Bóng đá

Nhìn từ thất bại của Việt Nam tại giải U19 Đông Nam Á 2022

19/07/2022, 06:32

Trong bóng đá chuyên nghiệp, cách giúp cầu thủ trẻ trưởng thành nhanh nhất là ra sân, va đập và tích lũy kinh nghiệm.

Việc không có nhiều cơ hội ra sân là thiệt thòi với các cầu thủ trẻ Việt Nam trong lộ trình phát triển và cầu thủ trẻ Việt Nam dường như đang đối diện với điều này.

img

U19 Việt Nam bộc lộ điểm yếu về bản lĩnh tại Giải U19 Đông Nam Á. Ảnh: VFF

Thực tế đáng lo ngại

Sau thất bại trước U19 Malaysia tại bán kết Giải U19 Đông Nam Á 2022, HLV Đinh Thế Nam thừa nhận, các học trò của mình yếu tâm lý dẫn tới sai sót khi đối mặt với tình huống tấn công của đội bạn.

Cách nhìn nhận của HLV Thế Nam rất thực tế, bởi đa phần các cầu thủ trong tay ông đều chỉ đang thi đấu ở các cấp độ trẻ, nơi vốn không có nhiều cơ hội để các em rèn luyện.

Trong bóng đá chuyên nghiệp, cách giúp cầu thủ trẻ trưởng thành nhanh nhất là ra sân, va đập và tích lũy kinh nghiệm.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, cầu thủ trẻ lại không có nhiều cơ hội thi đấu. Thông thường, mỗi năm, các cầu thủ trẻ ở từng lứa tuổi chỉ có một giải đấu thuộc hệ thống quốc gia.

Với lứa U19, U21 sẽ có thêm một giải Quốc tế nhưng không phải dành cho tất cả.

Tính sơ bộ, mỗi cầu thủ trẻ Việt Nam chỉ chơi khoảng trên 10 trận một năm. Cá biệt, có những cầu thủ chỉ thi đấu khoảng 5 trận nếu không vượt qua được vòng loại quốc gia. Đây thực sự là con số quá ít.

Chuyên gia Trịnh Minh Huế trong lần trò chuyện với Báo Giao thông từng phân tích, ở các nước có nền bóng đá phát triển, cầu thủ trẻ chơi ít nhất 30 trận, nhiều thì lên tới 50 trận bởi đây là giai đoạn các em rất cần ra sân để tích lũy nền tảng thể lực và kỹ chiến thuật.

Càng lên cao, khối lượng thi đấu sẽ giảm dần. Với bóng đá Việt Nam thì ngược lại, cầu thủ trẻ ít được thi đấu nhưng khi trưởng thành sẽ chơi nhiều hơn.

HLV Triệu Quang Hà cũng tán đồng quan điểm này và cho rằng cầu thủ trẻ Việt Nam nếu muốn phát triển toàn diện thì tối thiểu phải đảm bảo được thi đấu 20 trận/năm: “Tôi không muốn so sánh bởi mỗi nền bóng đá đều có đặc thù nhưng điểm chung là cầu thủ trẻ cần phải được thi đấu thường xuyên bên cạnh việc tập luyện. Nếu chỉ tập mà không thi đấu cọ xát sẽ khó trưởng thành”.

Trở lại với Giải U19 Đông Nam Á 2022, ít người biết 7 cầu thủ thường đá chính của U19 Lào đang khoác áo đội hạng ba Ezra thi đấu giải quốc gia.

Đặc biệt, Peter Pathavong - cái tên mới 16 tuổi nhưng đã là trụ cột của Ezra, anh ghi 4 bàn tại Giải U19 Đông Nam Á.

Như vậy, có thể khẳng định việc đội bóng trẻ xứ triệu voi vào tới chung kết không hề ăn may mà được đúc kết bằng kinh nghiệm thi đấu thực tế.

Đi tìm giải pháp vượt khó

Thực trạng là điều đã được nhìn rõ và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo trẻ chỉ có một, đó là tăng cường để cầu thủ thi đấu.

Ở những nền bóng đá tiên tiến, gần như tất cả các lứa trẻ đều có giải thi đấu theo thể thức League (đá vòng tròn tính điểm) và thể thức Cup (chia bảng đá vòng tròn rồi đá knock-out tới chung kết).

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chỉ tổ chức được thi đấu Cup nên số trận đấu rất hạn chế.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Cao Văn Chóng, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho rằng, mô hình ở các cường quốc về bóng đá có hệ thống thi đấu từ giải trẻ tới chuyên nghiệp đều được kiện toàn, hoàn thiện và trải qua nhiều năm vận hành nên đã đi vào ổn định.

Với bóng đá Việt Nam, Liên đoàn cũng rất mong muốn cầu thủ trẻ được chơi bóng nhiều hơn nhưng điều kiện của chúng ta chưa đáp ứng được.

“Tôi lấy ví dụ, nếu tổ chức một giải trẻ theo hình thức League thì việc di chuyển, ăn uống, lưu trú khá tổn kém trong khi đa phần các đội bóng Việt Nam chưa có nguồn kinh phí dồi dào cho lứa trẻ.

Trong phạm vi cho phép, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn đang nỗ lực làm tất cả có thể để cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn.

Dễ nhận thấy nhất là hệ thống giải trẻ những năm qua đã được cải thiện đáng kể về chất lượng, thể thức thi đấu.

Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng kết hợp với đối tác tổ chức những chuyến tập huấn tại nước ngoài nhằm giúp cầu thủ được tiếp cận bóng đá đỉnh cao sớm”, ông Chóng nói.

HLV Triệu Quang Hà thì cho rằng, dù điều kiện còn hạn chế nhưng bóng đá Việt Nam vẫn có thể hành động để giúp cầu thủ trẻ có thêm sân chơi.

“Chi phí cho một đội bóng theo được lịch thi đấu League đúng là không nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta có thể tổ chức giải riêng cho từng vùng, từng cụm, gom một số đội gần nhau tổ chức riêng, thi đấu tại nơi có cơ sở vật chất tốt. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Nếu muốn cuối mùa sẽ tổ chức để các đội vô địch cụm tranh tài, cũng tại địa điểm tập trung”, ông Hà nói.

Bên cạnh đó, ông Hà cũng chia sẻ, ngoài việc chờ đợi, các đội bóng hoàn toàn có thể tổ chức kiểu hội trại bóng đá, gom một số đội trẻ lại để thi đấu cọ xát.

Cầu thủ trẻ chỉ cần được chơi, được cháy với đam mê, công tác tổ chức cũng không cần phải quá nặng nề, không phát sinh nhiều chi phí.

U19 Việt Nam sẽ tập huấn tại Nhật Bản

Sau giải U19 Đông Nam Á, U19 Việt Nam sẽ nghỉ 5 ngày trước khi hội quân trở lại vào ngày 22/7. Thầy trò HLV Đinh Thế Nam sau đó dự giải U19 quốc tế ở Bình Dương từ 4 - 11/8 tới với sự góp mặt của 4 đội. Kết thúc giải giao hữu quốc tế, Văn Khang và đồng đội sẽ lên đường sang Nhật Bản để tập huấn từ ngày 13 - 26/8 trước khi trở lại Hà Nội tập luyện và sang Indonesia dự Vòng loại U20 châu Á 2023 từ 14 - 18/9.

Tại giải này, U19 Việt Nam cùng bảng với U19 Indonesia, Hong Kong và Đông Timor.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.