Ngày 14/10, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, hiện đơn vị và các quận, huyện đang rà soát để sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng sau đợt triều cường kỷ lục vừa qua.
Một điểm hư hỏng ở đầu đường Trương Vĩnh Nguyên (quận Cái Răng).
Trước đó, trong những ngày qua, đỉnh triều lịch sử ở Cần Thơ đạt mức 2,27m, cao hơn báo động 3 là 0,27m và vượt mức lịch sử năm 2019. Rất nhiều tuyến đường ở Cần Thơ bị ngập nặng, nơi ngập sâu nhất là khoảng 0,5m.
Ghi nhận của PV cho thấy, do mưa lớn kéo dài liên tiếp nhiều ngày, cùng với triều cường dâng khiến nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Điển hình như đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (huyện Phong Điền), đường Trương Vĩnh Nguyên (quận Cái Răng)…
Theo ông Khoa, đối với những tuyến đường do Sở quản lý, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, sửa chữa, đảm bảo ATGT cho người dân. Còn đối với những tuyến đường do Bộ GTVT quản lý, Sở sẽ kiến nghị sửa chữa, sau khi có báo cáo rà soát từ các quận, huyện.
Còn tại Vĩnh Long, đợt triều cường vừa qua đã làm ngập 529 căn nhà, 2 chợ và 1 trụ sở UBND xã. Hơn 20km đường giao thông thuộc tuyến Trung ương và tuyến tỉnh bị ngập, tràn. Có 35 tuyến đê bao với tổng chiều dài 33,76km bị ngập và 25 đoạn đê bao bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 625m…
Thi công sửa chữa đường Nguyễn Văn Cừ nối dài sau triều cường.
Triều cường còn làm thiệt hại nặng ở 3 huyện của tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể, diện tích lúa thu đông bị ngập 250ha; diện tích rau, màu bị ngập 93,2ha; diện tích vườn cây ăn trái bị ngập 148,4ha…
Triều cường dâng cao còn làm ngập tràn 1 ao nuôi ba ba và 68 ao nuôi cá của người dân ước tính hơn 500 triệu đồng… Ước tính thiệt hại về lúa, hoa màu và thủy sản hơn 2 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức phòng, chống triều cường.
Phân công cán bộ bám địa bàn xung yếu để hỗ trợ khắc phục; huy động lực lượng, vật tư tại chỗ tu sửa kịp thời các công trình bị hư hỏng; các công trình hư hỏng lớn như cống, đập, các tuyến ven sông lớn chủ yếu sử dụng cơ giới, phần còn lại huy động nhân dân thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, đối với ngập đường bê tông, bờ bao, địa phương cũng khẩn trương tu sửa kịp thời, bảo đảm lưu thông. Đối các đường bê tông bị tràn, chủ yếu sử dụng bao tải đất tấn mé chống tràn cơ bản xong những đoạn thấp, chưa thể tôn cao cốt nền….
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận