Hôm qua, nội các lâm thời Thái Lan đã được nhà vua phê chuẩn sau cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5/2014 vừa qua. Có quá nhiều vấn đề phải giải quyết trong đời sống chính trị quốc gia này và không phải là công việc ngày một, ngày hai, bởi thế, bất ổn ở Thái Lan có lẽ còn là câu chuyện dài dài.
Các thành viên nội các lâm thời Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đứng thứ hai từ trái sang |
Mới đây, Trung tướng Chatchalerm Chalermsukh, thành viên Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự, đã đưa ra lời khẳng định rằng cuộc đảo chính ngày 22/5/2014 vừa qua ở Thái Lan “không hề có kế hoạch từ trước”, và rằng sở dĩ cuộc chính biến diễn êm thấm như vậy là do các lực lượng quân đội đã triển khai sẵn ở Thủ đô Bangkok. Dù thế nào thì cuộc đảo chính quân sự lần thứ 12 diễn ra tại đất nước Chùa Vàng kể từ năm 1932 vẫn là một sự kiện đã nhìn thấy trước, thể hiện rõ cái vòng luẩn quẩn trên chính trường Thái Lan vẫn chưa có lối thoát.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 3/7/2011, đảng Vì nước Thái đã giành thắng lợi tuyệt đối và bà Yingluck Shinawatra trở thành Thủ tướng thứ 28 của Thái Lan. Chính phủ Yingluck đã áp dụng những chính sách “dân tuý” truyền thống từ thời cựu Thủ tướng Thaksin, và công bằng mà nói, đã đạt được những thành quả đáng kể, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân nghèo khu vực Bắc và Đông Bắc, là lực lượng chiếm số đông trong xã hội Thái Lan.
Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn danh sách nội các lâm thời Hôm qua (31/8), Nhà Vua Thái Lan đã phê chuẩn danh sách nội các lâm thời do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trình lên, theo đó nội các mới gồm 32 thành viên, trong đó có 5 Phó Thủ tướng. Trong danh sách nội các lâm thời có 11 thành viên là các tướng lĩnh và cựu tướng lĩnh cảnh sát, quân đội và 21 thành viên dân sự, trong đó có 2 phụ nữ. Các Phó Thủ tướng gồm ông Prawit Wongsuwan kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Tanasak Patimapakorn kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; ông Pridiyathonrn Devakula; Yongyuth Yuthawong; ông Wisanu KreaNgam. Theo danh sách nội các vừa được phê chuẩn, các bộ quan trọng khác như tư pháp, thương mại, giao thông, tài nguyên môi trường, lao động, giáo dục... đều do các tướng lĩnh và cựu tướng lĩnh cảnh sát và quân đội đứng đầu, đáng chú ý nhất là Tướng Anupong Paochinda giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Trước đó cùng ngày, Tướng Prayuth Chan-ocha cũng đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng lâm thời Thái Lan. |
Tuy nhiên, Nội các của nữ chính trị gia xinh đẹp đã gặp phải sóng gió ngay từ những ngày đầu hoạt động, và cuộc đảo chính ngày 22/5/2014 chỉ là điểm chốt của một “cái chết đã được báo trước”.
Đảng PT là đảng kế thừa của đảng Người Thái yêu người Thái (TRT) của cựu Thủ tướng Thaksin - anh trai bà Yingluck, và đảng Sức mạnh nhân dân (PPP), với nòng cốt là Mặt trận dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) đã có những bước phát triển mạnh mẽ từ năm 2007 đến nay. Do PT là đảng kế thừa của đảng TRT, giữa Hoàng gia và Chính phủ liên minh với PT làm nòng cốt ngay từ đầu đã tồn tại nhiều nghi kỵ.
Ngay sau khi bà Yingluck được Hạ viện bầu làm Thủ tướng Thái Lan (5/8/2011), Hoàng hậu đã có cuộc gặp riêng với bà nhằm dò xét thái độ của PT, đồng thời “đặt điều kiện” với Chính phủ mới. Ngày 19/9/2011, Nhà vua Thái Lan đã phê chuẩn quyết định công nhận Chủ tịch đảng Dân chủ - cựu Thủ tướng Abisit - làm chủ tịch các đảng đối lập ở Thái Lan.
Đây là điều không có tiền lệ và nó minh chứng cho việc Hoàng gia “không ưa” Chính phủ của Thủ tướng Yingluck. Đặc biệt, vấn đề nổi cộm trong quan hệ giữa Chính phủ và Hoàng gia là vấn đề sửa đổi Hiến pháp 2007. Chính phủ muốn sửa đổi Hiến pháp nhằm củng cố quyền lực, ngăn chặn nguy cơ đảo chính, tuy nhiên việc làm này đã ảnh hưởng tới vị thế “bất khả xâm phạm” của Hoàng gia Thái Lan.
Cựu Thủ tướng Yingluck và đảng PT đã có khá nhiều nhượng bộ với phe quân đội. Quan điểm “không trả thù” và “không can thiệp vào công việc của quân đội” thời gian đầu đã có hiệu quả, với tuyên bố của quân đội sẽ “không tiến hành đảo chính”.
Tuy nhiên, sau đó đã xuất hiện ngày càng nhiều những rạn nứt, từ việc các Tư lệnh của Quân đội Thái Lan đều vắng mặt trong buổi công bố Chiến lược quốc gia và Chiến lược quốc phòng do Thủ tướng Yingluck chủ trì; việc Tư lệnh Quân đội đề nghị Chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với trận lũ năm 2011, nhưng Thủ tướng không đồng ý; việc Quốc vương chuẩn dụ danh sách bổ nhiệm các sỹ quan cao cấp mà các vị trí chủ chốt vẫn do phe quân sự nắm giữ, bất chấp Chính phủ đã can thiệp; việc Chính phủ xúc tiến sửa đổi Luật công chức Quốc phòng năm 2008 nhằm hạn chế vai trò của phe quân sự và trao nhiều quyền hạn hơn cho Chính phủ trong việc kiểm soát Quân đội, xây dựng kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng...
Về phần mình, rút kinh nghiệm sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006, người dân quá bất bình trước việc quân đội can thiệp sâu vào chính trường, lần này, Quân đội Thái Lan vừa cố tìm cách cải thiện hình ảnh với người dân, vừa kiên nhẫn chờ đợi khi cuộc khủng hoảng xã hội được đẩy lên cao trào, người dân mất lòng tin vào Chính phủ thì mới đứng ra ”xử lí”.
Ban đầu tuyên bố không can dự vào chính sự và đề nghị Chính phủ và người biểu tình tự thương lượng và giải quyết với nhau, ý đồ của Quân đội là mượn tay của phe đối lập và phong trào biểu tình, gây sức ép để Chính phủ tự nguyện chuyển giao quyền lực cho một chính phủ trung gian nhưng không đạt được mục đích, dẫn đến cục diện giằng co không bên nào chịu bên nào, đây là thời điểm Quân đội ra tay.
Tất cả những chuyện khác – khủng bố ở miền Nam, trợ giá thóc gạo, ân xá cho ông Thaksin, lạm quyền v.v…, quả đều là những vấn đề quan trọng, nhậy cảm, “giúp” bà Yingluck mất điểm và tạo cớ cho phe đối lập. Tuy nhiên, những phức tạp đã kéo dài trong đời sống chính trị Thái Lan cùng với một số chính sách của bà Yingluck động chạm đến quyền lợi của giới bảo hoàng cùng một bộ phận không nhỏ giới thượng lưu, trung lưu Thái Lan với đội quân xung kích là Quân đội Thái Lan đã tạo nên xung đột. Giải quyết triệt để vấn đề này không phải là công việc ngày một, ngày hai, bởi thế, bất ổn ở Thái Lan có lẽ còn là câu chuyện dài dài.
Nguyên Phong
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận