Xe 29C-501.85 khi hoạt động trên Đường 442 qua địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội
Câu hỏi đặt ra là các trung tâm đăng kiểm có “làm ngơ” cho phương tiện khi vào đăng kiểm định kỳ?
Hoạt động công khai từ quốc lộ đến đường tỉnh, huyện
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày đầu tháng 4/2021, tuyến QL21 từ cầu vượt Đại lộ Thăng Long đến TX Sơn Tây (Hà Nội), QL32 qua địa bàn huyện Phúc Thọ, khu vực hai phía đầu cầu Vĩnh Thịnh (nối TX Sơn Tây và Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)... nhan nhản xe tải trọng lớn, loại 4 trục và có thùng hàng cao trên dưới 2m lưu thông cả ngày lẫn đêm. Các xe chủ yếu chở cát, sỏi, vật liệu xây dựng, than cao “có ngọn”.
Có xe chạy dọc tuyến vài chục km, có xe chỉ chạy một đoạn trên quốc lộ rồi rẽ vào đường địa phương, đường nhánh như các xe BKS: 29C-475.58, 29C-624.55, 29H- 732.89, 29H-361.58, 29H-735.32… Trong số các xe hoạt động trên QL21, một số xe đặt dấu hiệu riêng bằng tấm biển nhỏ ghi dòng chữ như “CP-Ba Vì”, “HC” trên kính ca bin.
Xe 29C-501.85 khi vào đăng kiểm
Tại một cơ sở sửa xe ven QL21 thuộc xã Trung Sơn Trầm, hai chiếc xe tải có thùng cao hơn 2m đầy ắp hàng bị hỏng, đang được thay lốp. Xe nào cũng có lớp nhíp dày. “Hầu hết xe tải chở cát, vật liệu xây dựng khu vực này đều chở quá tải nên phải độn thêm nhíp, gia cố khung”, một thợ sửa xe cho hay.
“Xe nào trên thùng xe có dấu vết hàn thủ công để ghép thêm các tấm chắn là chắc chắn tăng thêm chiều cao. Kể cả xe không có vết hàn ghép nhưng thùng xe chia thành “ba khung” cũng không phải thùng xe nguyên bản”, thợ sửa xe tên Tùng cho biết.
Trên tuyến Đường 442 qua các xã Tân Hội, Tân Lập (huyện Đan Phượng, Hà Nội) và đi sang địa phận huyện Hoài Đức dễ dàng bắt gặp các xe chở cát màu vàng có thùng cao hơn 1m thường xuyên di chuyển vào khung giờ buổi trưa, chiều tối.
Tương tự, tuyến đường Xuân Phương qua địa bàn quận Bắc Từ Liêm, PV cũng ghi nhận hàng chục xe tải chở “có ngọn” chạy rầm rập vào ban đêm. Một số xe BKS: 29C-701.72, 29C-501.58, 29H-726.54… xuất phát từ các bến, bãi cát nằm ven sông Hồng thuộc địa phận huyện Đan Phượng, quận Bắc Từ Liêm.
Không riêng các tuyến quốc lộ, đường cấp tỉnh, một số tuyến đường phố thuộc khu vực đông dân cư, trường học cũng xuất hiện những chiếc xe tải cơi thùng, chở quá tải hoạt động công khai.
Tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), khu vực đường Ỷ Lan, Nguyễn Huy Nhuận (và trục nối với huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), chợ Sủi, vào ban ngày, những chiếc xe tải biển số Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam như: 29C-995.96, 29H-356.76, 89C-217.30, 89C-212.15, 90C-049.61… có thùng cao trên dưới 2m, chở đầy vật liệu xây dựng từ các bãi cát ven sông Đuống liên tục qua lại, hướng về QL5 và huyện Thuận Thành. Đáng nói, tuyến đường Ỷ Lan dài hơn 2,3km, với tổng vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng từ ngân sách, chỉ vừa được khánh thành cuối năm 2020, có đoạn đã bị võng như “ổ voi”.
Đăng kiểm một đằng, hoạt động một nẻo
Chiếc xe này có chiều cao thùng theo thiết kế là 50cm, nhưng khi ra đường cao khoảng gấp 3 lần (Chụp tại đường Xuân Phương, Hà Nội)
Để xác thực các trường hợp xe trên cơi cao thêm thành xe, PV đối chiếu với dữ liệu quản lý đăng kiểm các phương tiện. Hầu hết các xe chỉ được thiết kế với chiều cao tối đa 0,5m đến hơn 1m. Trong khi đó, nhìn bằng mắt thường các xe hoạt động thực tế cũng ước cao từ 1,5m - 2m.
Câu hỏi đặt ra, các trung tâm đăng kiểm có “làm ngơ” cho phương tiện khi vào đăng kiểm định kỳ?
Khi chọn ngẫu nhiên gần chục xe (trong số các xe nói trên) và đối chiếu với hình ảnh, dữ liệu được lưu trữ tại các trung tâm đăng kiểm cấp chứng nhận kiểm định lần gần nhất cho thấy, xe nào khi vào đăng kiểm cũng chỉ có thùng xe thấp… đúng như thiết kế.
Lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm 29-02V, 33-01S, 29-22D khẳng định, theo quy định, khi các xe vào đăng kiểm đều được chụp ảnh, lưu vào hồ sơ kiểm định, cũng như được lưu bằng video tối thiểu 30 ngày. Vì vậy, hầu như không có trung tâm đăng kiểm nào dám bỏ qua, cấp chứng nhận đăng kiểm cho xe cơi nới thành, thùng hàng.
Xe được đổi từ thành thấp sang thùng cao gấp 3 lần. (Ảnh chụp tại bãi của một xưởng sửa chữa xe tại TX. Sơn Tây, Hà Nội)
Ông Lê Đức Ân, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 33-01S cho biết, hầu hết các trường hợp xe tải hoạt động trên đường có thùng cao hơn nhiều so với chứng nhận đăng kiểm đều do chủ phương tiện tự cơi, thay đổi để chở quá tải.
“Xe vào đăng kiểm dùng thùng hàng có kích thước đúng thiết kế chỉ cốt để được cấp chứng nhận đăng kiểm, sau đó khi ra ngoài lại cơi cao lên. Khi vào đăng kiểm các xe sẽ cắt thùng song cũng có trường hợp mượn, thuê thùng mới để đi đăng kiểm. Dù vậy, trung tâm đăng kiểm không được từ chối đối với xe khi vào đăng kiểm mà có kích thước thùng hàng phù hợp với thiết kế”, ông Ân nói.
Ông Lê Văn Bình, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 29-18D cũng cho rằng: “Xe tự cơi cao thành thùng rất nguy hiểm, bởi sức chở vượt quá thiết kế làm giảm hệ số an toàn của hệ thống phanh, trục, bánh xe và phá đường. Để giải quyết được thực trạng trên cần có sự kiểm tra, xử lý nghiêm của lực lượng có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường”.
Theo thống kê của Đội CSGT số 11 (một trong 3 đơn vị phụ trách tuyến QL21 cùng với Đội 12 và Đội 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), quý I/2021, lực lượng của đơn vị đã xử lý 126 trường hợp ô tô tải vi phạm, trong đó có 5 trường hợp chủ phương tiện tự ý cơi nới thành thùng.
“Chúng tôi thường xuyên kiểm tra phương tiện chở đất, đá, vật liệu xây dựng lưu thông trên địa bàn, tập trung các lỗi chở quá tải, chở vật liệu để rơi vãi xuống đường, tự ý cơi nới thành thùng. Quá trình xử lý, chúng tôi đều yêu cầu chủ phương tiện về tự cắt bỏ phần thành thùng cơi nới để đảm bảo ATGT”, một cán bộ Đội CSGT số 11 cho hay.
Đức Trọng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận