Chiến dịch kỳ lạ
Theo đó, trường đào tạo lái xe Chikushino tại TP Fukuoka, tây nam Nhật Bản đang cung cấp dịch vụ trải nghiệm lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các hướng dẫn viên.
Theo hãng tin Guardian, chương trình này nằm trong chiến dịch của cảnh sát TP Fukuoka để buộc các tài xế từng tự tin về tửu lượng và khả năng lái xe sau khi uống rượu phải suy nghĩ lại, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, chương trình nâng cao nhận thức này cũng nhằm tưởng nhớ vụ tai nạn chấn động xảy ra năm 2006 khi một quan chức địa phương lái xe trong tình trạng say xỉn tông vào ô tô chở ba em nhỏ khiến cả ba thiệt mạng.
Hai phóng viên hãng tin Mainichi Shimbun của Nhật Bản đã trực tiếp tham gia trải nghiệm chương trình. Trong đó, nữ phóng viên tên Hyelim Ha đã lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn còn đồng nghiệp (không sử dụng rượu bia) ngồi ở ghế hành khách để quan sát.
Đầu tiên, hai phóng viên được yêu cầu điều khiển phương tiện trên ba đoạn đường gồm một đoạn dốc, một đoạn đường cong hình chữ S và đoạn đường nhiều khúc cua gắt trong trạng thái tỉnh táo.
Sau đó, khoảng một giờ, cô Ha uống một lon bia 350ml và hai loại rượu khác nhau, mỗi loại một cốc. Kết quả kiểm tra hơi thở của cô Ha cho thấy nồng độ cồn trong hơi thở là 0,30mg cồn/lít khí thở, gấp đôi ngưỡng theo quy định của Nhật là 0,15mg.
Lúc đó, cô Ha cũng cho biết cảm thấy lạnh tay, tăng nhịp tim và đỏ mặt. Tuy vậy, cô vẫn tin tưởng bản thân đủ khả năng cầm lái - tương tự lời khai của tài xế gây tai nạn chết người trong vụ việc vào năm 2006.
Sự tự tin chết người
Kết quả thử nghiệm trên thực tế đã chứng minh sự tự tin của cô Ha là sai lầm.
Qua quá trình quan sát, đồng nghiệp của cô Ha - phóng viên Rokuhei Sato nhận thấy, Ha liên tục tăng, giảm tốc độ dù đang di chuyển trên đường thẳng.
Bên cạnh đó, tuy Ha vượt qua bài kiểm tra điều khiển xe qua dốc, nhưng Phó giám đốc trường đào tạo lái xe - ông Shojiro Kubota đã yêu cầu cô dừng xe trước khi tiến vào đoạn đường cong chữ S.
Giải thích về quyết định đầy bất ngờ, ông Kubota cho biết sau khi uống rượu, cô Ha đã di chuyển vào khúc cua với tốc độ cao hơn và có lúc lấn sang làn ngược chiều.
Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết nhiều tài xế lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn và may mắn không gặp tai nạn đã hình thành suy nghĩ mình có khả năng cầm lái vững vàng kể cả khi uống rượu, do đó họ tiếp tục lặp lại hành động nguy hiểm này.
Theo số liệu do cảnh sát Nhật bản cung cấp, tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông đường bộ dẫn đến chết người khi tài xế uống rượu lái xe cao gấp 7 lần so với các vụ tai nạn liên quan đến tài xế tỉnh táo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận