Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa, hàng hải năm 2019 trên địa bàn TP Cần Thơ tiến hành kiểm tra các bến thủy nội địa hoạt động trên tuyến kênh Thị đội Ô Môn. Kết quả kiểm tra, trong 17 bến thủy nội địa có đến 16 bến không có giấy phép hoạt động.
Hoạt động nhà máy xay sát lúa từ những năm 2012, tuy nhiên đến nay bến lên xuống hàng hóa của Lò sấy Út Vẽ (xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) do ông Hứa Minh Vẽ vẫn hoạt động “chui” vì năm lần, bảy lượt xin mà không được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.
“Cơ sở tôi có một bến thủy nội địa để lên xuống hàng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tôi đã đi xin rất nhiều lần. Năm rồi (2018) cũng có đi xin nhưng xin hoài vẫn không được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Theo như bên Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Cần Thơ trả lời thì đó là do chúng tôi không đủ điều kiện gì đó. Biết là sai, nhưng cơ sở tôi có đến hơn 25 công nhân làm việc, rồi gia đình. Vì cuộc sống, tôi phải làm liều”, ông Vẽ cho biết.
Không chỉ ông Vẽ mà còn rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh như lò sấy lúa, cơ sở kinh doanh xăng dầu trong nhiều năm qua đã nhiều lần đến cơ quan chức năng xin cấp phép hoạt động bến thủy nhưng đều không được chấp nhận.
“Ở tuyến kênh này, mỗi một lò sấy đều có bến lên xuống hàng, nói đến đi xin cấp giấy phép hoạt động những bến này, bà con có cơ sở đều đồng lòng đi xin nhưng không được. Không được cấp giấy phép, bắt buộc ngừng không cho hoạt động bến ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, rồi lại bị phạt vạ. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng xem xét giải quyết”, một chủ cơ sở là sấy lúa bày tỏ.
Ông Nguyễn Thanh Tuy, Đội trưởng đội Thanh tra an toàn số 6, thuộc Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) - Phó Trưởng đoàn liên ngành cho biết, tuyến kênh Thị đội Ô Môn có chiều dài gần 30km là tuyến kênh do Trung ương quản lý. Theo thống kê toàn tuyến có trên 25 bến thủy nội địa hoạt động không phép.
“Đợt kiểm tra này, có nhiều bến đã tạm ngưng hoạt động do không có nguyên liệu sản xuất do đó vẫn chưa tiến hành kiểm tra được. Hiện, đoàn đã tiến hành kiểm tra được 17 bến thì trong đó có 16 không có giấy phép. Đoàn đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, tạm đình chỉ hoạt động của các bến này. Đồng thời, đoàn tiến hành kiểm tra, thống kê tổng hợp danh sách các bến thủy chưa được cấp phép, báo cáo Ban ATGT TP, đề nghị cấp trên có hướng giải quyết”, ông Tuy cho biết.
Nói về nguyên nhân vì sao không cấp phép hoạt động cho các bến thủy tại tuyến kênh Thị đội Ô Môn, ông Lê Tấn Tài, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Cần Thơ (Sở GTVT TP Cần Thơ) cho biết, tuyến kênh này do Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam quản lý. Theo Thông tư 50/2014/TT/BGTVT, đối với bến thủy nội địa nằm trên đường thủy quốc gia, trước khi có cấp giấy phép hoạt động, Sở GTVT phải lấy ý kiến của Chi cục đường thủy nội địa.
Theo đó, Chi Cục đường thủy nội địa phía Nam đã có văn bản trả lời, tuyến kênh này có cấp kỹ thuật đường thủy nội địa là cấp II, chiều rộng luồng 36m, hành lang bảo vệ luồng mỗi bên là 11m. Còn các bến xin phép cấp phép hoạt động nằm trên tuyến kênh có chiều rộng khoảng từ 24m-44m, không đảm bảo ATGT đường thủy do đó không đủ điều kiện để mở bến.
“Căn cứ theo văn bản của Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam thì những bến này không đủ điều kiện để cấp phép”, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Cần Thơ cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận