Thủy đậu ở cả người lớn và trẻ nhỏ
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Hà Đông, chị P.H (Hà Đông) chăm con nhỏ 9 tháng mắc thủy đậu đang điều trị cho biết: Con chưa kịp tiêm chủng vaccine thì đã mắc thủy. Ban đầu xuất hiện các nốt phỏng ở lưng, tay, sau lan nhanh khắp người và lên mặt, gia đình tự chăm sóc ở nhà. Nhưng chỉ ít ngày có xuất hiện ho, hâm hấp sốt, gia đình cho đến viện khám, thì con được chẩn đoán biến chứng viêm phổi, phải điều trị nội trú.
Cũng tại bệnh viện này, chị T.H (Hà Đông) điều trị thủy đậu đã 7 ngày, tình hình đã ổn hơn nhưng vẫn còn nhiều nốt phỏng thủy đậu trên cơ thể. Trước đó, chị H sốt, đau đầu, đau họng và ngứa toàn thân, kém các nốt thủy đậu.
Theo BSCKII Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, thủy đậu không chỉ là bệnh ngoài da để lại sẹo, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tai ảnh hưởng đến thính lực… Thủy đậu đặc biệt nguy hiểm với bà bầu, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người có bệnh nền mạn tính. Tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng bệnh thủy đậu và tránh biến chứng hiệu quả nhất.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị T.P (Long Biên) nhập viện trong tình trạng mắc thủy đậu biến chứng bội nhiễm da, sốt, mụn nước hóa mủ đục nhanh, ngứa rát, mệt mỏi nhiều, cảm giác tức ngực, khó thở. Trước nhập viện 3 ngày, người bệnh xuất hiện sốt cao 38,5 độ C, gai lạnh, mệt mỏi, đau rát họng, ăn uống kém, sau đó nổi mụn nước rải rác toàn thân mình, chân tóc, mặt, vòm họng.
Tương tự, là trường hợp anh T.T (Long Biên) bị biến chứng bội nhiễm da do không tắm rửa, kiêng gió, kiêng nước và tự uống thuốc kháng sinh, kháng virus. Sau 4 ngày, bệnh biến chứng, các mụn nước hóa mủ đục, dập vỡ lan rộng kèm đau rát, ngứa, mệt mỏi, khó ăn uống. Mụn xuất hiện ở cả vòm họng, chân tóc, đồng thời cơ thể xuất hiện nhiều cơn ớn lạnh. Bệnh nhân được điều trị hạ sốt, thuốc kháng virus, kháng sinh đường tĩnh mạch và chăm sóc, vệ sinh da, mũi họng, kết hợp nâng cao thể trạng, sức khỏe dần ổn định.
Bác sĩ Đàm Thị Thanh Tâm, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm.
Một số quan điểm sai lầm trong phòng tránh và điều trị thủy đậu như người từng mắc thủy đậu rồi có thể hoàn toàn không mắc lại, tiêm phòng thủy đậu sẽ không mắc bệnh, kiêng ra gió và kiêng tắm rửa, chọc vỡ mụn mủ để tổn thương da mau lành, tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc giảm viêm có corticoid… khiến nhiều người chủ quan, dễ để lại biến chứng đáng tiếc.
Không chủ quan khi trẻ mắc ho gà
Theo thống kê ngành Y tế, từ đầu năm đến nay đã có trên 70 ca mắc ho gà, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi. Đa số trẻ đều bị biến chứng viêm phổi do nhập viện muộn.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, một bé gái 2 tháng tuổi được chuyển lên từ Thái Bình nằm điều trị gần 1 tháng vì bệnh ho gà. Mẹ bé gái cho biết, khi trẻ mới húng hắng ho, đưa khám ở tuyến dưới được chẩn đoán viêm phế quản, rồi viêm phổi, điều trị không đỡ. Khi lên Bệnh viện Nhi Trung ương mới phát hiện ho gà. Tại đây, cũng đang điều trị cho nhiều trẻ mắc ho gà.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, sau đỉnh dịch vào năm 2019 với hơn 400 ca mắc, mỗi năm chỉ 10-15 ca ho gà một năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lượng ca mắc ho gà nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ tăng vọt lên 40 ca. Trên cả nước, ghi nhận gần 70 trường hợp, chủ yếu tại miền Bắc.
Ho gà có khả năng lây lan rất cao; Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỉ lệ tử vong lên đến 90%. Điều đáng lo ngại là bệnh ho gà có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần, khó nhận biết sớm.
Một số biến chứng nguy hiểm trẻ mắc ho gà có thể gặp phải như: Viêm phổi nặng là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Trẻ mắc ho gà có thể bị biến chứng viêm não với tỷ lệ tử vong cao; Biểu hiện thường là trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật; Hoặc gặp các biến chứng như: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi…
Để phòng bệnh ho gà, bố mẹ cần cho trẻ tiêm vaccine ho gà khi trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm 2 mũi tiếp theo (lúc trẻ 3 và 4 tháng tuổi), mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Khi trẻ 18 tháng, tiêm nhắc lại cho trẻ một mũi. Sau đó 3-5 tuổi nhắc lại mũi nữa. Đến tuổi vị thành niên hoặc trước khi sinh đẻ cũng nên tiêm phòng ho gà. Việc này vừa giúp bảo vệ người mẹ vừa giảm nguy cơ mắc ho gà trong giai đoạn trẻ sơ sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận