Quy hoạch bất động sản công nghiệp còn bất cập
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Ngô Văn Khanh, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang chia sẻ, bất động sản công nghiệp vẫn đang thu hút các nhà đầu tư với giá công nhân rẻ, hạ tầng kỹ thuật phát triển khá tốt, thuận lợi giao thương và tình hình chính trị trong nước ổn định... Ngoài ra, việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 vừa qua cũng là một điểm cộng trước các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phát triển phân khúc này.
Song song nhiều yếu tố thuận lợi, bất động sản công nghiệp hiện vẫn đang còn nhiều rào cản để phát triển
Cụ thể, ông Khanh phân tích, các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung ở các thành phố, trung tâm các địa phương, hạ tầng thuận lợi giao thương... nhưng lại thiếu nguồn lao động.
Doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động từ xa, chi phí trả lương phải tính toán đến cả các chi phí ăn ở, tiêu dùng nên giá lao công tăng cao. Bên cạnh đó là nhà ở cho công nhân, vấn đề này đang rất nóng và cần tháo gỡ. Lao động ở nhiều địa phương tập trung về các khu công nghiệp để làm việc, do đó họ cần nhu cầu về ăn ở. Hiện nay phân khúc này đang thiếu, công nhân phải tự thuê "nay đây, mai đó" rất khó kiểm soát và đời sống người lao động không được ổn định.
"Nói không xa như TP.HCM hiện nay, lao động không ổn định, khi có dịch họ trở về quê dẫn đến thiếu công nhân. Giờ mà thu hút quay lại trong bối cảnh này rất khó. Nếu như mỗi công nhân có 1 căn nhà, sống ổn định thì có thể họ vẫn ở lại và đi làm bình thường, vẫn sản xuất và đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế", ông Khanh lấy ví dụ.
Cũng theo ông Khanh, vấn đề về giải phóng mặt bằng xây dựng khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Người dân lo lắng, khi nhà nước thu hồi đất để phát triển công nghiệp họ sẽ mất đất canh tác, nên chưa hoàn toàn đồng thuận... Trong khi đó, vai trò của phát triển công nghiệp đối với đời sống người dân như: gia tăng việc làm, thu nhập, nguồn tiêu thụ thực phẩm... lại chưa được tuyên truyền hiệu quả.
Do đó, ông Khanh cho rằng, để phát triển công nghiệp bền vững cần quy hoạch đồng bộ về hạ tầng giao thông. Quy hoạch, phân bổ các khu công nghiệp có tính đặc thù. Bên cạnh đó tập trung phát triển nhà ở cho công nhân, nhà nước đứng ra làm hoặc có chính sách ưu tiên cho những doanh nghiệp phát triển phân khúc này nằm ổn định sản xuất.
"Chẳng hạn nghề may, nghề gia công, thời gian và giá lao động ổn định, không đòi hỏi quá cao thì phải đưa quy hoạch các vùng có dân số trẻ, gần lao động đặc biệt là phụ nữ để người dân ko phải đi lại xa, tăng thu nhập cho người lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế địa phương...", ông Khanh dẫn giải.
Đề xuất chủ sử dụng lao động đứng ra thuê nhà cho công nhân
Trước đó, tại Tọa đàm “Phát triển Nhà ở công nhân: Thực trạng và giải pháp”, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera cũng cho biết, theo quy định lao động muốn thuê nhà ở công nhân phải đủ điều kiện như đóng bảo hiểm. Quy định này gây khó khăn đối với nhiều trường hợp. Đơn cử, tại KCN Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người, còn lại hơn 90 nghìn công nhân thuê nhà trọ. "Qua đợt dịch COVID-19 vừa rồi, chúng tôi phải cho mượn để công nhân ở chứ không cho thuê được vì không có quy định doanh nghiệp KCN thuê cho công nhân" ông Ngọc Anh nói.
Ông Phạm Văn Ân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bị khống chế lãi 10%, nhưng do chịu nhiều loại chi phí không tên, số tiền thu được thực tế từ dự án rất thấp. Thậm chí, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với lỗ khi bão giá và các chi phí đội lên cao.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec cho biết, nhu cầu nhà ở công nhân qua đợt dịch COVID-19 vừa qua rất lớn và cần thiết. Với chủ đầu tư, vốn tín dụng là cần thiết nhưng quy định xong không thực hiện được.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho hay, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang có một số kiến nghị cho phép doanh nghiệp sản xuất trong KCN sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án để cho công nhân mình thuê ở; công nhân trong KCN khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp sản xuất trong các KCN trên địa bàn tỉnh; quy hoạch KCN phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ trong KCN để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận