Thị trường

Nhập nhằng chất lượng thực phẩm gắn mác “quê”

09/04/2015, 10:54

Lo ngại rau phun thuốc kích thích, lợn ăn đồ tăng trọng... các bà nội trợ đều tìm đến hàng mang từ quê ra.

42

Chị Thắm đang làm thịt gà cho khách quen

Đồ quê: Đắt vẫn chạy

Chị Thắm là người huyện Thạch Thất (Hà Nội), lấy chồng ở một xã giáp ranh tỉnh Hòa Bình. Hàng ngày, chị dậy từ 4h sáng vượt gần 30km chở đồ xuống chợ Quang, giáp với khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) để bán. Hàng hóa của chị Thắm không nhiều, nhưng đa dạng: Vài con gà, cân lá chè xanh, vài chục quả trứng gà ta, vài loại rau... “Đây đều là hàng quê sạch, tôi gom của những nhà trồng sạch chủ yếu để ăn”, chị Thắm luôn miệng quảng bá.

Chính nhờ mác “quê sạch” ấy, mà các bà nội trợ ở mấy tòa nhà chung cư gần đó đều lấy hàng của chị, dù giá bán cao hơn ở chợ: Trứng gà 4 nghìn đồng/quả (giá bán các hàng khác là 3 nghìn đồng/quả); trứng gà so 5 nghìn đồng/quả; rau lang 5 nghìn đồng/mớ (các hàng khác 3.500 đồng/mớ), rau bí 12 nghìn đồng/mớ, gà ta 150 nghìn đồng/kg (các hàng khác đắt nhất là 130 nghìn đồng/kg)...

Cùng bán ở chợ Quang còn có chị Tuyến (ở huyện Quốc Oai, Hà Nội). Cũng giống như chị Thắm, hàng hóa của chị Tuyến mỗi thứ có một ít, nhưng đủ chủng loại, từ tôm, lươn, cua, cá, ếch, lúc lại kèm nải chuối xanh, mớ khoai lang, mớ rau... “Đồ này chồng em bắt ngoài đồng và em gom của người dân quanh làng”, chị Tuyến nói.

Mặc dù hàng hóa của chị Tuyến bán đắt hơn những hàng khác từ 10-20% nhưng mọi người vẫn xếp hàng mua, thậm chí còn gọi đặt cọc trước. Chị Tuyến nói, sắp tới chị sẽ rủ thêm chị dâu cùng lấy đồ ở làng mang lên bán tại chợ Cầu Giấy.

Có phải cứ quê là sạch?

“Khuất mắt trông coi thôi chứ không phải cứ đồ ở quê mang ra đều an toàn và sạch hết đâu”, bà Luyện (ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) nói. Theo bà Luyện, nhà bà có hai sào ruộng không trồng lúa mà chuyển hết sang trồng rau và các loại hoa màu để bán vì lãi hơn trồng lúa. Nhưng ngoài ruộng, bà Luyện cũng phân riêng một khoảng nhỏ để trồng “rau của nhà ăn”, còn lại là rau mang bán ở quê và cho hai vợ chồng con trai lớn mang ra thành phố bán. “Bây giờ dịch bệnh, thời tiết không thuận nếu không dùng thuốc sâu và bón thêm phân bón và chất kích thích thì rau, cà chua xoắn hết lá, quả bị châm, màu không đẹp, không ngon, không có người mua và không nhanh lượt hái”, bà Luyện giải thích.

"Để có được thực phẩm sạch, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong lựa chọn hàng hóa. Theo quy định, thực phẩm an toàn phải được dán tem an toàn, ghi mã số của cơ sở sản xuất, công khai giá cả. Nếu không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn trên sản phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nghi ngờ tính trung thực của sản phẩm”.

Ông Nguyễn Hồng Anh
Chi cục phó
Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội

“Thực ra, đồ ở quê như số gà em lấy ra đây bán thì trong chục con cũng chỉ có một vài con gà là ăn ngô, còn lại những nhà nuôi bán hay lấy trứng quanh năm thì cũng cho ăn “cám cò”, tăng trọng nữa trộn thêm vào, chứ không thì lấy đâu ra hàng để bán”, chị Thắm vui miệng nói lỡ.

Chị Tuyến cũng cho biết, cua cá chồng chị và những người quanh làng không phải ngày nào cũng bắt được, ngày ít, ngày nhiều, thậm chí có ngày không có hàng. Vì vậy, chị cũng phải lấy thêm hàng từ những nhà có ao nuôi. “Nhưng với khách thật sự quen biết, lấy hàng đều đặn thì em cũng nói trước hôm nào là đồ nhà, hôm nào là đồ mua gom”, chị Tuyến nói.

Chị Thảo (nhân viên của một công ty) đã từng lấy hàng từ quê lên bán cho bạn bè qua facebook cho biết, lấy hàng ở quê cũng phân thành nhiều loại, rau sạch hoàn toàn trong vườn, trứng và gà ăn thóc 100% thì số lượng vô cùng hạn chế, nên nhiều người treo mác bán hàng quê nhưng cũng không hẳn là hàng sạch. “Bây giờ dân đô thị chuộng “hàng sạch”, nên cứ đồ quê là giá đắt và đắt khách. Tuy nhiên, không phải hàng nào cũng là hàng quê thật đâu”, chị Thảo nói.

Chị Hà Anh, ở D2 Khu Tập thể Nghĩa Tân kể, chị cũng thường xuyên đặt mua đồ “quê sạch” của mấy người bán hàng bên hông chợ Nghĩa Tân. “Nhưng một lần, ăn rau muống quê sạch, cả nhà tôi đau bụng, tiêu chảy cả ngày, ra bắt đền thì người bán hàng chối bay. Từ đó, tôi cũng cảnh giác hơn khi lựa đồ “quê sạch”, đắt đỏ mà có khi vẫn không an toàn”, chị Hà Anh cho hay.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm quê hiện chưa có cơ quan chức năng nào kiểm chứng, quản lý sản phẩm bị thả nổi. Bởi quan điểm người mua thì đơn giản là: Lợn không nuôi cám, rau không tắm thuốc là sạch nhưng có biết đâu nguồn nước, môi trường, cách thức trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ cũng quyết định sản phẩm đó có sạch hay không?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.