Y tế

Nhiều bệnh viện thiếu vật tư y tế, thuốc men: Cách nào giải quyết?

13/06/2022, 18:13

Hiện nhiều cơ sở y tế đang thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm… 1 phần do "ngại" đấu thầu, gây ảnh hưởng đến công tác điều trị.

Dừng mổ… vì thiếu vật tư y tế

Sau 3 ngày đưa cấp cứu tại 1 bệnh viện chuyên ngoại khoa trong tình trạng gãy cổ xương đùi, mẹ chị Nguyễn Thị Minh (75 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) có lịch hẹn phẫu thuật thay khớp háng.

Chuẩn bị sẵn sàng cho ca phẫu thuật, sau tháo thụt, nhịn ăn, mẹ chị Minh được sắp xếp đẩy vào phòng mổ. Nhưng sau đó, gia đình được thông báo hoãn vì lý do “hết vật tư y tế”.

img

Việc thiếu vật tư y tế, thuốc men tại nhiều bệnh viện... ảnh hưởng tới công tác điều trị

Thương mẹ mệt mỏi vì đau vết thương suốt nhiều ngày, giờ lại phải dừng phẫu thuật, chị Minh chia sẻ: “Những tưởng được phẫu thuật sớm bình phục, ai dè bác sĩ cho biết tạm dừng phẫn thuật do bệnh viện vừa phải xử lý một số ca cấp cứu dẫn tới thiếu vật tư và hẹn sắp xếp lịch mổ sớm nhất có thể”.

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho biết: “Thiếu vật tư y tế vì đã sử dụng cho các ca cấp cứu, chúng tôi liên tục phải xin lỗi bệnh nhân bị hoãn dù họ đã chuẩn bị lịch mổ.

Nhiều trường hợp chúng tôi phải tư vấn để họ đưa ra lựa chọn, hoặc chờ khi có vật tư thay thế để được thanh toán bảo hiểm y tế, hoặc họ phải chấp nhận mua ngoài, hoặc tới cơ sở y tế khác để được can thiệp”.

Thiếu vật tư y tế… vì đấu thầu “vừa làm, vừa sợ”?

BS. Trần Văn Phúc, BV ĐK SaintPaul cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều tỉnh thành chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. Trong bối cảnh hành lang pháp lý, cụ thể là các thông tư hướng dẫn cho công tác mua sắm chưa bao phủ hết các tình huống, các vụ bắt bớ vì vi phạm quy định về đấu thầu đã khiến những người chuyên trách mua sắm vật tư, trang thiết bị "vừa làm, vừa sợ".

“Người làm sai rõ ràng phải chịu tội, nhưng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để những người đương nhiệm được đảm bảo an toàn khi làm việc và cống hiến. Hoạch định chính sách y tế cần nhìn vào số đông người bệnh”, BS. Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Phúc trong đấu thầu tập trung đang bộc lộ những bất cập, cần phải điều chỉnh phù hợp. Một trong những bất cập là giá xây dựng kế hoạch đấu thầu. Đây chính là nguyên nhân gây tình trạng thiếu thuốc, thiếu hoá chất và vật tư tiêu hao, thiếu trang thiết bị y tế, máy móc hỏng chỉ đắp chiếu chứ không thể sửa chữa.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Để an toàn, các bệnh viện sẽ chọn giá thấp nhất. Nhưng thực tế, có thể giá các nguồn từ nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, phân phối tăng... vậy nên cơ sở y tế không thể mua được thuốc hay thiết bị máy móc với giá kế hoạch.

Còn theo chia sẻ của một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương, với 4 cơ chế mua thuốc hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Một là đàm phán cấp quốc gia do Hội đồng đám phán cấp quốc gia làm nhưng không hiệu quả.

Thứ hai là do Trung tâm đấu thầu mua sắm quốc gia thực hiện, tuy nhiên, hiện “vẫn đang trong quá trình đàm phán, đấu thầu” .

Thứ ba, là cơ chế đấu thầu tập trung do địa phương nhưng nhiều địa phương hiện cũng “không dám” đấu thầu.

Cuối cùng, cơ chế cho bệnh viện tự đấu thầu mua thuốc nhưng “nhiều nơi anh em thật sự không dám đấu thầu, nhất là với yêu cầu đấu thầu thuốc năm sau phải rẻ hơn năm trước, rất bất cập. Hoặc theo quy định khi đã mua thuốc thì phải dùng hết ít nhất 80% loại thuốc đã mua. Nhưng đối với nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm thì các bệnh viện khó mà lường trước việc bệnh nhân dùng hết thuốc hay không...

Cần hành lang pháp lý đầy đủ

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, "vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm, là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy…

Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua.

Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn như Nghị định Chính phủ cụ thể hóa Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật đấu thầu…

“Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang”, ông Quang cho hay.

Liên quan đến nội dung này, tại phiên họp thảo luận sáng 13/6 về dự án Luật khám chữa bệnh (sửa đổi), GS. Nguyễn Anh Trí đã đề cập “hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm, …đang bị đứt gãy nghiêm trọng, vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, vì các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ; và vì việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở y tế, Bộ y tế đang bị đình đốn bởi vì họ còn bận phải làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra…

Và thế là hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính bệnh nhân, cho chính người dân…. Cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể làm được”.

Theo GS. Trí, 1 trong những giải pháp cần làm là “phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý - bao gồm cả Luật như Luật khám chữa bệnh, Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng chống dịch, và cả những luật khác có liên quan như Luật về giá, Luật đấu thầu mua sắm, luật tài sản công…; kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện… Cần có một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp để cán bộ y tế thực hiện”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.