Đại biểu Quốc hội hỏi trực diện, bám vấn đề, Bộ trưởng trả lời đầy đủ, không né tránh, có giải pháp cụ thể với khối lượng công việc đồ sộ mà ngành đang triển khai.
Loạt giải pháp ổn định hoạt động đăng kiểm
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận được 112 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Cùng với việc giải trình đầy đủ, Bộ trưởng cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể trước mắt và lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ
Là Bộ có lĩnh vực quản lý Nhà nước rộng, nhiều vấn đề kỹ thuật chuyên sâu và nhiều vấn đề dân sinh tác động lớn đến xã hội, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT nhận được tới 112 câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Trong đó lĩnh vực đăng kiểm nhận được nhiều sự quan tâm, khi có rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận.
Trả lời các đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh), Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang), Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ)… liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm và trung tâm đăng kiểm thời gian vừa qua là rất đau xót.
Sự việc nghiêm trọng đã gây ra hệ lụy, nhân dân và doanh nghiệp phải chờ đợi, rất vất vả, đi ngược đi xuôi nhưng không đăng kiểm được.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, đã giải trình đầy đủ, nhận diện đúng các tồn tại, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của Bộ.
Trích phát biểu kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Nhận trách nhiệm của Bộ GTVT ở góc độ quản lý Nhà nước, song Bộ trưởng cũng chia sẻ, có tới 75% trung tâm đăng kiểm là của doanh nghiệp tư nhân.
Chính vì thế, khi đồng loạt có 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, cán bộ công chức, viên chức bị khởi tố, điều tra.
Có 106/281 đơn vị đăng kiểm bị đóng cửa, không phải muốn khôi phục lại là khôi phục ngay được.
Để khắc phục, Bộ GTVT đã kịp thời có nhiều giải pháp, trong đó có cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng điều động cán bộ hỗ trợ, chủ động đào tạo nhân sự thay thế, sửa đổi các quy định trong phạm vi thẩm quyền.
Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 30 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe.
Theo đó, một loạt những vấn đề liên quan đến điều kiện hoạt động của trung tâm đăng kiểm đã cơ bản được đảm bảo. Có sự thay đổi trong phân quyền cấp phép mở dịch vụ đăng kiểm cho Sở GTVT, gắn với trách nhiệm cụ thể.
“Hết tháng 6, chậm nhất không quá tuần đầu tháng 7 hoạt động đăng kiểm sẽ trở lại bình thường”, Bộ trưởng cam kết.
Ông chia sẻ, ngay từ khi về nhận công tác, đã chủ động nghiên cứu để điều chỉnh các quy định đăng kiểm phù hợp với thông lệ quốc tế, thông thoáng và hiện đại giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, Bộ GTVT đã ban hành thông tư miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm với xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, còn một số việc cần xử lý như điều chỉnh cơ chế tài chính theo hướng loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá do Nhà nước quản lý; tập trung đào tạo đăng kiểm viên để sớm bố trí đủ cho tất cả trung tâm; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tạo sự minh bạch.
Sớm xử lý tồn tại các dự án BOT
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn các ĐBQH ngày 8/6
Trả lời chất vấn về xử lý tồn tại các dự án BOT, hạn chế của Luật PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cá nhân ông và Bộ GTVT rất trăn trở về vấn đề này.
Từ khi ban hành Luật PPP (năm 2020) đến nay chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án hạ tầng theo hình thức này.
Trong khi đó, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông rất lớn, giai đoạn 2021 - 2025 cần 462.000 tỷ đồng, đến nay mới bố trí được 66% nhu cầu.
Theo Bộ trưởng, một số dự án thua lỗ thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Bộ GTVT sẽ đề xuất một số giải pháp thu hút vốn đầu tư PPP, trong đó tạo lòng tin, sự bình đẳng đối với doanh nghiệp và điều chỉnh thể chế phù hợp.
Rất nhiều dự án BOT thua lỗ không phải lỗi do nhà đầu tư, cũng không phải lỗi của Nhà nước mà do kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu thực tiễn phát sinh, phải mở thêm tuyến này, làm thêm đoạn kia hoặc chưa được thu, tăng phí.
Bộ trưởng cũng cho biết, đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, không chỉ với 8 dự án BOT đang gặp khó khăn mà toàn bộ dự án BOT trên toàn quốc để có bức tranh toàn cảnh, tìm giải pháp và trình lại phương án xử lý với 8 dự án BOT còn tồn tại đến cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Liên quan việc thí điểm dùng cát biển làm vật liệu cao tốc, Bộ trưởng thông tin, vấn đề này Chính phủ rất quan tâm. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt và giao cho Bộ GTVT chủ trì phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu.
“Đáng mừng là thử nghiệm trên 1 số tuyến, đoạn tuyến đường bộ, đường tránh, sử dụng thay thế 100% cát thông thường, qua theo dõi quan trắc tiêu chí về lý hóa phù hợp với môi trường, về vấn đề chịu tải vẫn đang tiếp tục quan trắc đến cuối năm”, Bộ trưởng báo cáo.
Thanh tra, kiểm tra ra bằng được sai phạm
Liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe như một số câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công.
Việc cấp đổi gần như đã được liên thông toàn bộ dữ liệu, có thể đăng ký cấp đổi qua mạng.
Để giám sát doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Bộ GTVT sẽ chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình, dữ liệu camera với địa phương và phía công an để xử lý vi phạm.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ đã và đang tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Vừa qua, Bộ đã chuyển 6 hồ sơ sang công an sau khi thanh kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
Đến nay toàn bộ hoạt động đào tạo, cấp phép lái xe đã được phân cấp xuống địa phương, Bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
Còn nhiều dư địa giảm chi phí logistics
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc giảm chi phí logistics, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, năm 2022, chi phí logistics của Việt Nam là 16,8%, dù vẫn còn cao so với bình quân chung của thế giới, song cũng đã tiệm cận với chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam: Đến năm 2025 chi phí logistics ở mức 16 - 20%.
“Điều này đã minh chứng bằng chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới công bố tháng 3/2023, theo đó Việt Nam xếp 43/139 nước tham gia xếp hạng và đứng thứ 4 trong khối ASEAN.
Đây là những kết quả ban đầu để chúng ta tiếp tục phấn đấu. Thực tế dư địa để giảm chi phí logistics vẫn còn nhiều”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, tập trung một số giải pháp như tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, đầu tư phát triển cảng cạn, trung tâm logistics để phát triển vận tải đa phương thức, đặc biệt quan tâm tới vận tải đường sắt; đề xuất các chính sách liên quan đến giá, chi phí vận tải như phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…
Theo Bộ trưởng, việc Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch hàng hải, đường bộ, đường sắt và mới nhất là hàng không sẽ là căn cứ để tới đây việc kết nối vận tải đa phương thức giữa các loại hình sẽ có kết quả rõ rệt.
Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đã trả lời tường tận các kiến nghị của cử tri cả nước về các tuyến đường, cầu yếu ở địa phương cần được nâng cấp.
Về giải pháp kiềm chế ùn tắc tại các thành phố lớn, Bộ trưởng cho biết, có nhiều nguyên nhân và đây là việc phải giải quyết trong lâu dài, không thể một sớm một chiều.
Để khắc phục, cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. Ngoài ra, trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị cần chú trọng đến tỷ lệ đất dành cho giao thông. Bên cạnh đó, phải phát triển phương tiện công cộng, đây là vấn đề cấp thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận