Ngày 13/12, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản cùng đồng minh là đảng Komeito đạt được đồng thuận về bản dự thảo sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia lần đầu tiên kể từ năm 2013.
Bản dự thảo này cùng với bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng Quốc gia sẽ được trình lên nội các Nhật Bản bỏ phiếu trong tuần này.
Theo truyền thông đưa tin, bản dự thảo Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Nhật Bản đề cập Trung Quốc là “thách thức” trong khi văn bản năm 2013 coi Bắc Kinh là “vấn đề gây quan ngại với cộng đồng quốc tế”.
Ngoài ra, ban đầu, dự thảo đã đề cập việc Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận gần Đài Loan và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản vào tháng 8 là “mối đe dọa với Nhật Bản và người dân trong khu vực”.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ thuộc đảng Komeito cho rằng cần phải cân nhắc trong việc sử dụng từ ngữ, tránh gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sau đó, một số quan chức Chính phủ Nhật Bản đề xuất xóa cụm từ “với Nhật Bản”, chỉ đề cập vụ rơi tên lửa là mối đe dọa với người dân sống tại các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Khu trục hạm trực thăng Izumo của Nhật Bản. Ảnh - Nikkei Asia
Ông Ryo Hinata-Yamaguchi, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Tiên tiến thuộc Đại học Tokyo, cho biết Nhật Bản cũng từng rất cẩn trọng trong lựa chọn từ ngữ trong Chiến lược An ninh Quốc gia công bố lần đầu năm 2013.
“Lâu nay, Nhật Bản rất cẩn trọng bởi lo ngại về phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, không nhất thiết là phản ứng về quân sự mà có thể là phản ứng về kinh tế… Từ đó đến nay, Trung Quốc đã phát triển đáng kể và tăng cường hoạt động tại Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan. Song, “giờ đây, Nhật Bản đã kết luận rằng đã đến thời điểm cần thẳng thắn, thực tế hơn”, chuyên gia Hinata-Yamaguchi cho biết.
Ông James Brown, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Temple chi nhánh Tokyo, cho rằng lẽ ra Nhật Bản cần sửa đổi, bổ sung Chiến lược An ninh Quốc gia từ lâu để ứng phó với những thay đổi địa chính trị tại Đông Bắc Á trong thập kỷ qua.
Theo ông Brown, văn bản sửa đổi sẽ “phản ánh mối đe dọa Nhật Bản đối mặt từ 3 quốc gia láng giềng là Nga, Triều Tiên (chủ yếu từ những vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng) và Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh rõ ràng là đáng lo ngại nhất”.
Dự thảo sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia cũng đề cập Nhật Bản có ý định phát triển năng lực “tấn công đáp trả” nhắm vào các cơ sở mà lực lượng tình báo của Tokyo xác định là chuẩn bị phóng tên lửa nhắm vào Nhật Bản.
Việc Nhật Bản tiến hành sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia diễn ra trùng thời điểm Thủ tướng Fumio Kishida thông báo Tokyo sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP trước năm 2027. Theo đó, ngân sách quốc phòng sẽ được đầu tư vào phát triển tên lửa, máy bay chiến đấu, củng cố các căn cứ quân sự hiện hành, phát triển máy bay không người lái, lực lượng quân sự trên không gian, tác chiến không gian mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận