Hồ sơ tài liệu

Nhận diện nạn cướp biển đang leo thang tại châu Á

02/09/2017, 07:50

Trước đây, nói đến cướp biển, người ta thường nghĩ ngay đến khu vực Tây Ấn Độ Dương nhưng giờ thì đã khác.

117

Đông Nam Á đang trở thành “điểm nóng” cướp biển trên thế giới

Trước đây, nói đến cướp biển, người ta thường nghĩ ngay đến khu vực Tây Ấn Độ Dương, điển hình là vùng biển ngoài khơi Somalia. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khu vực Đông Nam Á lại trở thành vùng biển nguy hiểm nhất.

“Điểm nóng” cướp biển trên thế giới

Trải dài từ khu vực viễn Tây của Malaysia đến đầu đảo Bintan của Indonesia, các eo biển Malacca và Singapore được coi là tuyến “siêu cao tốc” vận tải biển trên toàn cầu. Mỗi năm, hơn 120.000 tàu qua lại tuyến đường biển quan trọng này, chiếm 1/3 thương mại hàng hải trên thế giới.

Khoảng 70 - 80% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và Nhật Bản được vận tải qua các eo biển nói trên. Nhưng, an ninh tại tuyến cao tốc trên biển ở Nam Á diễn biến phức tạp vì hàng loạt vụ cướp biển, tấn công tàu thuyền nghiêm trọng đã xảy ra, đẩy khu vực này trở thành “điểm nóng” trên thế giới về rủi ro có thể dính đến hải tặc.

Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2013, Đông Nam Á là nơi xảy ra 41% vụ cướp biển tấn công trên toàn cầu. Trong khi đó, cùng thời điểm, khu vực Tây Ấn Độ Dương bao gồm Somalia chỉ ghi nhận 28% và bờ biển Tây Phi chỉ có 18% số vụ.

Trong cùng giai đoạn này, số thủy thủ tại Đông Nam Á bị bắt cóc, sát hại vì cướp biển lên tới 136 người, cao gấp 2 lần so với khu vực Sừng châu Phi nơi bao trùm Somalia và chiếm hơn tổng số người thiệt mạng và bị thương vì cướp biển tại Tây Phi cộng lại. 

Việt Nam không nằm ngoài rủi ro này. Thực tế, đã có 6 thuyền viên Việt Nam bị bắt cóc ngoài khơi tỉnh Basilan, miền Nam Philippines trong vụ cướp biển xảy ra vào tháng 11/2016 và 2 thủy thủ Việt Nam đã bị chúng sát hại dã man vào đầu tháng 7 vừa qua. Tháng 2/2017, một tàu vận tải có tên Giang Hải chở xi măng của Việt Nam cũng bị hải tặc tấn công khi đến vùng biển Philippines khiến 7 thuyền viên bị bắt giữ. 

118

Các thuyền viên Indonesia bị bọn Abu Sayyaf bắt làm con tin vào cuối tháng 3/2016 - Ảnh: Wikisabah

Nhóm cướp biển nào lộng hành táo tợn nhất?

Dù có nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động trong khu vực biển quan trọng ở Đông Nam Á, nhưng Tổ chức Abu Sayyaf được cho là thủ phạm đứng sau hàng loạt vụ bắt cóc, giết người ở khu vực, bao gồm cả 2 vụ của tàu Việt Nam nhắc đến ở trên.

Đại bản doanh của khủng bố Abu Sayyaf nằm trên các đảo Jolo và Basilan, miền Nam Philippines. Thành lập từ đầu những năm 1990, Abu Sayyaf quy tụ khoảng 400 phần tử Hồi giáo cực đoan chủ yếu hoạt động ở miền Nam Philippines.

Cách thức của chúng là tấn công tàu, bắt giữ thuyền trưởng, thủy thủ làm con tin nhưng không bắt tàu, hàng; thậm chí còn để lại một nhóm thủy thủ, cho phép tàu tiếp tục vận chuyển hàng theo lộ trình bình thường. Chúng sẽ thả con tin nếu được trao tiền chuộc, còn không sẽ giết hại. Như trong vụ tấn công tàu hàng Hàn Quốc, các tay súng bắt cóc thuyền trưởng và 1 thủy thủ, thả các thủy thủ khác và cho phép tàu tiếp tục hành trình.

Người sáng lập tổ chức này là Abdurajak Abubakar Janjalani - một kẻ truyền giáo cực đoan theo đạo Hồi từng chiến đấu trong chiến tranh Liên Xô - Afghanistan. Từ những năm 1970 đến nay, nhóm khủng bố Abu Sayyaf được cho là thủ phạm giết hại 100.000 người.

Bên cạnh các vụ tấn công khủng bố, đánh bom, bắt cóc trên đất liền, từ đầu năm 2016, nhóm khủng bố nổi lên với hàng loạt vụ tấn công tàu thủy, bắt cóc thuyền viên để đòi tiền chuộc. 

Quy mô và thủ đoạn tấn công của nhóm khủng bố Abu Sayyaf ngày càng táo tợn. Nếu như trước đây, các vụ tấn công chủ yếu nhằm vào loại tàu di chuyển chậm, như tàu kéo sà lan chở than từ Indonesia đến miền Nam Philippines, tàu đánh cá...

Thì nay, chúng nhắm đến cả các tàu lớn hơn trong khu vực, điển hình là vụ tàu chở hàng lớn của Hàn Quốc mang tên Dongbang Giant 2 (11.400 tấn) đang trên đường từ Australia về Hàn Quốc thì bị các tay súng hải tặc Abu Sayyaf tấn công tại khu vực gần quần đảo Sulu, ngoài khơi miền Nam Philippines vào tháng 10/2016. 

Tờ The Diplomat dẫn lời các nhà quan sát cảnh báo, sự phát triển của các nhóm phiến quân trung thành với Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại khu vực miền Nam Philippines chính là mối đe dọa tới an ninh hàng hải của khu vực Đông Nam Á.

Theo tạp chí này, nền kinh tế hàng hải phía Nam Philippines đang nổi lên trở thành cánh cửa nối các tuyến đường vận tải mới, trong đó có một tuyến vận tải vừa được mở cuối tháng 5/2017 giữa tỉnh Bắc Sulawesi của Indonesia và các thành phố Davao, General Santos của Philippines.

Dù đây là tin tốt lành cho khu vực, nhưng các nhà phân tích lo ngại các nhóm khủng bố đang bám trụ tại địa bàn này sẽ tấn công tàu thuyền qua lại các tuyến vận tải mới để đòi tiền chuộc phục vụ hoạt động thánh chiến cực đoan của chúng.

Cách nào đẩy lui cướp biển?

Để hạn chế, đẩy lui cướp biển, sự hợp tác giữa các nước trong khu vực là vô cùng cần thiết. Việc hợp tác, gắn kết giữa các nước sẽ giúp bù đắp những thiếu hụt, hạn chế về nguồn lực chống cướp biển cho những nước yếu hơn.

Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị và lịch sử đặc biệt tại đây là yếu tố ảnh hưởng lớn tới cách hợp tác an ninh hàng hải của chính phủ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là sự nhạy cảm về chủ quyền quốc gia cùng các yếu tố liên quan đến địa chính trị. 

Ví dụ, điển hình về thành công của việc thúc đẩy quan hệ hợp tác chống khủng bố ở khu vực Đông Nam Á chính là sự kiện thành lập đội tuần tra eo biển Malacca bắt đầu từ năm 2006 do Hải quân: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia phối hợp. Bốn nước ven biển đã chứng minh được khả năng hợp tác, thúc đẩy một giải pháp chung để giải quyết mối đe dọa an ninh hàng hải. Nhờ có những sáng kiến chống cướp biển giữa các nước trong khu vực, số vụ cướp biển đã giảm gần một nửa từ năm 2015-2016.

Song, tồn tại một vấn đề thách thức đó là một số nước trong khu vực không muốn các nước bên ngoài như Mỹ tham gia tuần tra khu vực này vì lo ngại liên quan tới các vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng đến chính trị, có thể bị gán ghép với yếu tố chủ quyền trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang phô diễn, tìm cách ganh đua nhau ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Một mô hình hợp tác tương tự đang được hình thành giữa ba nước ven biển là: Indonesia, Philippines và Malaysia với “Thỏa thuận hợp tác ba bên”. Vì “điểm nóng” cướp biển và tội phạm tại Đông Nam Á đang dịch chuyển từ eo biển Malacca và Singapore sang biển Sulu Celebes với số vụ tăng nhanh từ tháng 3/2016. Nhiều nhà quan sát lo ngại, nơi đây có thể trở thành một “Somalia mới” ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tiến trình thực hiện chưa được nhanh như mong đợi. Một yếu tố khiến các bên lo ngại vẫn là chủ quyền, đặc biệt là những tuyên bố chủ quyền đối với Sabah giữa Malaysia và Philippines. Một vấn đề khác là chính phủ các nước cần hợp tác và cân đối vai trò của từng nước để đóng góp vào cơ chế ba bên mới này. 

Các chuyên gia trên tờ Channel New Asia (Singapore) dự đoán rằng, xu hướng hợp tác chống cướp biển theo nhóm nhỏ giữa các nước có cùng không gian địa lý hàng hải và thách thức an ninh như “Tuần tra eo biển Malacca” và “Thỏa thuận hợp tác ba bên”... có lẽ sẽ là xu hướng gắn kết hàng hải trong tương lai tại khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.