Theo trạng Taste of Home, nồi nấu chậm là một thiết bị điện giúp đun sôi thức ăn ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài.
Do phương pháp nấu trong thời gian dài này, nồi nấu chậm rất phù hợp để làm mềm những miếng thịt lớn, làm món hầm.
Nhưng đó không phải là tất cả những gì nó có thể làm. Nồi nấu chậm cũng là sự lựa chọn hàng đầu của người nấu tại nhà cho các món súp và sườn, cùng với nước chấm, đồ uống và bánh mì.
Ngoài tính linh hoạt, nồi nấu chậm còn có nhiều lợi ích khác, như khả năng nấu chín đều thức ăn mà không cần dùng tay để đảo thức ăn.
Nồi nấu chậm có nhiều ưu điểm hay nhược điểm?
Tránh sản sinh ra các chất có hại: Nhiệt độ nấu chậm ở nhiệt độ thấp thường chỉ từ 50-80 độ C, do đó không cần phải lo lắng về việc tạo ra chất gây ung thư; đồng thời, hầu như không có khói nấu ăn, tránh được tác động của khói bụi đến sức khỏe đường hô hấp.
Không cần đứng 1 chỗ khi nấu nướng: Nấu chậm ở nhiệt độ thấp có thể cho phép bạn hẹn giờ, nên bạn không phải lo kiểm soát nhiệt, khó bị cháy, kể cả nấu quá giờ cũng sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng món ăn. Và nấu chậm ở nhiệt độ thấp đủ ổn định để đảm bảo hương vị đồng nhất.
Thức ăn mềm và ngon ngọt hơn: Công nghệ hiện tại có thể kiểm soát chính xác nhiệt độ và thời gian nấu ở nhiệt độ thấp, nhờ đó thức ăn được làm nóng đều và mọi phần đều có thể đạt đến cùng nhiệt độ, từ đó đạt được hiệu quả tốt hơn các phương pháp nấu ăn truyền thống, đặc biệt là khi nấu những miếng thịt lớn.
Có thể bảo quản thực phẩm tốt hơn: Nấu chậm ở nhiệt độ thấp cũng có thể được sử dụng để bảo quản thực phẩm, thực phẩm được bảo quản theo cách này sẽ không dễ bị mất hương vị và kết cấu sau khi hâm nóng.
Nếu bảo quản bằng phương pháp thông thường, quá trình oxy hóa mỡ cá sẽ có mùi tanh; myoglobin trong thịt đỏ tươi sẽ bị oxy hóa và chuyển sang màu nâu; các lát trái cây sẽ bị oxy hóa và chuyển sang màu nâu, nhưng nấu chậm ở nhiệt độ thấp có thể tránh được tất cả những điều này.
Mặc dù nấu chậm có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm.
Thời gian nấu lâu: Thông thường, việc chiên hoặc luộc ức gà có thể thực hiện trong vòng 10 đến 15 phút, nếu sử dụng phương pháp nấu chậm thì có thể mất 2 giờ.
Có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc mất chất: Việc nấu chậm ở nhiệt độ thấp không đủ thời gian có thể khiến thực phẩm không được tiêu diệt hoàn toàn vi rút, vi khuẩn hoặc làm thực phẩm chưa chín kĩ.
Do nấu chậm cũng giữ lại rất nhiều hơi nước bên trong nồi, do đó, việc không vệ sinh cẩn thận nồi sau mỗi lần nấu có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.
Ngoài ra, có một số thực phẩm không được đun nóng đến nhiệt độ hoặc thời gian đủ có thể gây ngộ độc nên không nên nấu chậm ở nhiệt độ thấp.
Những thực phẩm không nên chế biến bằng nồi nấu chậm
1. Thịt cá
Bạn nên tránh dùng nồi nấu chậm để nấu cá, đây là cách nấu ăn không được khuyến khích!
Đầu bếp Clare Langan trên tạp chí New York Times đã chia sẻ rằng: "Dùng nồi nấu chậm là một ý kiến hay cho những món om hoặc những món ăn có chứa một ít chất lỏng khi nấu trong nồi.
Cá và thịt gia cầm (thịt trắng) sẽ có thể bị mất đi một lượng protein đáng kể khi nấu trong nồi nấu chậm. Thay vào đó, đối với những thực phẩm này, bạn nên chế biến bằng chảo hoặc dùng lò nướng là tốt nhất".
2. Ức gà
Tương tự với thịt cá, bạn cũng không nên nấu ức gà trong nồi nấu chậm. Vì phần ức gà chỉ toàn là thịt và chứa rất ít mỡ, nên khi nấu trong nồi hầm, phần thịt ức gà sẽ nhanh chóng bị khô và mang lại cảm giác ăn không ngon.
Thay vào đó, bạn có thể dùng nồi nấu chậm để hầm xương gà thì rất tuyệt!
3. Rau xanh
Đừng bao giờ nghĩ việc dùng nồi nấu chậm có thể hầm các loại rau xanh bởi việc này sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng có trong rau, nhất là hàm lượng vitamin đáng kể. Bình thường, khi chế biến rau xanh bằng nồi hoặc chảo ở nhiệt độ thấp thì màu sắc tươi của chúng có thể bị biến đổi do thời lượng chế biến lâu.
Vì thế, nếu sử dụng nồi nấu chậm để hầm các loại rau xanh cùng với thịt, thì dễ làm mất đi chất dinh dưỡng và màu sắc của chúng. Thay vào đó, bạn hãy cho rau xanh vào vài phút sau trước khi món ăn được hoàn thành.
Ví dụ bạn nấu món thịt bò có hầm chung với đậu Hà Lan, đậu xanh hoặc măng tây, thì hãy thêm các rau quả hạt này 10 phút cuối trước khi món ăn được nấu chín, để bảo vệ màu sắc tươi và hàm lượng chất dinh dưỡng.
4. Phô mai
Phô mai cũng như các sản phẩm làm từ sữa, không nên nấu trong nồi nấu chậm. Vì nấu phô mai ở nhiệt độ quá lâu trong nồi hầm sẽ làm phá vỡ đi phân tử của lớp váng sữa và khiến cho phô mai dễ bị vón cục. Thậm chí, kết quả của món ăn có nấu phô mai, là chúng có thể biến thành dầu mỡ và có vị không ngon.
Thay vào đó, hãy khuấy phô mai và cho phô mai vào nồi nấu chậm trước 10 phút khi món ăn hoàn thành.
5. Các loại pasta (mì ống)
Khi luộc mì ý hoặc các loại mì ống để làm món Pasta, bạn cần luộc chúng trong nồi nước đun sôi có pha chút muối. Cách làm này sẽ giúp bạn kiểm soát được độ chín của mì.
Tuy nhiên, nếu dùng nồi nấu chậm, thì bạn khó lòng biết được mì ống có chín hay chưa? Thậm chí nấu với thời lượng quá lâu, thì sợi mì sẽ thành đống chất keo do tinh bột bị nhão ra.
6. Thảo mộc tươi
Giống như rau xanh, các loại thảo mộc tươi cũng không nên nấu trong nồi nấu chậm. Vì màu sắc của các loại rau thảo mộc sẽ mất đi, thậm chí làm giảm đi lượng tinh chất và các chất dinh dưỡng khác vốn có trong thảo mộc.
Bạn chỉ nên xào hoặc rắc các loại rau thảo mộc này lên món ăn, chứ không nên chế biến với thời lượng lâu bằng nồi hầm.
7. Bít tết
Nồi nấu chậm là một dụng cụ để làm cho thịt bò trở nên mềm hơn mà vẫn giữ được hương vị và chất lượng của thịt. Tuy nhiên, đối với những phần thịt làm bit-tết, bạn không nên dùng nồi nấu chậm.
Thay vào đó, hãy dùng chảo để làm bit-tết theo mức độ chín mà bạn mong muốn, như 50% chín, hoặc 30% chín cùng với việc thưởng thức rượu vang nhé!
8. Rượu
Với một số công thức nấu ăn, cần có rượu để làm tăng hương vị. Bạn chỉ nên dùng rượu khi chế biến món ăn trên chảo hoặc nồi được nấu ngay trên bếp, chứ không nên dùng nồi nấu chậm.
Vì rượu rất dễ bị bay hơi, nếu được nấu trong nồi hầm có nắp đậy quá kín (để duy trì nhiệt độ), thì món ăn của bạn sẽ có mùi nồng nặc rượu, nhất là rượu sẽ tạo vị đắng cho món ăn.
9. Thực phẩm đông lạnh
Thực phẩm đông lạnh cần được rã đông và tránh để lại nước quá nhiều, trước khi cho vào nồi nấu chậm để làm chín.
Vì nếu bạn cho thực phẩm đông lạnh trực tiếp vào nồi hầm, thì phần nước từ thực phẩm đông lạnh sẽ tan ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng món ăn cũng như làm giảm đi chất dinh dưỡng vốn có trong thực phẩm khi bị thay đổi nhiệt độ quá đột ngột.
10. Các loại hạt đậu
Một số loại đậu cần được hầm lâu, để mang lại giá trị dinh dưỡng cho người ăn. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc một số loại đậu cần được sơ chế hoặc xử lý để làm giảm độc tố (có trong đậu) trước khi hầm chúng trong nồi nấu chậm.
Ví dụ: đậu thận có chứa độc tố, bạn cần nấu chúng trong nồi có mở nắp để hơi độc được bay theo hơi nước ra bên ngoài. Hoặc bạn cần ngâm đậu trong 12 giờ, rồi nấu sôi trong nồi nước khoảng 10 phút trước khi hầm trong nồi nấu chậm.
Lưu ý: Với những loại thực phẩm trên, bạn vẫn có thể chế biến trong nồi nấu chậm. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo công thức món ăn khi chế biến, nhất là thời lượng nấu và thời gian khi cho các nguyên liệu này vào món ăn trước khi hoàn thành.
Nguồn và ảnh: Taste of Home, QQ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận