Theo kế hoạch, ngành GTVT phải hoàn thành gần 400 km/năm để đạt được mục tiêu cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030. Yêu cầu đặt ra không chỉ là nguồn lực đầu tư mà còn đòi hỏi một tư duy đột phá, cách làm sáng tạo.
Đưa ban QLDA về công trường
Gần ba tháng qua, số chuyến công tác tới dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn của đội ngũ lãnh đạo Ban QLDA 2 ngày càng dày đặc hơn để cùng nhà thầu tìm cách gỡ khó, đôn đốc công trường dồn toàn lực, đưa dự án cán đích trong tháng 9/2023 theo yêu cầu.
Theo ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2, trong bối cảnh các ban QLDA "sắm hai vai", vừa là chủ đầu tư, vừa là đại diện chủ đầu tư, chủ trương "đưa ban QLDA về công trường" được đơn vị đẩy mạnh triển khai.
Mỗi dự án trọng điểm như QL45 - Nghi Sơn sẽ có ban điều hành dự án. Trong đó, giám đốc ban điều hành sẽ được ủy quyền tối đa trong xử lý công việc tại hiện trường.
Nếu trước đây, văn phòng điều hành chỉ đơn thuần là giám sát, báo cáo thì bây giờ có quyền quyết định nhiều vấn đề như phê duyệt kế hoạch thi công, các hạng mục điều chỉnh, phát sinh (trong tổng mức đầu tư), ký nghiệm thu và trình thủ tục giải ngân. Chức năng này gần tương đương với một ban QLDA (ở thời điểm Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án).
Ông Thắng cho biết, với mô hình này, riêng thời gian làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán đã được rút ngắn đáng kể, từ 10 - 15 ngày theo quy trình trước đây giờ chỉ còn trong 1 - 2 ngày. Dòng tiền quay về công trường nhanh chóng hơn, kịp thời hỗ trợ nhà thầu có đủ nguồn lực huy động vật tư, vật liệu, tăng cường "3 ca, 4 kíp" chạy đua tiến độ.
"Đặc biệt hơn, thời gian qua ngoài lãnh đạo Bộ GTVT, đích thân Thủ tướng đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm. Ngay tại hiện trường, các vướng mắc đã được người đứng đầu Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền phối hợp tháo gỡ, tạo điều kiện cho dự án bứt tốc", ông Thắng chia sẻ thêm.
Gần ba năm bám công trường dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Phạm Quốc Huy cũng cảm nhận rõ sự thay đổi trong tư duy của những người làm giao thông.
Không còn là kiểu cách làm việc theo giờ hành chính, 6 - 7h sáng vào ca làm, 17-18h bắt đầu thảnh thơi như trước đây. Đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án trong hai năm, suốt thời gian qua, ngoài những giờ ở hiện trường còn là những cuộc họp đột xuất giải quyết các vấn đề phát sinh.
Trước đây, mỗi hạng mục phát sinh, nhà thầu phải có văn bản báo cáo. Sau khi nhận được báo cáo của tư vấn giám sát, ban QLDA sẽ chuyển cho tư vấn thiết kế có ý kiến rồi mới trả lời bằng văn bản. Thời gian có thể kéo dài đến nửa tháng.
"Hiện tại, phát sinh vấn đề gì, các chủ thể liên quan sẽ lập tức cùng ngồi lại để phân tích, chốt ngay phương án giải quyết. Thời gian rút ngắn chỉ còn khoảng 1 - 2 ngày", ông Huy nói.
Tư duy mới tạo bước nhảy vọt mới
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), sau đại công trường cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 khoảng 10 năm về trước, hơn hai năm qua là khoảng thời gian cán bộ, kỹ sư, công nhân giao thông lặp lại lịch sử với những công trường rực sáng trong đêm cùng khí thế lao động "không còn đường lui".
Khối lượng công việc nhiều, tiến độ gấp rút, cách thức thi công cũng buộc phải thay đổi, từ thực hiện theo trình tự, xong toàn bộ nền mới đến lớp móng mặt sang thi công cuốn chiếu, nền xong đến đâu làm móng mặt ngay tới đó.
"Kế hoạch thi công cũng phải xây dựng phù hợp với điều kiện nguồn cung ứng vật liệu, GPMB, điều kiện thời tiết, xóa bỏ tư duy thời gian đầu thảnh thơi, giai đoạn cuối "vắt chân lên cổ", ông Minh nói và cho biết, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đổi mới tư duy triển khai dự án, nhiệm vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước nhảy vọt.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025, có 41 dự án đã được Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư khoảng 111.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.000 tỷ đồng so với nửa nhiệm kỳ trước.
Giai đoạn 2001 - 2010, cả nước đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc (Đà Lạt - Liên Khương dài 19km, Láng - Hòa Lạc dài 30km, TP.HCM - Trung Lương dài 40km), giai đoạn 2011 - 2020 đưa vào khai thác thêm 1.074km. Nhưng chỉ trong nửa nhiệm kỳ qua, gần 600km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác sử dụng, nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729km.
Chỉ trong 3 năm, chiều dài đường cao tốc hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước.
Đột phá cơ chế chuẩn bị đầu tư
60 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 43 dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư, trong đó, 31 dự án đã được khởi công với tổng mức đầu tư 255.000 tỷ đồng. Đó là kết quả thực hiện chỉ trong nửa nhiệm kỳ qua.
"Ngoài khối lượng công việc Bộ GTVT đảm đương trực tiếp, trong nhiệm kỳ này, nhiều dự án giao thông, đặc biệt là đường cao tốc được Chính phủ giao các địa phương là cơ quan chủ quan nhưng Bộ GTVT vẫn phải thực hiện công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn", ông Nguyễn Thế Minh nói và cho biết, nhiệm vụ hết sức nặng nề, song công tác chuẩn bị đầu tư rất thuận lợi với nhiều cơ chế đột phá về thủ tục.
Bước sang nhiệm kỳ này, Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ rất quyết liệt trong huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian đền bù GPMB.
Cũng theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, nếu tất cả các dự án thực hiện theo trình tự của pháp luật về xây dựng hiện hành, tổng thời gian từ khi lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thi công, đền bù GPMB, thi công dự án mất khoảng 4 - 5 năm.
Tuy nhiên, đổi mới về cách làm, trên cơ sở tham mưu của Bộ GTVT, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành loạt cơ chế đặc thù: Cho phép chỉ định thầu, giao mỏ vật liệu cho nhà thầu khai thác trực tiếp phục vụ công trình quốc gia, đặc biệt là triển khai song song các thủ tục.
Đơn cử với công tác GPMB, ngay từ lúc lập dự án đầu tư, ranh mặt bằng đã được xác định bàn giao cho địa phương vào cuộc kiểm đếm, đo đạc, lên phương án bồi thường mặc dù dự án chưa được phê duyệt (thông thường, sau khi dự án được duyệt, địa phương mới vào thực hiện các thủ tục GPMB).
Nhờ đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã lập nên kỳ tích về thời gian chuẩn bị đầu tư. Chỉ sau khoảng 11 tháng, các dự án thành phần đã hoàn thiện thủ tục để khởi công.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 dù thời gian GPMB triển khai từ năm 2019 nhưng có những dự án thành phần đến cuối năm 2022 vẫn vướng mắc hạ tầng kỹ thuật.
Trái ngược, tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, từ lúc Bộ GTVT bắt đầu bàn giao cọc GPMB (tháng 3/2022) đến thời điểm khởi công, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đã đạt 70%. Đến nay, mặt bằng đã được bàn giao xấp xỉ 90%. Không có dự án nào sau khi khởi công 6 tháng, mặt bằng đạt được kết quả như vậy.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng
Tương tự, nhờ cơ chế đặc thù, các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu đều được triển khai rất nhanh, khởi công chỉ sau khoảng 1 năm kể từ lúc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Đề cập đến đột phá trong thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định (Ban QLDA Thăng Long) nhắc tới nhiều cơ chế Chính phủ ủy quyền cho Bộ GTVT phê duyệt các dự án quan trọng quốc gia.
Thông thường, nếu thẩm quyền phê duyệt thuộc về Chính phủ, hội đồng thẩm định sẽ gồm 11 - 12 bộ, ngành. Thời gian thẩm định có thể kéo dài đến nửa năm. Song, khi giao cho Bộ GTVT, công tác thẩm định rút ngắn được 1/3 thời gian, chỉ còn khoảng 2 tháng.
Ông Sơn chia sẻ, thuận lợi nhất ở giai đoạn nay là các dự án quan trọng quốc gia dành được sự quan tâm lớn từ Quốc hội Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng vào cuộc tích cực hơn.
Ban QLDA, nhà thầu, tư vấn thay vì phải lọ mọ tìm hiểu, đưa hồ sơ đến từng cấp thẩm quyền địa phương xin ý kiến để hoàn thiện hồ sơ dự án như trước đây, thời gian qua, thông qua cuộc họp thường kỳ Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp thẩm quyền liên quan vào cuộc quyết liệt ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi.
Việc này không chỉ thuận lợi trong quá trình lấy ý kiến mà chất lượng hồ sơ dự án cũng được nâng cao khi địa phương tham gia phân tích các vị trí khó khăn, giới thiệu mỏ vật liệu.
Công tác khảo sát thiết kế cũng được thay đổi cách thức. Nếu trước đây, giai đoạn tiền khả thi chủ yếu là vạch trên bản đồ, việc đi thực địa không quá chi tiết thì hiện nay, đơn vị tư vấn sẽ phải thực địa, làm việc với địa phương kỹ hơn, kiểm tra tình trạng quy hoạch ở khu vực, nguy cơ sạt lở, địa hình dân cư để hướng tuyến tối ưu nhất, hạn chế việc điều chỉnh ở các bước sau.
"Nói một cách ước lệ, bước nghiên cứu tiền khả thi ở giai đoạn này có thể gần bằng bước nghiên cứu khả thi ở giai đoạn trước", ông Sơn nói.
Thêm cơ chế đặc thù để bứt tốc
Nửa nhiệm kỳ ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, song ông Nguyễn Thế Minh vẫn trăn trở khi công tác GPMB phục vụ thi công các dự án giao thông hiện nay vẫn vướng cơ chế triển khai xây dựng các khu tái định cư.
Ông Minh cho hay, hiện nay vẫn có tình trạng dự án được phê duyệt, địa phương mới đi xác định vị trí tái định cư, lập dự án đầu tư, lựa chọn tư vấn thiết kế, đấu thầu xây dựng. Việc này vừa kéo dài thời gian thực hiện dự án, vừa phát sinh chi phí tạm cư. Vì thế, cần có cơ chế đột phá để các địa phương có kinh phí bố trí khu tái định cư có sẵn.
"Hiện các quy hoạch chuyên ngành đã được Bộ GTVT hoàn thiện, trình duyệt rất sớm, lộ trình triển khai các dự án đều được xây dựng cụ thể. Các địa phương cần nghiên cứu kỹ để có định hướng quy hoạch các khu tái định cư phù hợp", ông Minh nói.
Riêng với mỏ vật liệu phục vụ dự án, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư khẳng định nếu không có cơ chế đặc thù giao mỏ cho nhà thầu khai thác trực tiếp, các dự án sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn vật liệu do các mỏ thương mại chủ yếu khai thác phục vụ công trình địa phương, trữ lượng có nhưng công suất khai thác hạn chế.
Chính sách đặc thù đã có, quy trình rút gọn được ban hành, nhưng khó nhất hiện nay là theo quy định, khu vực mỏ vật liệu không được thu hồi đất. Nhà thầu phải tự đi thỏa thuận với chủ sở hữu dẫn đến việc nâng giá, ép giá, việc hoàn thiện thủ tục đưa mỏ vào khai thác chưa thực sự thuận lợi.
"Giải quyết vấn đề này, cơ chế thu hồi đất mỏ vật liệu cũng cần được xem xét áp dụng với các mỏ sử dụng phục vụ cho dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia", ông minh nêu quan điểm.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT sẽ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư 64 dự án giao thông, tổng vốn đầu tư khoảng 370.000 tỷ đồng, tăng hơn 200.000 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước (165.000 tỷ đồng). Tính đến trung tuần tháng 8/2023, có 60 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 43 dự án trong đó đã được phê duyệt đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận