hội, chứ đừng nói chi đến "nghệ sĩ" - vốn là người được xem là đại diện cho văn hóa, cho nghệ thuật, cho cái đẹp, là định hướng cho lối sống đẹp và tích cực cho người trẻ noi theo", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận