Mở cửa rồi, vừa làm vừa nghe ngóng…
Những ngày này, ông Lê Văn Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh, luôn quay cuồng với những cuộc họp chuẩn bị đón các đoàn khách từ Nga về Cam Ranh theo những chuyến bay thuê chuyến (charter Flight).
Đoàn du khách quốc tế đầu tiên đáp xuống sân bay Đà Nẵng vào ngày 17/11
“Rất may mắn cho chúng tôi khi mùa Đông chính là dịp cao điểm khách Nga sang Việt Nam tắm nắng. Hơn nữa, Khánh Hòa cũng là điểm đến yêu thích của du khách Nga. Ngoài ra, chính sách của Nga sau khi đi du lịch về không phải cách ly, vaccine Sputnik lại rất sẵn, chỉ cần tiêm 1 mũi sau 14 ngày là có thể lên máy bay đi du lịch…”, ông Nghĩa hồ hởi chia sẻ.
Theo dự kiến của Nhật Minh, tour đầu tiên đón khách Nga sẽ được thực hiện vào đầu tháng 12 tới. Dự kiến, từ nay tới hết tháng 3, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ đón được khoảng 1.200 khách về Việt Nam.
Nói về quy định khách quốc tế phải “tự cách ly” theo lịch trình cố định tại điểm đến đầu tiên trong khoảng 7 ngày, ông Nghĩa cho biết: “Theo quy định, khách du lịch Nga được duyệt visa nhập cảnh trong 15 ngày. Không giống như khách các nước khác, khách Nga rất thích nghỉ dưỡng, họ có thể ở trong resort cả tuần để tắm nắng và đọc sách. Tới ngày thứ 8 có thể dành 1 ngày tới Đà Lạt và những ngày tiếp theo vẫn kịp để di chuyển tới Vân Đồn hay Hạ Long của Quảng Ninh”.
Tuy nhiên, không phải nhà tour đón khách quốc tế nào cũng có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như Nhật Minh, bởi thực tế, vẫn có không ít rủi ro ngay cả với nhiều thị trường tiềm năng.
Đơn cử, trong tuần qua, Vietnam TravelMart đã đón đoàn khách quốc tế đầu tiên với thời hạn nhập cảnh 8 ngày vào Quảng Nam.
Trước đó, theo dự kiến, số lượng khách đăng ký tour trong ngày 17/11 là 203 người và ngày 18/11 là 226 người.
Tuy nhiên, do phải thực hiện hồ sơ xin visa nhập cảnh Việt Nam và các thủ tục liên quan đến tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Quảng Nam, nên số khách ngày 17/11 giảm còn 30 người, ngày 18/11 giảm còn khoảng 150 người.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Như Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Vietnam TravelMart cho biết, giá thuê mỗi chuyến charter flight tùy theo loại cỡ, đường bay, có mức từ 3 - 7 tỷ đồng. Do đó, mỗi chuyến phải có từ 150 khách trở lên mới có thể tính chuyện lợi nhuận.
“Chuyến ban đầu thực hiện, doanh nghiệp bị thụ động với những quy định, chính sách, chưa có kinh nghiệm, nhiều khách dù đã đăng ký nhưng lại không đủ điều kiện tham gia tour. Ít khách đương nhiên là lỗ nhưng một khi đã đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro”, ông Nam cho hay.
Rút kinh nghiệm, ông Nam cho biết, từ tháng 12, Vietnam TravelMart sẽ thực hiện khoảng 10 chuyến charter flight, đón ít nhất khoảng 2.000 khách.
“Vừa làm vừa phải nghe ngóng chính sách, vì có khi từ sáng tới chiều đã khác nên phải bám sát quy định, luôn có phương án dự phòng cho mỗi tình huống”, vị Tổng giám đốc chia sẻ.
Tương tự, bà Trần Thị Bích Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vivu Journeys Việt Nam cho biết, đang lo thủ tục cho 3 chuyến charter flight đón du khách từ Nhật và Singapore về Quảng Nam trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022.
“Số liệu tới thời điểm này chuyển về cho thấy nguồn khách sẽ không được nhiều như mong muốn bởi các đối tác là đại lý du lịch ở các nước cho rằng, điểm đến của Việt Nam rất tốt nhưng vẫn còn nhiều rào cản hạn chế trong quy định phòng, chống dịch. Đơn cử họ cho rằng việc phải ở lại resort trong 7 ngày thì chưa phải là bình thường mới. Vì ở Thái Lan, Campuchia, du khách chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm PCR âm tính sau 72 giờ là có thể đi tới bất cứ đâu họ thích…”.
Ngoài ra, theo bà Thủy, hiện nay, khách du lịch quốc tế nào muốn vào Việt Nam cũng phải đi dưới dạng charter flight và mua vé thông qua các đại lý du lịch được ủy quyền, sau đó khi quay về lại phải cách ly trong nước.
Trong khi tại những nước đã công nhận “hộ chiếu vaccine” như Thái Lan, thì du khách được thoải mái đặt vé máy bay thương mại, không bị ràng buộc bởi những quy định trên.
Cuộc chơi dành cho những “ông lớn”?
Mặc dù vẫn “tồn” hồ sơ của hơn 1.000 khách khu vực châu Âu, châu Mỹ và châu Úc trong gần hai năm qua kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, tuy nhiên, chia sẻ với Báo Giao thông, ông Phạm Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group cho biết, đơn vị này buộc phải bỏ qua giai đoạn đầu mở cửa đón khách quốc tế.
“Dù đã mở cửa song nhiều quy định, thủ tục khá lằng nhằng, thời gian lại quá gấp nên chúng tôi chỉ có thể sẵn sàng bắt nhịp vào giai đoạn 2 đầu năm 2022 khi đường bay thương mại theo thông lệ được mở”, ông Hà nói và lý giải, ngay thời điểm này du lịch trong nước vẫn chưa thể hoạt động suôn sẻ thì khó có thể thuận lợi đón khách quốc tế.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Tổng cục Du lịch cho hay, bản hướng dẫn tạm thời đón khách quốc tế mới được thực hiện trong thời gian ngắn nên chưa thể có những đánh giá ngay. Nhiều vấn đề các doanh nghiệp lữ hành đưa ra vượt ngoài tầm giải quyết của Bộ VH-TT&DL.
“Nói là thích ứng an toàn nhưng mỗi địa phương lại áp dụng một kiểu. Cụ thể, trong khi Nha Trang thực hiện hướng dẫn đón khách từ vùng xanh, vùng vàng rất tốt thì nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng lại đang vướng mắc, nhiều nơi chưa rõ bao giờ mới mở cửa tham quan. Cụ thể tại Hạ Long, cho phép mở cửa đón khách từ vùng xanh, nhưng khi bất chợt chuyển sang vùng vàng thì lại chưa có quy định. Do đó, chỉ trong vòng gần 1 tháng chúng tôi đã phải hủy tới 10 đoàn tour…”, vị CEO Lux Group giãi bày.
Ngoài ra, theo ông Phạm Hà, chính sách cấp visa hiện nay cũng là một trong những rào cản khi khách quốc tế lựa chọn tới Việt Nam. “Việc giới hạn miễn thị thực vô tình đã trao cơ hội hút khách cho các điểm đến khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Campuchia…”, vị này nhận định.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Bích Thủy kiến nghị nếu chưa thể mở rộng chính sách visa ngay lập tức, Nhà nước cũng nên khôi phục lại quy định nhập cảnh trước khi có dịch.
“Ví như trước đây, khách Nhật vào Việt Nam được cấp visa miễn phí lên đến 30 ngày thì nay lại phải làm thủ tục rất mất thời gian”, bà Thủy cho hay.
Từ những vướng mắc trên, ông Phạm Hà cho rằng, giai đoạn đầu mở cửa đón khách quốc tế là cuộc chơi dành cho các hãng hàng không và các “ông lớn” ngành nghỉ dưỡng làm thử nghiệm.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm người từng trải, ông Nguyễn Như Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Vietnam TravelMart cho rằng, cơ hội chỉ dành cho những ai tự tin về nguồn lực và nguồn khách.
“Tất cả thông báo, quy định đều công khai, doanh nghiệp nào cảm thấy đủ năng lực thì đăng ký. Tuy nhiên, vì có quá nhiều rủi ro từ khâu gom khách tới đăng ký, trình duyệt… nên ngay cả những “ông lớn” cũng không quyết định tham gia nhất là trong bối cảnh phải chắt chiu từng đồng sau 2 năm bị đại dịch tàn phá. Do đó, doanh thu lúc này không có nhiều ý nghĩa, , ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, những tour đón khách quốc tế đầu tiên từ nay tới cuối năm, hòa vốn là mục tiêu hướng tới của hãng tour.
“Từ quý I sang năm, chúng tôi mới có thế bắt đầu có lãi khi quy trình và nguồn khách ổn định, với khoảng 2.000 khách/tháng”, vị này dự tính.
Trong giai đoạn thí điểm, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải đáp ứng nhiều điều kiện: Có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận.
Nếu khách đã khỏi bệnh do Covid-19 thì phải có chứng nhận đã khỏi bệnh, từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng.
Khách có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Khách có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD và phải tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận