Rất đông hành khách chọn tàu điện đi làm
Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hà Nội Metro), sau 2 ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác, vận hành (từ 6/11), số lượng hành khách đi tàu đạt 79.801 lượt.
Ngày đầu tiên có 109 lượt đoàn tàu, chở 25.680 lượt khách; ngày thứ hai có 141 lượt đoàn tàu, chở 54.121 lượt. Ngày thứ 2 tăng gấp đôi so với ngày đầu tiên, trung bình đạt 383 khách/đoàn tàu, bằng gần 40% công suất chở khách của mỗi đoàn tàu (960 khách).
Từ ngày 6 - 20/11, tàu Cát Linh - Hà Đông chở khách miễn phí để quảng bá cũng như tạo cơ hội để người dân tham quan, trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước. Để phục vụ khách tốt hơn, từ hôm nay (8/11), hành khách đi tàu từ ga Cát Linh được gửi xe máy, xe đạp miễn phí trong 1 tuần.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong giờ cao điểm sáng 8/11, ngày đầu tuần đi làm có khá đông hành khách lựa chọn tàu điện để đi làm. Chị Phạm Thị Giang, một nhân viên công ty logistics cho biết, sau lần đi thử đường sắt đô thị, chị đã quyết định lựa chọn phương tiện này để di chuyển đến chỗ làm đầu đường La Thành hàng ngày.
“Tôi ở chung cư CT2 ngay sau BX Yên Nghĩa, để đi tàu Cát Linh - Hà Đông, tôi sẽ đi xe cá nhân ra bến xe gửi với phí 5.000 đồng/ngày. Thông thường, đi xe máy trong giờ cao điểm, thời gian đến chỗ làm là 45 phút nhưng đi tàu trên ca chỉ mất gần 30 phút (tính cả thời gian gửi xe)”, chị Giang chia sẻ.
Trong ngày thứ hai vận hành, trung bình mỗi đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chở 383 khách, gần bằng 40% công suất thiết kế
Ngày đầu tuần, anh Hùng, một nhân viên marketing làm việc tại đường Thái Hà cũng lựa chọn tàu đường sắt đô thị trên cao làm phương tiện di chuyển. "Quá trình đi thử trước đó cho thấy thời gian di chuyển từ ga Hà Đông đến ga Thái Hà, gần chỗ làm của tôi chỉ còn 10 phút so với 20 phút trước đây. Quãng đường từ nhà ra ga cũng chỉ mất 5 phút đi bộ, khá tiện lợi", người dân này chia sẻ.
Anh Ngô Long Hải dù có nơi làm việc ở tận đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội (cách ga Cát Linh gần 3km), song, vẫn quyết định đi từ nhà cạnh ga La Khê đến ga Cát Linh và tiếp tục bắt xe ôm đến chỗ làm. Nếu chi phí hợp lý tôi sẽ đi tàu trên cao thường xuyên để tiết kiệm thời gian đi lại thay vì chật vật đi ô tô mất hàng tiếng đồng hồ trong giờ cao điểm như mọi khi", anh Hải nói.
Mỗi đoàn tàu chỉ chở không quá 50% công suất
Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông, để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, tại các ga tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bố trí dung dịch sát khuẩn, khẩu trang miễn phí, đo thân nhiệt hành khách và yêu cầu khách khai báo y tế điện tử hoặc ghi giấy. 100% khách đi tàu, nhân viên nhà ga đều đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, nhiều thời điểm ở các ga, đặc biệt là ga đầu tuyến Cát Linh và Yên Nghĩa, thường xuyên tập trung vài trăm người đợi tàu, hầu hết các chuyến tàu đều có trên dưới 300 người… gây lo ngại về không đảm bảo quy định về phòng chống Covid-19.
Liên quan vấn đề trên, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hà Nội Metro cho biết, việc phòng chống Covid-19 trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT về phòng, chống dịch trong lĩnh vực GTVT.
Hành khách lên tàu được đo kiểm tra thân nhiệt để phòng dịch Covid-19
“Mỗi đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có sức chở tối đa theo thiết kế là 960 người. Trong hai ngày đầu khai thác trùng vào ngày nghỉ, khách được đi tàu miễn phí nên đông đảo người dân đi tham quan, trải nghiệm đoàn tàu. Tuy vậy, lượng khách thực tế được chở trên tàu đều không vượt quá 50% nên không vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 hiện hành”, ông Trường cho biết, song cũng khuyến nghị người dân hạn chế đi tàu vào giờ cao điểm để phòng dịch.
Để phòng dịch Covid-19 tốt hơn, từ 8/11, Hà Nội Metro cũng phối hợp với lực lượng công an điều tiết, giãn sự tập trung đông người ở tầng 1 và tầng 2 các ga; bố trí các đường dẫn để hành khách đi, chờ đợi theo hàng. Tại các nhà ga cũng được bố trí phòng cách ly y tế tạm thời nhằm cách ly trường hợp hành khách có biểu hiện triệu chứng nhiễm dịch Covid-19 (như ho, sốt,khó thở...).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận