Hạ tầng

Nhiều tuyến đường thủy phía Nam bị hạn chế, tàu thuyền lưu thông thế nào?

24/11/2021, 17:08

Trên một số tuyến đường thủy chính như sông Sài Gòn, Rạch Giá Hà Tiên, Cần Thơ… đang có các công trình xây dựng, luồng đường thủy bị hạn chế.

Ngày 24/11, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam cho biết, hiện một số tuyến vận tải đường thủy quốc gia phía Nam đang có các công trình kè, cầu, đập ngăn mặn đang thi công, gây hạn chế luồng đường thủy và ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông.

img

Sông Sài Gòn đoạn qua TP.HCM - Ảnh internet

Ngày 24/11, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam cho biết, hiện một số tuyến vận tải đường thủy quốc gia phía Nam đang có các công trình kè, cầu, đập ngăn mặn đang thi công, gây hạn chế luồng đường thủy và ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông.

Các công trình đều triển khai phương án đảm bảo ATGT thủy tại hiện trường, tùy theo mức độ ảnh hưởng đến giao thông có thể được bố trí lực lượng thường trực điều tiết giao thông hoặc chỉ bố trí báo hiệu đường thủy tại hiện trường. Các phương tiện thủy khi lưu thông đến khu vực có công trình, cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông tại hiện trường và chấp hành báo hiệu, quy tắc đi lại để bảm bảo ATGT thủy và thi công công trình.

Cụ thể, trên rạch Cần Thơ đoạn từ Km 09+050 đến Km 10+300 bên phía bờ trái của rạch, thuộc địa phận phường Lê Bình và Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, khu vực thi công có lực lượng điều tiết giao thông và báo hiệu thủy. Còn tại Km 05+770 cầu Trần Hoàng Na, cầu Vàm Xáng tại Km 15+500 chỉ bố trí báo hiệu để phương tiện thủy nhận biết, chú ý khi lưu thông qua.

Trên sông Sài Gòn, dự kiến đến hết 31/12, giao thông thủy qua quận Bình Thạnh (TP.HCM), đoạn từ ngã 3 sông Sài Gòn - hạ lưu kênh Thanh Đa về phía thượng lưu khoảng 2,7km bị hạn chế do thi công công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa. Khu vực này được bố trí 5 phao giới hạn vùng nước, có gắn đèn tín hiệu ban đêm để các phương tiện nhận biết, lưu thông. Tại địa phận Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đoạn Km 43+200 - Km 43+650 và Km 54+400 - Km 55+800 bờ trái sông Sài Gòn cũng đang thi công kè, gây ảnh hưởng giao thông thủy.

Trên kênh Ông Hiển Tà Niên đang thi công cống ngăn mặn Vàm Bà Lịch tại Km 0+420 - Km 0+500, có bố trí báo hiệu và lực lượng điều tiết giao thông thủy. Còn tuyến kênh Tân Bằng Cán Gáo: từ Km 0 - Km 10 đang thi công nạo vét luồng để đảm bảo giao thông thủy và có lực lượng điều tiết giao thông và báo hiệu để phục vụ đi lại trong thời gian thi công. Trong khi đó, kênh Rạch Giá Hà Tiên tại Km 65+950 hiện đang đắp đập ngăn mặn nên ngăn luồng đường thủy, phương tiện không thể lưu thông qua vị trí này.

“Tại các khu vực thi công được bố trí hệ thống báo hiệu hạn chế giao thông đường thủy hoặc lực lượng trực điều tiết, khống chế hướng dẫn phương tiện thủy qua lại. Các phương tiện thủy khi lưu thông đến khu vực trên phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết đảm bảo giao thông và báo hiệu để đảm bảo ATGT đường thủy”, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam cho biết.

Cũng theo Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, trên đường thủy quốc gia phía Nam trong tháng 11/2021 xuất hiện một số vị trí chướng ngại vật nguy hiểm cho phương tiện thủy. Khi lưu thông qua các vị trí trên, người điều khiển phương tiện cần chú ý tuân thủ báo hiệu đường thủy để đảm bảo ATGT.

Cụ thể: tại Km 06+500 nhánh cù lao Bạch Đằng - trên sông Đồng Nai có bãi đá từ bờ phải ra mép luồng. Đây là khúc cong nguy hiểm, các phương tiện cần đi theo luồng lệch về phía bờ trái theo 3 phao dẫn luồng thả tại hiện trường.

Tại Km 55+440 phía bờ trái kênh Rạch Giá Long Xuyên có gốc cây nằm cách mép bờ tự nhiên khoảng 12m (cách mặt nước lúc đo 0,7m) hiện mới có báo hiệu chướng ngại vật tạm, chờ thanh thải.

Còn tại Km 4+340 - Km 4+480 kênh Rạch Sỏi Hậu Giang đang tồn tại sàn, cọc bê tông có kích thước (9mx5,8m, có thả phao) chưa được thanh thải.

Tương tự, sông Bảy Hạp tại Km 0+750 và Km 0+650 bờ phải có cầu và cọc bê tông cốt thép bị sụp, nằm trong vị trí hành lang bảo vệ luồng. Khi thủy triều lên trở thành chướng ngại vật nguy hiểm cho phương tiện thủy đi sát bờ.

“Cầu An Thành trên kênh Thị Đội Ô Môn do đã thi công xong nhưng chưa lắp đặt báo hiệu tĩnh không, khẩu độ cầu, phương tiện thủy cần chủ động khi lưu thông qua. Kênh Tri Tôn Hậu Giang tại Km 50+520 cũng đang tháo dỡ cầu cũ và còn hai trụ tại khoang thông thuyền”, theo Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam.

Bên cạnh đó, hiện hơn chục cầu vượt sông, kênh trên đường thủy quốc gia phía Nam đang được tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông thủy cho phương tiện qua lại đảm bảo ATGT.

Cụ thể,các cầu: Rạch Ông tại Km 04+900 rạch Ông Lớn, cầu Măng Thít tại Km 21+500 tuyến Măng Thít, cầu Ô Môn tại Km 06+540 rạch Ô Môn (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ), cầu Hồng Ngự tại Km 44+010 kênh Hồng Ngự Vĩnh Hưng, cầu An Long tại Km89+620 kênh Tháp Mười số 1, cầu Rạch Sỏi 2 tại Km 58+425 và cầu Cái Sắn tại Km 00+800 kênh Rạch Sỏi Hậu Giang.

Trong khi đó, một số cầu khác được điều tiết đảm bảo giao thông theo mùa lũ khu vực gồm: cầu Đồng Nai trên sông Đồng Nai (Km 34+250, bờ phải thuộc TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương; bờ trái thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và cầu Hóa An Km 40+070; cầu Thới Lai Km 15+120 rạch Ô Môn; cầu Vàm Xáng Thị Đội Km 04+320 kênh Thốt Nốt; cầu Phước Long Km 58+210 kênh Quản Lộ Phụng Hiệp; cầu Giá Rai Km 30+250 kênh Bạc Liêu Cà Mau và khu vực Km 178+640 sông Hậu (ngã ba sông Vàm Nao - sông Hậu) thuộc địa phận tỉnh An Giang.

Để bảo đảm ATGT thủy qua các cầu này, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam ban hành các quy chế hướng dẫn phương tiện đi lại, yêu cầu các đơn vị điều tiết giao thông thực hiện hướng dẫn phương tiện thủy neo đậu, lưu thông, hạn chế hoặc cấm qua cầu theo đúng quy chế đi lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.