Cấp cứu sau chén rượu đầu xuân
Đau bụng âm ỉ suốt mấy ngày Tết nhưng ông N.T.D (64 tuổi, Hà Nội) phớt lờ, hàng ngày vẫn uống vài chén rượu. Đến đêm mùng 3 Tết, sau khi tiếp khách, cơn đau trở nên dồn dập khiến ông D không chịu nổi. Người thân vội vã đưa ông đến cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Một ca viêm tụy cấp phải nằm viện điều trị.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông D viêm tụy cấp. May mắn, bệnh nhân đến viện khi viêm tụy cấp bắt đầu tiến triển, chưa có biến chứng. Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị theo phác đồ đặt xông dạ dày, dùng các loại thuốc kháng sinh, giảm tiết dịch vị, giảm đau, cho nhịn ăn. Hiện sức khỏe ông D đang dần ổn định.
Nằm trên giường bệnh, thân hình gầy rạc, xanh xao ông D cho biết: "Tôi dùng rượu suốt 30 năm nay rồi, dù không uống nhiều nhưng ngày nào cũng phải đôi chén. Hôm rồi, có thể thêm vài chén chúc Tết nên mới ra cơ sự này".
BS Vũ Khương Ninh, Phó bộ phận cấp cứu Ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trước, trong và đặc biệt sau Tết, nơi đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp, nguyên nhân chủ yếu do rượu bia. Có bệnh nhân trẻ tuổi đã nhập viện sau chầu nhậu, liên hoan với bạn bè.
Đáng lưu ý, đã có bệnh nhân phát hiện viêm tụy muộn, đến viện khi xuất hiện biến chứng khiến kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí do phải dùng nhiều phương pháp điều trị tốn kém như: lọc máu, thay huyết tương, chọc hút dịch tụy, giảm áp lực ổ bụng, thậm chí nguy cơ tử vong cao.
Do các dấu hiệu của bệnh viêm tụy cấp có nét tương đồng với bệnh dạ dày, nên nhiều người nhầm lẫn, chủ quan không đi khám, để lại hậu quả đáng tiếc. Có một điểm để phân biệt viêm dạ dày và viêm tụy cấp mà người bệnh cần lưu ý. Đó là cơn đau do viêm tụy cấp sẽ không thuyên giảm kể cả khi sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc điều trị đau dạ dày. Vì vậy, nếu thấy đau bụng liên tục và không ngớt khi đã dùng thuốc, cần đến bệnh viện ngay.
BS Đào Việt Hưng
Cũng có bệnh nhân dù mới phát hiện nhưng đã viêm tụy nặng do cơ thể vốn tắc ống tụy hoặc tắc sỏi do sỏi đường mật. Tác nhân rượu bia, hoặc ăn uống nhiều dầu mỡ đã làm tăng cao chỉ số Triglyceride, dẫn tới viêm cấp tính tuyến tụy.
Thông thường viêm tụy cấp hay gặp ở người trẻ và nam giới thì mới đây, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân hiếm gặp khi đã 85 tuổi, viêm tụy cấp trên cơ địa vốn nhiều bệnh nền, gồm mạch vành, tăng huyết áp và suy thận.
Rất may phát hiện sớm, bệnh nhân đáp ứng điều trị nên nhanh phục hồi, sau ít ngày nằm viện đã có thể ăn uống bằng đường miệng.
Chia sẻ thêm về căn bệnh này, bác sĩ chuyên khoa nội Đào Việt Hưng cho biết, viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm sưng đột ngột, xảy ra trong thời gian ngắn, bệnh có thể diễn tiến đến suy cơ quan, nhiễm trùng huyết, hoại tử tụy… Nếu không điều trị kịp thời, biến chứng nguy hiểm hơn gây tử vong. Bệnh lý này do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó chủ yếu là do sỏi mật, bia rượu, tăng mỡ máu, thuốc hoặc do virus...
Khi mắc viêm tụy cấp, người bệnh thường có dấu hiệu đau bụng trên, hoặc lan ra sau lưng, sốt, mạch nhanh, buồn nôn, nôn, chướng bụng, chán ăn.
Gia tăng số ca xuất huyết tiêu hóa
Chưa từng xuất huyết tiêu hóa, tuy nhiên 3 ngày trước, ông N.V. T (50 tuổi, Hà Nội) bỗng nôn 200-300ml máu, nên được người nhà đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, ông T hạ huyết áp, các bác sĩ phát hiện có ổ loét dạ dày.
Theo chia sẻ của người thân, trước đó, ông T có uống nhiều rượu. Bệnh nhân được các bác sĩ bù dịch nâng huyết áp, đặt xông dạ dày thu ra hơn 500ml máu màu nâu sẫm và được cho bù 300ml khối hồng cầu, dùng phác đồ điều trị xuất huyết. Hiện, ông T đã tạm ổn định và dự kiến sẽ cho nội soi sinh thiết tế bào ổ loét dạ dày.
Cũng tại đây, cô gái trẻ 26 tuổi N.M.A đến nhập viện trong tình trạng đi đại tiện phân đen, cơ thể xanh xao, mệt mỏi. Soi dạ dày kiểm tra, bác sĩ phát hiện có viêm xuất huyết niêm mạc.
Chia sẻ với bác sĩ, A cho biết vốn có tiền sử viêm dạ dày, tuy nhiên trong thời gian trước và trong Tết vì có trục trặc trong công việc nên stresss không ăn, không ngủ được. Đó là nguyên nhân khiến bệnh viêm dạ dày trở nặng và gây xuất huyết dạ dày.
BS Ninh chia sẻ, xuất huyết tiêu hóa thường gặp ở vùng thực quản, dạ dày, dịp Tết năm nay số lượng bệnh nhân tăng hơn nhiều so với mọi năm. Đặc biệt, từ mùng 2 Tết con số tăng đột biến, có ngày khoa cấp cứu tiếp nhận 5 - 10 ca xuất huyết tiêu hóa.
Đến nay, bệnh viện vẫn đều đặn tiếp nhận bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa. Thậm chí, nhiều người nặng xuất huyết ồ ạt trên nền xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản khiến các bác sĩ phải tiêm cầm máu, can thiệp thắt phần vỡ tĩnh mạch…
"Xuất huyết tiêu hóa thường gặp ở những bệnh nhân vốn có các bệnh lý như loét dạ dày, tá tràng, giãn tĩnh mạch thực quản, viêm thực quản… Do vậy để phòng bệnh, các bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối lời dặn của y, bác sĩ về việc khám, uống thuốc và tránh đồ ăn được khuyến cáo không nên dùng.
Với người khỏe mạnh không bệnh lý nên tránh tối đa căng thẳng, mất ngủ, bởi dạ dày tiết nhiều dịch vị gây loét dạ dày và chảy máu", BS Ninh cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận