Những ngày cuối năm, công tác thi công trên dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tất bật. Trên đoạn Cam Lâm - Ninh Thuận, Công ty Cổ phần xây dựng 194 huy động 300 đầu thiết bị, 500 nhân công thi công không ngừng nghỉ.
Thi công cầu cấp 1 Km 54 trên tuyến
Công ty đang làm thủ tục nhập thêm một trạm trộn bê tông nhựa nóng của Đức trong cuối tháng 12 này để phục vụ cho việc tăng tốc thảm nhựa đường. Trước đó, trong tháng 11 đã mua thêm 20 đầu xe tải và hàng trăm xe cẩu, xe đào, xe lu hoạt động liên tục trên công trường.
Cày ngày cày đêm, bất kể khó khăn
7 giờ sáng ngày 27/12, ông Trần Lệnh Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty 194 - đã có mặt ở nhà điều hành tại dự án ở xã Cam Thịnh Đông (Cam Lâm, Khánh Hoà). Ông đã ở đây từ trước Noel để trực tiếp điều hành dự án, ăn ở, ngủ nghỉ cùng cán bộ nhân viên tại nhà điều hành.
Từ nhà điều hành nhìn ra là cây cầu cấp 1 tại Km 54 của dự án. “Đây là một trong những hạng mục gay go nhất của chúng tôi”, ông cho biết. Cầu cao 47km, dài 900m, bắc từ đỉnh này đến đỉnh kia của 2 ngọn đồi, cao vút và đồ sộ.
Về sự gay go, kỹ sư cầu đường Đỗ Văn Thao - Phó giám đốc điều hành dự án, cho biết khó khăn nhất là việc khoan cọc nhồi. Địa hình khu vực này là vùng núi đá, khoan xuống 1m đã gặp đá tảng và phải nổ mìn, khoan đá sâu từ 13-19m. “Rất gian nan”, anh nói.
Kỹ sư cầu đường Đỗ Văn Thao (đứng) chỉ đạo công nhân trên công trường
Đoạn dự án của Công ty 194 dài 38km, từ Km 54 đến Km 92, có 2 cây cầu cấp 1. Ngoài cầu Km 54, cầu thứ 2 ở Km 60 còn cao hơn, dài hơn: cao 53m, dài 980m, cũng thi công bắc qua 2 đỉnh núi và thi công cũng gian nan không kém. Trong khi cầu Km 94 đã lao được nhiều nhịp và khoan gần xong các cọc nhồi đổ bê tông cao sừng sững, sắt thép tua tủa, ở cầu Km 60 cũng đang tất bật với việc thi công mố cầu, khoan cọc, từ xa nhìn những cột bê tông dài hun hút qua hẻm núi.
Cầu Km 60 còn gặp một khó khăn khác là vướng hồ chứa nước Song Long. Mùa này, nước ngập lấp xấp đường thi công. Ông Trần Lệnh Phú cho biết, mấy tháng trước phải dừng việc thi công một thời gian vì nước lên cao 20cm. Công ty 194 đã rất nhiều lần thương lượng, năn nỉ Ban quản lý hồ chứa giảm cho 20cm nước ngập để được thi công nhưng “rất khó, bên quản lý hồ cho biết muốn xả nước phải qua nhiều quy trình, xin ý kiến nhiều nơi”. Vậy là dự án phải nhưng thi công, chịu trận, chờ nước xuống. “Đó cũng là một trong những lý do chúng tôi không thể đẩy nhanh tiến độ dù hết sức nỗ lực”, ông Phú trần tình.
Kỹ sư Đỗ Văn Thao cho biết, trên công trường, công nhân thi công 2 ca, cứ luân phiên mà làm, không kể ngày đêm. “Chúng tôi không có ngày Tết, phải làm, tiến độ rất gấp và Bộ luôn hối thúc tiến độ”, ông Phú cho biết.
Huy động nhân công, thiết bị hết sức
Ông Trần Lệnh Phú cho biết, một số đoạn trên tuyến đã bắt đầu thảm nhựa. Vài ngày nữa, trong tháng 12 này, công ty nhập một trạm trộn bê tông công nghệ Đức loại công suất lớn và hiện đại để phục vụ cho việc tăng tốc thảm nhựa toàn tuyến. “Dù chật vật về tài chính nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên bỏ tiền túi ra để nhập máy móc, thiết bị”, ông tự hào nói. Trong lĩnh vực thi công đường cao tốc, ở thời điểm này, nhiều đơn vị chật vật do bão giá và cả việc giải ngân của các nhà tài trợ không kịp thời, thì việc Công ty 194 dùng tiền tự có để tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị là một nỗ lực hiếm có.
Máy móc, thiết bị trên công trường
Trước đó, trong tháng 11 công ty cũng mua thêm 20 đầu xe tải để phục vụ tăng tốc thi công, đáp ứng nhu cầu về tiến độ mà Chính phủ, Bộ GTVT luôn thúc giục. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trong lần thị sát dự án mới đây cũng đã biểu dương nỗ lực của liên danh dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo và ấn tượng với việc Công ty 194 đầu tư trang thiết bị phục vụ dự án.
Đến nay, toàn dự án của Công ty 194 đạt trên 29% khối lượng. Chủ đầu tư Công ty 194 đã bỏ ra trên 850 tỉ đồng vốn sở hữu để thi công, không đợi giải ngân từ nhà tài trợ. “Rất may là chúng tôi có năng lực tự thân về tài chính nên chủ động được, chứ nhiều nơi khác các nhà đầu tư, nhà thầu đang gặp khó khăn về giải ngân, biến động giá…”.
Để chủ động nguồn vật liệu khi biến động giá cả từ xăng dầu, sắt thép, xi măng… tăng cao, trên toàn công trường, Công ty 194 chủ động xây dựng 3 trạm nghiền vật liệu, 2 trộn bê tông tươi, thiết kế thi công dầm cầu theo tiêu chuẩn cầu cấp 1 đạt chuẩn… “Nhờ vậy chúng tôi chủ động được một phần, tiết giảm được chi phí và chủ động được tiến độ”, Chủ tịch Trần Lệnh Phú cho biết.
Chỉ còn 4 ngày nữa là hết năm 2022. Trên công trường, các loại thiết bị, xe cộ và nhân công rầm rập làm việc. Các mũi thi công không ngưng nghỉ. “Dù biết là rất khó khăn về thời gian nhưng chúng tôi sẽ làm hết sức bằng lương tâm và trách nhiệm của mình để đưa dự án về đích”, ông Trần Lệnh Phú nói.
Ông Trần Lệnh Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng 194 tại văn phòng điều hành của dự án
Về tiến độ thi công, ông Trần Lệnh Phú nhìn nhận: “Rất tiếc là khi chúng tôi vừa phát lệnh thi công ngày 30/11/2020 là gặp ngay đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 và toàn quốc phong toả gay gắt. Cán bộ nhân viên chúng tôi từ TP.HCM ra (vùng dịch gay gắt nhất nước) bị các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà chặn lại, đưa đi cách ly 15-21 ngày và phạt 5 triệu đồng/trường hợp. Do đó, tiến độ không được như ý. Nếu không, chúng tôi đã vượt xa tiến độ này dù đây là đoạn dự án gặp nhiều khó khăn nhất”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận