Liên quan đến vấn đề đảm bảo ATGT cho trẻ em, TS Trần Hữu Minh, Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, thực tế vẫn có nhiều lỗ hổng trong quy định.
Việc chưa có quy định trẻ em đi ô tô phải sử dụng thiết bị an toàn được cho là lỗ hổng trong đảm bảo ATGT cho trẻ
Theo TS Minh, hiện nay đường quốc lộ tốt hơn, nhiều cao tốc hơn, tốc độ xe tham gia giao thông cao hơn và ngày càng nhiều trẻ em được chở bằng ô tô, nhưng dây an toàn lại mới chỉ được thiết kế cho người trưởng thành.
Trước thực trạng đó, để bảo đảm an toàn cho trẻ trên xe ô tô, rất nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định trẻ từ dưới 10 tuổi (khuyến cáo tối thiểu) đến dưới 12 tuổi (khuyến cáo tốt nhất) phải dùng các thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô bao gồm: nôi (cho bé từ 1-2 tuổi), ghế (cho bé từ 2-6 tuổi) và đệm nâng (cho bé từ 6-12 tuổi).
Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định về điều này, phần lớn người dân sử dụng các thiết bị trên đều là tự phát.
Theo ông Minh, chỉ khi có quy định trẻ dưới 12 tuổi phải sử dụng thiết bị an toàn mới đủ căn cứ ban hành tiêu chuẩn thiết bị, tiêu chuẩn xe, quy định xử phạt và tổ chức tuyên truyền cũng như cưỡng chế thực thi.
“Như vậy, để có thể thay đổi tiêu chuẩn xe, áp dụng chế tài xử phạt,… hoàn toàn phụ thuộc vào chế định với thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô mà hiện nay còn đang là khoảng trống. Vì không có quy định cụ thể thì các cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt người tham gia giao thông. Do đó, chúng ta có thể sửa đổi bổ sung các luật, nghị định, thông tư để lấp đầy khoảng trống đó một cách sớm nhất”, ông Minh nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất cần luật hoá quy định về thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em tại Việt Nam và phải có quy định cụ thể về chiều cao và tuổi của trẻ em là dưới 10 tuổi hoặc dưới 135cm theo khuyến nghị, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô tăng nhanh tại Việt Nam.
Để làm được, cơ quan quản lý cần tăng cường truyền thông, giới thiệu thiết bị an toàn là thiết bị rất cần thiết để bảo vệ trẻ em trên ô tô. Cùng với đó nghiên cứu để đưa ra quy định, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm phù hợp với Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chất lượng các sản phẩm thiết bị an toàn trên thị trường, nâng cao nhận thức và nhận diện các sảnn phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Bởi thực tế, hiện nay nhiều sản phẩm thiết bị an toàn cho trẻ em khi đi ô tô không có tiêu chuẩn kỹ thuật đang bày bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử (tiếp cận số lượng rất lớn khách hàng là người trẻ).
Tại Điểm m, Khoản 1, Điều 51 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định: Có ghế ngồi, giường nằm, dây đai an toàn, cơ cấu neo giữ dây đai an toàn phù hợp quy định; có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ô tô con trong tài liệu hướng dẫn sử dụng;
Ngoài ra, tại Điều 83 cũng quy định: Xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài (tại Điểm b, Khoản 2) và quy định: Riêng trường hợp sử dụng xe ô tô có sức chứa trên 09 chỗ (bao gồm cả người lái xe): để đưa đón học sinh mầm non (từ 03 đến 06 tuổi), mỗi xe ô tô phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý; để đưa đón học sinh mầm non dưới 03 tuổi, mỗi học sinh phải bố trí 01 người quản lý, trường hợp phương tiện có thiết kế ghế chuyên dụng cho trẻ em thì mỗi xe phải bố trí tối thiểu 3 người quản lý (tại Khoản 6).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận