Hiện trường vụ tai nạn xảy ra tối 6/11 trên cầu Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ làm 2 bà cháu tử vong tại chỗ. Ảnh Lê An
Ban ATGT một số tỉnh thành ĐBSCL cho biết, 5 năm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016 – 2020, tình hình TNGT trên địa bàn có chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí.
Cụ thể, thống kê từ Ban ATGT tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn này toàn tỉnh xảy ra 1.179 vụ TNGT, làm chết 623 người, bị thương 1.044 người; so với thời gian trước liền kề giảm 993 vụ (giảm 45%), giảm 15 người chết (giảm 2%), giảm 1.774 người bị thương (62%). Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 1.166 vụ, làm chết 612 người, bị thương 1.044 người.
Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, TNGT cũng được kéo giảm qua các năm. Cụ thể, năm 2016 địa phương xảy ra 135 vụ TNGT, làm chết 78 người, bị thương 148 người thì đến năm 2019 chỉ xảy ra 73 vụ, làm chết 53 người, bị thương 10 người. Riêng 10 tháng năm 2020, xảy ra 39 vụ, làm chết 33, bị thương 21 người.
Tương tự, trong trong 5 năm qua, TNGT trên địa bàn tỉnh An Giang cũng được kéo giảm, trong đó số người chết hàng năm giảm trên 5%, đặc biệt năm 2019 số người chết giảm trên 26% so với cùng kỳ.
Riêng TP Cần Thơ, tính từ ngày 15/12/2016 đến 14/10/2020, địa phương xảy ra 435 vụ, làm chết 455 người, bị thương 153 người; tăng 18 vụ (tăng 4%), tăng 10 người chết (tăng 2%) so với cùng kỳ.
Bên cạnh những mặt tích cực, Ban ATGT các địa phương nhìn nhận, tình hình TNGT mặc dù được kéo giảm, nhưng diễn biến vẫn còn phức tạp, chưa bền vững thậm chí tiềm ẩn nguy cơ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như tỉnh An Giang, trong 7 tháng đầu năm 2020, TNGT lại tăng hơn 90% so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác kiểm tra, đôn đốc, thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT của một số Ban ATGT địa phương chưa được quan tâm thường xuyên, chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành, vẫn còn tư tưởng giao khoán cho lực lượng chức năng.
Mặt khác, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trực tiếp đến người dân không được tổ chức do giãn cách xã hội, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cạnh đó, thống kê từ ngành chức năng, phương tiện gây tai nạn chủ yếu là mô tô. Từ đó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về giao thông ở một số người điều khiển mô tô, xe máy vẫn còn rất hạn chế.
Mặt khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân hạn chế ra đường và giao thông trên các tuyến đường khá thông thoáng, song việc đó khiến nhiều người tham gia giao thông chủ quan cho rằng không có lực lượng CSGT tuần tra trên đường nên chạy xe quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, đi không đúng phần đường... dẫn đến TNGT.
Ngoài ra, Ban ATGT các địa phương cũng đánh giá, thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự ATGT vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế như, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến trật tự ATGT nhưng xử lý vẫn còn chưa triệt để.
Tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm quy định Luật Giao thông như sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu,.. vẫn còn diễn ra… Những điều này khiến nguy cơ TNGT vẫn thường trực ở nhiều địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận