Xã hội

Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/1/2016

31/12/2015, 07:49

Tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng cách tính BHXH mới, cấp thẻ căn cước công dân thay cho CMND…

luong
Ảnh minh họa.

Tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định 122/2015 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2,4- 3,5 triệu đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động. Từ ngày 1/5/2016 sẽ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.


Đóng BHXH theo lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động

Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2016, mức tiền đóng BHXH được tính dựa trên lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng thay vì dựa vào bảng lương như hiện nay. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội khoá XIII, từ 1/1/2016, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm mà chưa đủ 20 năm đóng, khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Cũng theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5 đến 14 ngày.

Cấp thẻ căn cước công dân thay cấp CMND

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, từ 1/1/2016 sẽ tiến hành cấp thẻ căn cước công dân thay cho CMND hiện hành. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân để bảo đảm tính ổn định của các thông tin về nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật. Thẻ căn cước công dân chỉ phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

 

Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý hình sự

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.