Y tế

Nhiều địa phương cạn vaccine tiêm chủng mở rộng, cách nào khắc phục?

18/05/2023, 22:41

Nhiều địa phương đứng trước nguy cơ bùng dịch do cạn một số loại vaccine. Chính phủ đã có chỉ đạo, các chuyên gia y tế cũng góp ý cách xử lý.

TP.HCM cạn nhiều loại vaccine

Sở Y tế TP.HCM thông tin, tính đến ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng đã hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB và DPT. Cụ thể, vaccine DPT-VGB-HiB (vaccine phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) đã hết từ đầu tháng 3/2023, vaccine DPT (phòng 3 bệnh truyền nhiễm bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ) hết từ đầu tháng 5/2023.

img

Thiếu vaccine chương trình Tiêm chủng mở rộng làm tăng nguy cơ bùng dịch bệnh cho trẻ (ảnh minh họa)

Các loại vaccine khác trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. Dự kiến, đến cuối tháng 5/2023, TP.HCM sẽ hết các loại vaccine viêm gan B, vaccine viêm não Nhật Bản; đến giữa tháng 6/2023 sẽ hết vaccine lao (BCG); đến tháng 7/2023 sẽ hết vaccine bại liệt (bOPV) và vaccine sởi; đến tháng 8 /2023 sẽ hết vaccine uốn ván (VAT) và đến hết tháng 9/2023 sẽ hết vaccine sởi và rubella (MR).

Tình trạng dần khan cạn vaccine của chương trình TCMR cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề khan vaccine, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM cho biết: “Chương trình TCMR, nếu chậm vaccine 1-2 tháng có ảnh hưởng nhưng không đáng kể, tuy nhiên nếu kéo dài rất nguy hiểm nên cần nhanh chóng giải quyết vướng mắc trong mua sắm vaccine”.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương.

Theo đó, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan tiếp nhận viện trợ, điều phối cung cấp vaccine, vitamin A... Trong thời gian tới, bộ này tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỉ trọng lớn, vaccine dùng trong chương trình TCMR để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương mua sắm.

Trên tinh thần đó, bộ cần rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng theo đúng chỉ đạo tại thông báo số 26/TB-VPCP ngày 12/2/2023.

Sau khi đấu thầu tập trung thành công, Bộ Y tế xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vaccine.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vaccine này.

Theo ông Dũng, chương trình TCMR dành cho trẻ em, phụ nữ mang thai mang ý nghĩa phòng chống dịch bệnh cộng đồng. Vaccine chương trình TCMR về lâu dài phải đảm bảo, nếu thiếu vaccine sẽ ảnh hưởng nhiều đến miễn dịch quần thể và như vậy sẽ dễ bùng phát dịch. Trước đây, cũng đã có những đợt dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như sởi, bạch hầu, ho gà…

Ngoài ra, còn để lại hệ lụy lớn hơn là “người dân mất lòng tin về hệ thống TCMR khi đây vốn là chương trình lớn, ý nghĩa mà ngành y tế đã mất nhiều năm để xây dựng được”.

Còn Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho hay, "nếu tiếp tục gián đoạn tiêm, tiêm không đủ hoặc bỏ tiêm vaccine sẽ tạo thời cơ cho rất nhiều bệnh nguy hiểm quay trở lại. Việc duy trì liền mạch vaccine tiêm chủng mở rộng là nhu cầu tối thiểu mà trẻ em cần được đáp ứng”.

Khan vaccine do đâu?

Những năm qua, từ ngân sách trung ương do Bộ Tài chính bố trí, Bộ Y tế mua sắm vaccine cho chương trình TCMR, rồi cấp phát về các địa phương. Tuy nhiên, việc gián đoạn cung ứng vaccine xảy ra từ giữa năm 2022, do vướng một số thủ tục về quy định mua sắm, trong đó liên quan đến giá.

Vaccine thêm cạn khi theo quy định mới, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua, đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Như vậy, địa phương phải chủ động mua sắm vaccine trong chương trình TCMR phục vụ nhu cầu trên địa bàn.

Trước quy định này, các địa phương kêu khó, do chưa từng thực hiện, chưa tìm được nguồn cung và cũng lo giá mua chênh lệch. Nhiều tỉnh thành đề xuất phương án Bộ Y tế nên tiếp tục đứng ra mua sắm, tiền mua sẽ do địa phương chi trả.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết điều này không khả thi, bởi Bộ không thể tổ chức đấu thầu tập trung hay đàm phán giá do chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023. Ngoài ra, việc các đơn vị sản xuất vaccine trong nước đang trực thuộc Bộ, nên không bảo đảm tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu tập trung vaccine nội địa cho TCMR.

Còn phương án đặt hàng tập trung những vaccine trong chương trình TCMR để ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất và các địa phương ký hợp đồng, thì hiện chưa có quy định.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị các Sở Y tế xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm, không để thiếu thuốc, vaccine.

Tuy nhiên, để tạm thời gỡ vướng thiếu vaccine, trong khi chưa thể triển khai đấu thầu, mua sắm tại các địa phương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có công văn khẩn gửi các địa phương về việc lập dự trù vaccine chương trình TCMR trong những tháng còn lại của năm 2023 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2024 để cung ứng trở lại như trước.

Địa phương tự chủ mua sắm vaccine: khó đảm bảo chất lượng?

Trước việc về lâu dài sẽ giao các địa phương tự chủ đầu thầu mua sắm vaccine cho chương trình TCMR, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: “Với các mặt hàng có tỉ trọng sử dụng nhiều như vaccine tiêm chủng mở rộng, nếu đấu thầu cấp quốc gia sẽ giúp giá thành, cũng như các chi phí phát sinh giảm so với việc chia ra các gói nhỏ.

Việc đấu thầu riêng từng tỉnh cũng sẽ dẫn đến khả năng giá trúng thầu sai lệch, các loại vaccine có thể cũng khác nhau. Điều này sẽ dẫn đến tình huống mỗi tỉnh có thể sẽ tiêm 1 loại vaccine khác nhau.

Ngoài ra, bản chất của vaccine TCMR có rất ít nhà thầu tham dự. Do đó, việc Bộ Y tế lấy phương diện quốc gia đứng ra đấu thầu như trước là phù hợp; khả năng đảm bảo nguồn, giá và cung ứng an toàn hơn”.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng: “Việc mỗi tỉnh thành tự đấu thầu mua vaccine có thể gặp khó trong quy mô, cung ứng, chất lượng khó đảm bảo. Đấu thầu như vậy, dễ bị lạm dụng, vì trình độ xét thầu mỗi đơn vị không giống nhau. Ngoài ra, hiện đang là thời điểm nhạy cảm, cán bộ y tế lo mỗi nơi đấu thầu sẽ một giá khó có thể bằng nhau được, nếu có chênh lệch giá thì ra câu chuyện “khuất tất gì không khi địa phương này mua được giá thấp, địa phương kia mua giá cao hơn”…

Theo tôi, với vaccine của chương trình TCMR, cả nước cùng sử dụng như nhau nên tổ chức đấu thầu tập trung, việc chia nhỏ về từng địa phương là không hợp lý. WHO hướng dẫn rõ về việc mua thiết bị y tế, vaccine, theo đó khuyến cáo “càng mua tập trung càng tốt”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.