Bóng đá

Nhiều ông lớn bóng đá ngấm đòn Covid-19

01/05/2022, 08:01

Nhiều CLB bóng đá lớn tại châu Âu đang phải chịu những khoản thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm nhiệt và được coi là một căn bệnh cúm mùa tại nhiều nước. Nhưng lúc này, các CLB bóng đá hàng đầu mới ngấm đòn với các khoản lỗ lớn.

img

Arsenal là đội bóng đầu tiên ở châu Âu công bố khoản lỗ trong năm 2021

Khủng hoảng hậu Covid-19

Đầu tháng 3, CLB Arsenal (Anh) công bố khoản lỗ kỷ lục 107,5 triệu bảng trong năm tài chính 2021. Theo tính toán của đội chủ sân Emirates, khoảng 80% trong số này tới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Năm 2020, Arsenal cũng lỗ 52 triệu bảng do dịch bệnh.

Mùa giải 2020-2021, phần lớn các trận đấu trên sân nhà của đội diễn ra sau cánh cửa đóng kín. Doanh thu từ bán vé và các dịch vụ khác chỉ là con số không tròn trĩnh.

Đương nhiên, Arsenal không phải đội bóng duy nhất chịu tác động của đại dịch. Theo báo cáo tài chính mới nhất của MU, khoản nợ của đội bóng này tăng 16% lên 455,5 triệu bảng trong năm 2021. Lý do là doanh thu ngày thi đấu của họ giảm xuống chỉ còn 1,5 triệu bảng trong các tháng 10, 11 và 12/2020, giảm 95,5% so với cùng kỳ 2019 - mức 33,1 triệu bảng.

Năm tài chính 2020, theo Dailymail, MU lỗ 118 triệu bảng, gấp đôi Arsenal. Con số năm 2021 chưa được công bố nhưng chắc chắn nó sẽ tăng lên đáng kể. “Đó giống như cú sốc lớn nhất mà ngành công nghiệp bóng đá từng phải đối mặt”, Ed Woodward, Phó chủ tịch điều hành MU mô tả về giai đoạn vừa qua.

Những đội bóng lớn khác ở Ngoại hạng Anh như Tottenham, Man City, Liverpool, Chelsea cũng chẳng thể nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng tài chính.

Ông Tim Bridge, Giám đốc Tập đoàn tài chính thể thao Deloitte nói với Sky Sports, Ngoại hạng Anh là giải đấu tạo ra doanh thu cao nhất và sẽ không có gì ngạc nhiên khi nơi đây bị tác động lớn nhất bởi dịch bệnh.

“Ngay cả khi người hâm mộ quay trở lại các sân vận động từ đầu mùa giải 2021-2022, Ngoại hạng Anh vẫn sẽ thất thoát khoảng 1,6 tỷ euro (tương đương 1,45 tỷ bảng). Bundesliga thấp hơn với khoảng 950 triệu euro (803 triệu bảng), La Liga mất khoảng 850 triệu euro (718 triệu bảng) và Serie A là 600 triệu euro (500 triệu bảng)”, Tim Bridge thông tin.

So với mức lỗ của những đội bóng Anh, con số mà CLB Barcelona (Tây Ban Nha) gánh chịu trong năm tài chính 2021 cao hơn rất nhiều, lên tới 409 triệu bảng. Riêng doanh thu của đại diện La Liga giảm gần 30%. Real Madrid nằm trong số ít những đội bóng lớn tại châu Âu không thua lỗ nhưng doanh thu cũng chỉ đạt mức rất khiêm tốn với 313 nghìn euro.

Bayern Munich, đội bóng hùng mạnh nhất nước Đức cũng ghi nhận đã mất khoảng 150 triệu euro do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Theo một nghiên cứu của UEFA, khoản lỗ của các CLB châu Âu tích lũy từ năm 2019-2020 đến 2020-2021 sẽ rơi vào khoảng hơn 5 tỷ bảng. Tuy nhiên, mức độ thua lỗ của mỗi CLB không giống nhau. Ví dụ như MU thua lỗ 118 triệu bảng năm 2020 trong khi Everton chỉ thua lỗ 2 triệu bảng.

“Điều này không khó lý giải bởi CLB lớn thường có bộ máy cơ hữu đông đảo và họ phải bỏ rất nhiều tiền để trả lương cho cầu thủ ngôi sao. Khi doanh thu sụt giảm còn số tiền chi ra vẫn cần đảm bảo, thua lỗ là đương nhiên”, ông Tim Bridge đánh giá.

Cấu trúc bóng đá thay đổi?

img

Nhiều CLB hàng đầu châu Âu muốn thành lập Super League để phân chia lại lợi ích

Để đối phó với việc thua lỗ, Arsenal thông báo tăng giá vé vào sân từ mùa giải 2022-2023. Theo đó, tất cả các loại vé đều tăng 4% so với mùa 2021-2022. Cách làm này dễ đem về nguồn thu cho đội bóng. Tuy nhiên, con số mang lại sẽ không lớn, ước tính chỉ 3,8 triệu bảng/mùa. Đây có thể cũng là lý do nhiều ông lớn khác không nghĩ tới việc “móc” thêm tiền từ túi người hâm mộ.

“Trong suốt thập kỷ trước cuộc khủng hoảng do Covid-19, bóng đá châu Âu đã có mức tăng doanh thu rất đáng kể (doanh thu trung bình hàng năm tăng 8,2% trong 20 năm).

Trong 5 giải vô địch lớn của châu Âu, giá trị bản quyền phát sóng tăng lên theo từng lần gọi thầu. Bản quyền truyền hình cũng chiếm phần lớn nhất trong doanh thu của câu lạc bộ. Các khoản thu khác như tài trợ hay bán vé tăng trưởng nhưng không nhiều”, Giáo sư Franck Bancel, Trường doanh nhân ESCP thông tin.

Theo ông, nghịch lý là sự tăng trưởng doanh thu trên không dẫn đến sự cải thiện đáng kể trong hoạt động tài chính của các CLB: “Họ phải quản lý rủi ro liên quan đến thể thao. Nói cách khác, nếu muốn duy trì doanh thu, một đội bóng phải đảm bảo tính cạnh tranh và đảm bảo không bị xuống chơi ở hạng đấu thấp hơn.

Chi phí cho tuyển dụng những cầu thủ giỏi, trả lương cũng buộc phải tăng. Ít nhất trong ngắn hạn, các khoản thu mới sẽ không bù đắp được chi phí. Trong cuộc chạy đua mà các CLB tạo ra, cầu thủ và người đại diện chiếm phần lớn thu nhập của bóng đá”.

Tuy nhiên, tờ WorldEconomic cho rằng, có một số đội bóng quản trị rất tốt và không bị cuốn vào vòng xoáy đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng. “Nhiều đội bóng tập trung cho công tác đào tạo trẻ, mua cầu thủ trẻ tiềm năng và bồi dưỡng trước khi bán đi với giá cao. Cách làm này giúp đội bóng kéo giảm chi phí, tạo ra sức khỏe tài chính lành mạnh”.

WorldEconomic nhận định, ít nhất trong tương lai ngắn, bóng đá thế giới, đặc biệt là bóng đá châu Âu - nơi vốn được coi như mỏ vàng sẽ có chuyển biến. Chắc chắn không còn những bản hợp đồng với giá trên trời. Kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua không chứng kiến nhiều thương vụ bom tấn, số lượng cũng giảm đáng kể. Các CLB đã chú trọng nhiều hơn vào nguồn cầu thủ tại chỗ do mình đào tạo.

Về mặt thượng tầng, bóng đá hiện tại được xây dựng theo hình tháp. FIFA là đỉnh tháp, phía dưới là các liên đoàn châu lục rồi các liên đoàn quốc gia. Nghịch lý của cơ cấu quản trị này là mọi thành tố sẽ hợp tác nhưng cũng cạnh tranh với nhau.

Ví dụ, việc UEFA phát triển Champions League có thể làm phương hại đến các giải vô địch quốc gia. Quan trọng hơn, bóng đá đã và đang cho thấy dấu hiệu bị bão hòa, không còn khả năng phát triển.

Theo Giáo sư Franck Bancel, nỗ lực gần đây của các đội bóng lớn nhằm tạo ra một giải đấu khép kín (European Super League) phản ánh mong muốn của một số CLB châu Âu trong việc phân chia quyền lực và lợi nhuận.

Đây là hướng đi phù hợp để tạo động lực phát triển cho bóng đá nhưng nó sẽ đặt ra thách thức với hệ thống vốn đã ăn vào gốc rễ hàng trăm năm nay. Cũng vì thế, UEFA, các Chính phủ, các hệ sinh thái bóng đá khác đều phản đối.

Mặc dù vậy, ông cũng tin rằng, việc thay đổi cách thức quản lý bóng đá là điều tất yếu trong tương lai.

Theo thống kê của Footballbenchmark, 8 nhà vô địch tại 8 giải đấu hàng đầu châu Âu chỉ duy nhất Bayern Munich (Đức) không bị âm tài chính. Còn lại, Man City (Anh), Atletico Madird (Tây Ban Nha), Inter Milan (Italia), Lille (Pháp), Besiktas (Thổ Nhĩ Kỳ), Ajax (Hà Lan) và Sporting Lisbon (Bồ Đào Nha) đều phải chịu những khoản thâm hụt khác nhau trong năm 2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.